|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nguy cơ từ trò chơi 'Bà Phương Hằng nói gì về bạn' đang gây sốt trên Facebook

16:27 | 28/05/2021
Chia sẻ
Trước khi click vào bất kỳ trò chơi hay ứng dụng nào trên Facebook, người dùng được khuyến cáo nên cẩn trọng với số lượng thông tin mà mình phải cung cấp.

Bà Phương Hằng với những đoạn livestream chia sẻ nhiều thông tin mang tính chất "bóc mẽ" một số hành vi của những người nổi tiếng trong thế giới giải trí đang là một trong những vấn đề được người dùng mạng Việt Nam quan tâm nhiều nhất.

Nguy cơ từ trò chơi 'Bà Phương Hằng nói gì về bạn' đang gây sốt trên Facebook - Ảnh 1.

Trò chơi liên quan đến bà Phương Hằng đang gây sốt trên Facebook. (Ảnh: Nam Khánh)

Tận dụng cơ hội này, một số dịch vụ ăn theo "cơn sốt" bà Nguyễn Phương Hằng đã xuất hiện. Cụ thể, một số dịch vụ game hỏi đáp, trắc nghiệm trên Facebook đang đưa ra một số trò chơi với nội dung như "Bà Phương Hằng nói gì về bạn?" thu hút được khá nhiều sự quan tâm. 

Thông thường, các trò chơi này đưa ra những nội dung ngẫu nhiên cho mỗi người dùng. Nhờ đi theo đúng xu hướng cùng với đó là các nội dung vui nhộn, các trò chơi này nhanh chóng cũng tạo thành "trend".

Dù vậy, những trò chơi tưởng chừng như vô hại như thế này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến riêng tư và bảo mật người dùng do người dùng được yêu cầu phải cấp nhiều quyền cho ứng dụng trước khi chơi trò chơi.

Ví dụ, ở trường hợp trò chơi này, trước khi có thể chơi, người dùng buộc phải chấp nhận điều kiện của đơn vị phát hành. Theo đó, người chơi sẽ phải cung cấp cho trò chơi tên gọi, ảnh đại diện, địa điểm/ngôn ngữ và danh sách những người mà bạn biết cũng đang chơi trò chơi này. Như vậy, rõ ràng là trò chơi này đang yêu cầu nhiều dữ liệu hơn những gì nó cần để có thể vận hành.

Nguy cơ từ trò chơi 'Bà Phương Hằng nói gì về bạn' đang gây sốt trên Facebook - Ảnh 2.

Một trò chơi đơn giản nhưng lại yêu cầu thêm khá nhiều thông tin của người dùng. (Ảnh: Chụp màn hình).

Dĩ nhiên, không phải tất cả các ứng dụng trò chơi này đều có mục đích xấu. Tuy nhiên, người dùng luôn được khuyến cáo cực kỳ cẩn trọng khi chấp nhận chia sẻ các thông tin của mình. 

Nếu không cẩn trọng với những ứng dụng/ trò chơi trên Facebook, người dùng có thể phải đối mặt với những nguy cơ từ "nhẹ nhàng" như ứng dụng tự động gửi tin nhắn spam đến bạn bè, thông tin bị bán cho các nhà quảng cáo, cho đến thậm chí là mất quyền truy cập tài khoản.

Thực tế, bê bối dữ liệu người dùng lớn nhất trong lịch sử của Facebook, trong đó khiến dữ liệu người dùng của 87 triệu người dùng bị lạm dụng cũng bắt nguồn từ những ứng dụng, trò chơi tưởng chừng như rất vô hại đến từ các bên thứ 3.

Để bảo vệ tài khoản, người dùng có thể vào mục Settings & Privacy từ thực đơn sổ xuống góc trên bên phải giao diện Facebook. Tại đây, người dùng có thể vào phần Instant Games. Tại đây, người dùng có thể thấy toàn bộ các ứng dụng trò chơi mà mình đã cấp quyền. Người dùng có thể tick vào các trò chơi mình muốn gỡ bỏ quyền truy cập và nhấn Remove.

Nam Khánh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.