Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cà phê ngày càng lớn
Theo Financial Times, thị trường cà phê ngày ngày càng mở rộng. Ước tính đến năm 2050, lượng tiêu thụ cà phê sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại ở mức 6 tỷ cốc/ngày. Một nghiên cứu của Trung tâm Đầu tư bền vững Columbia cho thấy nguồn cung cà phê thế giới đến năm 2030 cần phải tăng thêm 25%.
Tuy nhiên, thực tế liệu rằng ngành công nghiệp này có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng không khi mà vẫn còn nhiều nghi ngờ về tính hiệu quả của mô hình chuỗi cung ứng hiện tại. Rủi ro biến đổi khí hậu đồng nghĩa với vùng trồng thích hợp trồng cà phê sẽ giảm xuống, nông dân chật vật trang trải cuộc sống.
Trong hai năm qua, lượng tiêu thụ cà phê đã vượt so với sản lượng và người nông dân đang hứng chịu những tác động xấu từ hiện tượng El Nino. Giá cà phê robusta đã chạm mức cao nhất 15 năm qua hồi tháng 5 do hình thái thời tiết tiêu cực này.
Ông Vanusia Nogueira, giám đốc điều hành của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), nhận định mối lo ngại nhất là tình trạng thâm hụt nguồn cung cà phê đang ngày càng nới rộng. Mặt hàng này ngày càng trở nên đắt đỏ và có thể trở thành “xa xỉ”.
Tiến sĩ Aaron Davis, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cà phê tại Vườn Bách thảo Hoàng gia cảnh báo: “Trong thời đại biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, chúng ta thực sự phải suy nghĩ khác đi. Trong tương lai, tôi cho rằng người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho cốc cà phê của mình”.
Mặc dù có hơn 130 loại cà phê được phát hiện trên thế giới nhưng chỉ có 2 loại phổ biến và arabica và robusta, chiếm tỷ trọng sản lượng lần lượt 56% và 43%, theo ICO.
Hạt arabica được sử dụng nhiều cho cà phê rang xay nhưng lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết ấm lên và bệnh gỉ sắt trên lá, một loại nấm có thể làm hỏng mùa màng.
Trong khi đó, hạt robusta có thể trồng ở nhiệt độ cao hơn và có khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, robusta không được ưa chuộng tại các quán cà phê rang xay mà chủ yếu sử dụng làm cà phê hoà tan.
Một số chuyên gia ước tính đến năm 2050, một nửa diện tích trồng cà phê hiện tại không còn thích hợp với loại cây này. 4/5 quốc gia trồng cà phê lớn nhất thế giới bao gồm Brazil, Viet Nam, Colombia và Indonesia có thể sẽ phải chứng kiến sự thu hẹp diện tích. Một số quốc gia nằm ngoài vùng nhiệt đới như Mỹ, Argentina, Uruguay và Trung Quốc sẽ có thể cơ hội để trồng loại cây này.
Một giải pháp khác được đưa ra là chuyển vùng sản xuất sang địa điểm mới. Nhưng làm được điều này sẽ là một quá trình không hề dễ dàng, liên quan đến vấn đề sinh thái như phá rừng, kinh tế và con người. Cà phê là một loại hàng hóa được giao dịch nhiều và rất quan trọng đối với nhiều nền kinh tế và cuộc sống của hàng triệu người.
Một vấn đề khác là thu nhập từ cây cà phê còn quá thấp, khó lòng trang trải cuộc sống. Giờ đây, họ thường xuyên phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu và một số người đang chứng kiến mùa màng của họ bị ảnh hưởng do thay đổi thời tiết như hạn hán, lũ lụt và nhiều sâu bệnh hơn. Nhiều người cảm thấy họ đang gánh vác phần lớn gánh nặng khí hậu mà không nhận được hoặc nhận được rất ít quyền lợi và đang quyết định rời bỏ ngành.
Ông Eleanor Deans, giám đốc nguồn cung ứng bền vững tại Fairtrade cho biết: “Nông dân không nhìn thấy tương lai của cà phê. “Nếu không ai muốn trồng trọt nữa, làm sao chúng ta uống cà phê?”
Trong số ước tính 25 triệu nông dân trên 50 quốc gia trong “vành đai cà phê”, khoảng 80% là các hộ sản xuất nhỏ canh tác trên những mảnh đất có diện tích dưới 5 ha.
Hầu hết những người trồng trọt không thể trực tiếp đối mặt với khủng hoảng khí hậu vì vị trí bấp bênh của họ trong chuỗi giá trị.