|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguy cơ thiếu thịt tăng cao, doanh nghiệp vẫn 'ngại' tích trữ thịt heo đông lạnh

11:53 | 06/06/2019
Chia sẻ
Chi phí cho thịt đông lạnh cao hơn nhiều so với thịt nóng, năng lực giết mổ và cấp đông của nhiều địa phương, doanh nghiệp còn rất hạn chế, trong khi thị hiếu của người tiêu dùng vẫn không mấy mặn mà với thịt đông lạnh.

Việc mua thịt heo và cấp đông trong tình hình hiện nay là rất khó khăn

Đó là nhận định của ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai. Ông cho rằng mặc dù việc cấp đông thịt heo tại thời điểm hiện nay là việc cần thiết, sẽ giúp giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thịt heo cho thị trường.

Tuy nhiên, cái khó của việc cấp đông thịt heo hiện nay là phải sử dụng kho cấp đông lớn và có nhiệt độ âm sâu. Tuy nhiên, hiện Đồng Nai vẫn chưa có kho cấp đông lớn và đảm bảo nhiệt độ âm sâu.

"Đây là giải pháp tạm thời trước mắt, vì nếu không cấp đông, lượng lớn heo sẽ bị ùn ứ, ảnh hưởng đến nguồn cung sau này và giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Nhưng cái khó nhất là năng lực giết mổ và cấp đông của doanh nghiệp rất hạn chế", ông Quang trao đổi với người viết.

Không chỉ Đồng Nai, theo số liệu của Bộ Công thương, hiện nay, cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở các vùng tại Đồng bằng Sông Hồng. 

Đáng chú ý, mới chỉ có 14 doanh nghiệp thực hiện giết mổ tập trung có hệ thống cấp đông, trong có 5 doanh nghiệp xuất khẩu thịt heo sữa, đạt công suất 5000 tấn/năm. 9 doanh nghiệp còn lại đảm bảo cấp đông được 6.000 tấn/năm. Con số này còn rất nhỏ so với quy mô 3,81 triệu tấn thịt heo tiêu dùng/năm của cả nước.

"Chúng tôi xác định đây là việc hết sức khó khăn bởi khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế. Việc cấp đông sản phẩm thịt heo trong một thời gian dài với khối lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 5.

Nguy cơ thiếu thịt tăng cao, doanh nghiệp vẫn ngại tích trữ thịt heo đông lạnh - Ảnh 1.

Năng lực giết mổ và cấp đông của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Một thực tế nữa là nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cấp đông của người Việt Nam còn rất hạn chế, chưa phổ biến, gây lo ngại cho doanh nghiệp về khả năng tiêu thụ sản phẩm cấp đông.

Đồng quan điểm, trao đổi với người viết ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho biết Vissan đã tăng giết mổ thêm 100 con/ngày (từ 1.200 con lên 1.300 con/ngày) để kìm đà lao dốc của giá thịt heo và chuẩn bị nguyên liệu trong thời gian tới.

"Tuy nhiên, vấn đề nan giải là thịt heo dùng cho nhu cầu hằng ngày, người tiêu dùng vẫn quen dùng tươi sống, chưa quen dùng đông lạnh nên đầu ra cho thịt sau cấp đông vẫn giới hạn", Phó Tổng Giám đốc Vissan chia sẻ.

Trong khi đó, việc cấp đông thịt heo có chi phí cao hơn nhiều so với thịt nóng bởi đầu tư cho kho đông lạnh cao, hao hụt, chi phí nhân công... cũng rất lớn. 

Đáng chú ý nếu không giải phóng được hàng tồn kho hoặc hàng tồn kho quá lâu sẽ rất phức tạp. Ngoài ra, cơ sở vật chất đầu tư cho cấp đông sẽ phải sử dụng như thế nào sau khi dịch đi qua là những mối lo của doanh nghiệp khi tham gia cấp đông thịt.

Đó là còn chưa kể, đối với nguyên liệu cho ngành chế biến, các doanh nghiệp tham gia cấp đông sẽ phải cạnh tranh với thịt đông lạnh nhập khẩu trong khi chi phí cấp đông trong nước khá cao, đại diện Vissan cho biết.

Áp lực nguồn cung thịt heo tăng cao, Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa vật nuôi

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số heo của cả nước tháng 5/2019 giảm 5,5% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Tại một số địa phương, số heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi (ASF) và tiêu hủy có tỷ lệ cao hơn như Hà Nội có trên 147.000 con, chiếm 7,7% tổng đàn của thành phố, Thái Bình trên 300.000 con, chiếm hơn 30% tổng đàn của tỉnh, Hưng Yên trên 110.000 con, chiếm hơn 20% tổng đàn của tỉnh...

Còn theo thống kê của Bộ Công Thương, từ tháng 3, sau khi có thông tin về tình hình bệnh AFS lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá heo hơi đã giảm đồng loạt trên cả nước. Đến cuối tháng 3, đầu thàng 4, giá tăng nhẹ trở lại.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, giá heo hơi tiếp tục giảm trở lại, hiện giá heo hơi tại phía bắc phổ biến từ 28.000 - 33.0000 đồng/kg, giá heo hơi từ miền Nam phổ biến từ 32.000 - 38.000 đồng/kg (giảm 2.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng trước), giá thịt heo thành phẩm từ 70.000 - 90.000 đồng/kg (tùy chủng loại, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước).

Một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới như Thái Bình, Hưng Yên… nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn.

"Chúng ta cũng phải tính đến việc cung cầu của mặt hàng thịt heo trong thời gian tới, ví dụ trong 3 - 4 tháng nữa, đặc biệt dịp trước Tết cổ truyền của Việt Nam thời gian cũng không còn nhiều. Liệu lúc đó có đủ thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt heo vốn được tiêu dùng rất phổ biến ở Việt Nam cho người tiêu dùng hay không?", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đặt vấn đề.

Nguy cơ thiếu thịt tăng cao, doanh nghiệp vẫn ngại tích trữ thịt heo đông lạnh - Ảnh 2.

Nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dịch ASF đã xảy ra tại trên 3.000 xã, phường, thị trấn của 53 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy tổng số trên 2 triệu con heo. 

Nguy cơ bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh đến các địa phương chưa có dịch, tái phát tại các địa phương đã qua 30 ngày, xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn là rất cao, dẫn đến buộc phải tiêu hủy nhiều heo trong thời gian tới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch ASF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện gửi các bộ ngành về việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch với phương châm "phòng, chống dịch như chống giặc", "phòng là chính, cơ sở và người dân là chính".

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi.

"Trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản,... để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt heo nhằm phục vụ tốt đời sống người dân", Thủ tướng nhấn mạnh trong công điện khẩn.

Việc thu mua thịt heo và sau đó cấp đông là chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng theo Văn bản số 192/TB-VPCP ngày 17/5/2019 của Văn phòng Chính phủ, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan… tập trung xử lí dịch ASF.

Mục đích là kịp thời đưa ra những chính sách, quyết định phù hợp có thể áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời phải bảo đảm tất cả thịt heo thu mua và sau đó cấp đông đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.








Như Huỳnh