Nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế lớn và hệ lụy
Theo bài viết trên báo The Straits Times, trong vài tháng qua, các nhà kinh tế và công chúng đều bận tâm với vấn đề lạm phát. Đó là điều dễ hiểu vì tỷ lệ lạm phát đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, Google Trends đã chỉ ra rằng sự quan tâm đến kịch bản suy thoái kinh tế đang tăng lên đột biến. Trong bài phát biểu nhân ngày Quốc tế lao động 1/5 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cảnh báo về một cuộc suy thoái có thể xảy ra vào năm 2023 hoặc 2024.
Mối quan tâm đến suy thoái kinh tế đã tăng cao kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất huy động lên 0,5 điểm phần trăm vào ngày 4/5 - mức tăng lớn nhất kể từ năm 2000 - và báo hiệu thêm hai đợt tăng tương tự vào tháng Sáu và tháng Bảy.
Tuy nhiên, để giải tỏa cho thị trường tài chính, Chủ tịch Fed Jerome Powell chỉ rõ rằng mức tăng 0,75 điểm phần trăm, mà một số đồng nghiệp theo xu hướng “diều hâu” (thắt chặt tiền tệ) của ông ủng hộ, không phải là điều mà Ủy ban thiết lập lãi suất của Fed “đang tích cực cân nhắc”.
Đối phó với lạm phát
Lạm phát đang gia tăng, vốn được thúc đẩy bởi giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt. Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng như các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt ở Trung Quốc làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vốn đã mong manh và làm tăng chi phí vận tải, cũng làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát. Vì vậy, trọng tâm của Fed là đối phó với lạm phát.
Trong phiên điều trần và tại cuộc họp báo ngày 4/5, ông Powell đã thừa nhận rằng phần lớn lạm phát được thúc đẩy từ phía cung, phát sinh từ giá lương thực và nhiên liệu cũng như những sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng, và Fed không thể làm được gì nhiều cho những vấn đề đó.
Ông nhấn mạnh rằng thị trường lao động Mỹ đang bị thắt chặt, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6%. Bằng hình thức nào đó thông qua chính sách tiền tệ hạn chế, Fed hy vọng đưa thị trường lao động nước này trở lại trạng thái cân bằng, từ đó giúp ngăn chặn vòng xoáy giá cả-tiền lương. Ông thừa nhận sẽ có một số tác động tiêu cực liên quan đến việc này, rất có thể sẽ bao gồm thất nghiệp nhiều hơn và giá tài sản tăng. Tuy nhiên, ông cho rằng nỗi đau lớn hơn sẽ đến từ việc không đối phó với lạm phát và để tình trạng này trở nên khó có thể thay đổi.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Fed có thể thực hiện được điều mà ông Powell gọi là “hạ cánh mềm” (tăng lãi suất mà không gây suy thoái kinh tế). Ông thừa nhận đây không phải là công việc dễ dàng, và lịch sử đã chứng minh điều này. Trong 14 chu kỳ tăng lãi suất gần đây nhất của Fed, 11 lần kết thúc là tình trạng suy thoái. Điều đáng lưu ý là trong lịch sử, các cuộc suy thoái đã diễn ra sau những đợt tăng giá mạnh về lương thực và nhiên liệu, như giai đoạn 1973-1975, 1981-1983, 1990-1991 và 2007-2008.
Thắt chặt chính sách tiền tệ trở thành điểm yếu
Nhiệm vụ của Fed thậm chí sẽ còn khó khăn hơn vì bối cảnh hiện này là kinh tế Mỹ dù không suy thoái nhưng đang suy yếu. Trong một tín hiệu cảnh báo, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2022 đã thu hẹp một cách đáng kinh ngạc, giảm 1,4% tính trên cơ sở hàng năm. Đây lần đầu tiên kinh tế suy giảm kể từ tháng 4/2020, và sẽ không có kích thích tài khóa để giải cứu vào thời điểm này. Mặc dù báo cáo việc làm tháng Tư của Mỹ là tốt, với 428.000 việc làm được tạo ra, nhưng đó là một chỉ số tụt hậu.
Các chỉ báo hướng tới tương lai đang có xu hướng giảm. Ví dụ, chỉ số của Viện quản lý cung ứng (ISM) đã và đang giảm kể từ tháng 11/2021, mặc dù vẫn nằm trong vùng tích cực (cho thấy sự mở rộng, nhưng với tỷ lệ thấp nhất trong 5 tháng). Thành phần tuyển dụng của ISM cũng giảm và chỉ ở mức 50,9 (chỉ dấu trên 50 thể hiện cho tăng trưởng), cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm có khả năng sẽ chậm lại trong tương lai.
Trong một dấu hiệu suy yếu đáng quan ngại khác, thị trường nhà ở của Mỹ đang chậm lại sau những sự gia tăng mạnh mẽ về lãi suất thế chấp trong ba tháng qua khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn tăng. Khi sự chậm lại này lan rộng ra nền kinh tế trong những tháng tới, sự suy giảm trên thị trường nhà ở sẽ ảnh hưởng đến các ngành khác như xây dựng, hàng lâu bền, nội thất và thiết bị gia dụng.
Trên hết, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến tài sản phát sinh từ giá cổ phiếu giảm mạnh, từ đó dẫn đến việc hủy hoại tài sản trị giá hàng nghìn tỷ USD. Điều này sẽ dẫn đến cắt giảm chi tiêu tiêu dùng – động cơ chính của nền kinh tế Mỹ.
Những khó khăn ở châu Âu và Trung Quốc
Ngoài Mỹ, các nền kinh tế lớn khác cũng đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khác. Điều này làm gia tăng nguy cơ tất cả các nền kinh tế lớn đều sẽ tăng trưởng chậm lại cùng một lúc. Tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) yếu kém, với tốc độ tăng trưởng hàng quý chỉ đạt 0,2% trong quý I/2022. Một lệnh cấm vận dầu mỏ đã được lên kế hoạch đối với Nga và sự leo thang của cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến khu vực này rơi vào suy thoái.
Ở Trung Quốc, nhiều thành phố chiếm khoảng 40% GDP của nước này đang bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần. Mục tiêu tăng trưởng chính thức là 5,5% của Trung Quốc dường như nằm ngoài tầm với. Hầu hết các nhà kinh tế đã hạ thấp dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc xuống còn từ 4-5%, và thậm chí những dự báo đó có thể còn bị cắt giảm hơn nữa nếu chính sách "Không COVID" (Zero COVID) của nước này kéo dài. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm xuống 3,9% vào tháng Tư, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020, so với 14,7% trong tháng Ba.
Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á vốn gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế nước này. Xuất khẩu của họ sang Trung Quốc sẽ đi ngang hoặc giảm, và họ sẽ nhận được ít đầu tư hơn vào cơ sở hạ tầng theo sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc khi Trung Quốc mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng của riêng mình để đối phó với sự suy giảm.
Các quốc gia châu Á, cùng với các nền kinh tế mới nổi khác, cũng dễ bị tổn thương không chỉ đối với giá lương thực và nhiên liệu cao – hầu hết các nước này đều là những nước nhập khẩu ròng cả hai loại hàng hóa này – mà còn trước sự tăng gia mạnh của đồng USD.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ước tính rằng nợ chính phủ bằng ngoại tệ trung bình của các nền kinh tế mới nổi đã tăng lên 31% GDP vào cuối năm 2021, từ 18% GDP vào năm 2013. Đồng USD mạnh hơn, cộng với lãi suất tăng ở Mỹ, sẽ khiến chính phủ của các nền kinh tế này tốn kém hơn trong việc trả các khoản nợ bằng đồng USD của họ.
Họ cũng có thể buộc phải tăng lãi suất để ngăn chặn thất thoát vốn và đồng tiền của họ mất giá. Điều này thậm chí sẽ gây thêm áp lực lạm phát đối với những gì mà các nền kinh tế này đã và đang phải đối mặt. Lãi suất cao hơn sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế này.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là chính phủ các nước thu nhập thấp. Tháng Tư vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã báo cáo rằng 60% các quốc gia này hoặc đã gặp khó khăn về nợ hoặc có nguy cơ cao bị mắc nợ, so với 30% của năm 2015.
Ngoài ra còn có cả các khoản nợ tư nhân. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đến cuối năm 2021, dư nợ USD của các tập đoàn phi tài chính của các nước đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 909,4 tỷ USD, trong đó 139,3 tỷ USD đến hạn thanh toán trong vòng một năm.
Rất nhiều công ty mắc nợ ở châu Á sẽ bị căng thẳng về tài chính do đồng USD mạnh và lãi suất của Mỹ cao hơn. Một cuộc suy thoái toàn cầu là không chắc chắn, nhưng Thủ tướng Lý Hiển Long đã đúng khi cảnh báo đó là một nguy cơ cần đề phòng.
Ngày càng có nhiều nhà kinh tế nghiên cứu về khả năng này. Ví dụ, Giáo sư Kenneth Rogoff thuộc Đại học Harvard, đã cảnh báo về những nguy cơ suy thoái không chỉ ở Mỹ mà còn ở châu Âu và Trung Quốc. Trong báo cáo mới đây về ổn định tài chính, Fed thừa nhận rằng việc tăng mạnh lãi suất sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế Mỹ và có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính. Những rủi ro này có thể sớm xuất hiện trên “màn hình radar” của Fed. Trong trường hợp đó, có khả năng Fed sẽ tạm dừng hoặc thậm chí quay ngược chu kỳ tăng lãi suất của mình.