|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguy cơ nhiều dự án điện mặt trời phá sản, nhà đầu tư đồng loạt kiến nghị Thủ tướng gỡ khó

10:28 | 25/12/2019
Chia sẻ
Theo các nhà đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án điện mặt trời nhà đầu tư gặp không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách cũng như thủ tục đầu tư.

Vướng mắc chất chồng

Ngày 22/12, 60 nhà đầu tư điện mặt trời như Công ty CP đầu tư xây dựng Hamek, Công ty CP Năng lượng Long Sơn, Công ty CP điện mặt trời Thành Long Phú Yên, Công ty CP năng lượng tái tạo Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải, Công ty CP Systech Đà Nẵng... vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc giải quyết vướng những mắc của các dự án điện mặt trời

Theo các nhà đầu tư tính đến nay đã có 154 dự án với tổng công suất khoảng 10.600 MW đã được phê duyệt qui hoạch. Trong đó, có 127 dự án với tổng công suất 6.916 MW được kí kết hợp đồng mua bán điện (PPA). 

Số dự án đã bổ sung qui hoạch nhưng chưa kí PPA là 27 dự án với tổng công suất tương đương 3.684 MW tập trung ở miền Trung và miền Nam với tiến độ thực tế phụ thuộc vào cơ chế giá FIT sau 30/6, các dự án đều chưa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam kí PPA do chưa có giá FIT mặc dù nhiều dự án đã đáp ứng đủ thủ tục để kí PPA theo qui định hiện hành.

Ngoài ra còn có trên 250 dự án khoảng 23.000 MW đã được cấp có thẩm quyền cho phép lập hồ sơ bổ sung qui hoạch và đã trình Bộ Công Thương thẩm định từ 2017 đến nay.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, việc chậm trễ ban hành Quyết định mới thay thế khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực từ ngày 1/7 khiến các nhà đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục pháp lí của dự án nhưng không đủ cơ sở để tiếp tục triển khai các thủ tục tiếp theo cũng như triển khai thi công xây dựng.

Bên cạnh đó, hàng loạt các vướng mắc khi triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do tình hình an ninh chính trị một số địa phương không thuận lợi... cũng như trình tự thủ tục đầu tư rườm rà, không nhất quán tại một số địa phương khiến tiến độ thực hiện một số dự án bị chậm trễ.

Việc chưa chủ động tháo gỡ vướng mắc, chậm tham mưu đề xuất hướng giải quyết dự án đã trình hồ sơ bổ sung qui hoạch từ tháng 5/2018 khiến các nhà đầu tư lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bế tắc.

Ngoài ra thời điểm Luật qui hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1 đã làm trầm trọng thêm tình hình và các dự án chưa được bổ sung qui hoạch buộc phải dừng triển khai hoàn toàn.

Đến ngày 2/12, Chính phủ mới có Nghị quyết số 110/NQ-CP về việc ban hành Danh mục các qui hoạch được tích hợp vào qui hoạch cấp quốc gia, qui hoạch vùng, qui hoạch tỉnh để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác điều chỉnh, bổ sung qui hoạch.

"Như vậy các cơ quan có thẩm quyền khi xây dựng Luật chưa có tính toán rõ ràng về những ảnh hướng không mong muốn và chưa có các giải pháp sẵn sàng để chủ động tháo gỡ những vướng mắc liên quan. 

Việc này đã khiến hàng trăm dự án "bị treo" để chờ qui hoạch và các nhà đầu tư phải tiếp tục chờ đợi với mong muốn có thể giảm thiểu những tổn thất sau khi quyết định đầu tư vào điện mặt trời, các nhà đầu tư nhận định tại văn bản kiến nghị.

Đồng thời với nhiều dự án được đề xuất tại cùng một thời điểm gây ra những khó khăn trong việc đánh giá khả năng hấp thụ của lưới điện làm cơ sở xem xét bổ sung qui hoạch. 

Nhà đầu tư mạnh dạn kiến nghị giải pháp gỡ khó

Trước thực tế khó khăn, 60 nhà đầu tư đã đưa ra 6 đề xuất và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. 

Cụ thể, một là đề nghị Chính phủ sớm ban hành Quyết định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực để các nhà đầu tư có cơ sở, căn xứ pháp lí để triển khai các bước thủ tục tiếp theo. 

Hai là chấp thuận áp dụng biểu giá FIT mua điện từ các dự án điện mặt trời không thấp hơn 7,09 US cent/kWh đối với các dự án điện mặt trời mặt đất và 7,69 US cent/kWh đối với các dự án điện mặt trời nổi như trong dự thảo cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời đính kèm văn bản số 9319/BCT-ĐL của Bộ Công Thương.

Ba là Quyết định áp dụng biểu giá mua điện FIT với 45 dự án với tổng công suất 3.146,8 MWp, không gồm các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã kí hợp đồng mua bán điện PPA và đang triển khai xây dựng, dự kiến đưa vào vận hành thương mại (COD) trong năm 2020 được hưởng cơ chế giá FIT với 39 dự án đã kí PPA trước ngày 1/7 và 6 dự án đã kí sau ngày 1/7. 

Phần công suất hòa lưới sau 31/12 thực hiện theo qui định mới tại thời điểm đóng điện.

Bốn là đối với nhóm các dự án đã bổ sung qui hoạch, đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa kí hợp đồng mua bán điện mặc dù đã đủ điều kiện kí hợp đồng mua bán điện theo qui định hiện hành thì đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện các bước hoàn thiện thủ tục và kí kết hợp đồng mua bán điện. 

Trong trường hợp các dự án này kịp đóng điện tron năm 2020, đề nghị cho phép được hưởng cơ chế giá FIT tương tự 45 dự án nêu trên.

Năm là đối với nhóm các dự án đã trình hồ sơ bổ sung qui hoạch điện mặt trời được Chính phủ chấp thuận cho phép thực hiện, đề nghị sớm xem xét và bổ sung qui hoạch cho các dự án.

Đồng thời trong trường hợp các nhà đầu tư có thể sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lí và triển khai xây dựng, đóng điện trước 30/6/2021, đề nghị cũng được hướng giá FIT tương dự 45 dự án nêu trên cho phần công suất hòa lưới, được công nhận vận hành thương mại. Phần công suất hòa lưới sau 30/6/2021 thực hiện theo qui định tại thời điểm đóng điện.

Cuối cùng, về tiến độ giải quyết công tác thẩm định đối với các dự án đã trình hồ sơ bổ sung qui hoạch, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Coong Thương phân loại cụ thể thành các nhím nếu cần và thông báo công khai về tiến độ giải quyết để các nhà đầu tư yên tâm và chủ động.

"Nếu không được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, rất nhiều dự án sẽ dẫn đến tình trạng phá sản trong tương lai gần do đã phải bỏ các chi phí trong quá trình triển khai, thực hiện các thủ tục đầu tư của dự án", các nhà đầu tư nhận định.

Như Huỳnh