|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguy cơ ‘suy thoái lợi nhuận’ treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp Mỹ

10:06 | 14/02/2023
Chia sẻ
Doanh nghiệp Mỹ đạt được doanh thu tốt nhưng biên lợi nhuận lại thu hẹp vì chi phí lao động cao.

Sau mùa báo cáo tài chính quý IV yếu kém, rắc rối của doanh nghiệp Mỹ có thể vẫn sẽ chưa kết thúc, bởi nhiều khả năng sự bùng nổ của thị trường lao động sẽ đè nặng lên kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2023.

Kỳ vọng của nhà đầu tư và giới phân tích đối với lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ trong hai quý đầu năm 2023 đã xuống dốc khi Phố Wall bị thất vọng bởi mùa báo cáo quý IV/2022. Nếu không kể đến các giai đoạn suy thoái, Credit Suisse ước tính quý IV/2022 là mùa báo cáo tồi tệ nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ trong vòng 24 năm.

Lợi nhuận quý IV/2022 của doanh nghiệp Mỹ được cho là đã đi xuống so với một năm trước. Nếu sự sụt giảm tiếp tục diễn ra trong quý đầu năm 2023 thì chỉ số S&P 500 sẽ rơi vào “suy thoái lợi nhuận”, được xác định bởi sự suy giảm của lợi nhuận trong hai quý liên tiếp.

Tình trạng này chưa từng xảy ra kể từ khi đại dịch COVID-19 khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp suy sụp hồi năm 2020, tờ Reuters cho biết. 

Trong số các thành viên của chỉ số S&P 500, 344 doanh nghiệp đã công bố kết quả. Cho đến thời điểm này, lợi nhuận quý IV/2022 được ước tính là đã giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Refinitiv.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng phần sau của mùa báo cáo cũng sẽ không có nhiều chuyển biến tích cực. Giờ đây, các nhà phân tích dự báo lợi nhuận của S&P 500 trong quý I và II/2023 sẽ giảm lần lượt 3,7% và 3,1% so với một năm trước.

Ông Jonathan Golub, Giám đốc đầu tư chứng khoán Mỹ tại Credit Suisse Securities, nhận xét: “Điều chúng ta thấy rõ hiện nay là tốc độ sụt giảm của các số liệu năm 2023 còn tệ hơn thường lệ”.

Bức tranh lợi nhuận u ám trong nửa đầu năm 2023 càng củng cố lập trường của những nhà đầu tư tin rằng đà tăng của chứng khoán Mỹ khó có thể kéo dài. Tuần trước, chỉ số S&P 500 ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 12 năm ngoái. Nhưng kể từ đầu năm đến nay, chỉ số này vẫn tăng hơn 7%.

 

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley viết trong báo cáo ngày 13/2: “Thị trường đang đối mặt với thực tế là chính sách tiền tệ vẫn đang bị thắt chặt trong lúc cuộc suy thoái lợi nhuận đã lộ rõ”.

Trong mùa báo cáo hiện tại, kết quả kinh doanh và dự báo lợi nhuận từ một số công ty công nghệ hàng đầu như Alphabet, Amazon và Apple đã gây thất vọng lớn cho các nhà đầu tư.

Ông Golub và các chuyên gia chứng khoán khác cho biết thị trường lao động nóng lên đang đè nén biên lợi nhuận của doanh nghiệp và là nguyên nhuân chính khiến lợi nhuận suy giảm. Họ dự kiến áp lực chi phí lao động sẽ kéo dài lâu hơn những yếu tố tiêu cực khác.

Báo cáo việc làm đột biến của tháng 1 càng củng cố quan điểm này, đồng thời làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng việc làm mạnh mẽ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tung ra nhiều đợt tăng lãi suất hơn.

Năm ngoái, ngân hàng trung ương Mỹ đã khởi động chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất kể từ thập niên 1980 để đối phó với lạm phát tăng cao.

Ông Golub chỉ ra: “Nếu nhìn vào doanh thu thì bạn thấy doanh nghiệp đang gặt hái được kết quả tốt. Vậy rắc rối là gì? Biên lợi nhuận trong thời gian qua đang ở các ngưỡng cực cao nhưng giờ lại bắt đầu sụp đổ”.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.