|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn khí đốt cho phát điện dự báo chỉ đáp ứng khoảng 53% nhu cầu kể từ năm 2020 trở đi

14:49 | 23/12/2019
Chia sẻ
Việc cung cấp khí đốt cho phát điện hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu. Trong năm 2020, tổng lượng khí dự kiến cấp cho phát điện chỉ khoảng 6 tỉ m3, thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong các tháng cuối năm 2019 và các năm tiếp theo, việc vận hành hệ thống điện của EVN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Trong đó, nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện, mực nước các hồ thủy điện đang ở mức rất thấp, đặc biệt các hồ thủy điện lớn trên dòng sông Đà đang ở mức nước thấp hơn rất nhiều so với cùng kì các năm gần đây, việc cung ứng than cho phát điện hết sức khó khăn.

Bên cạnh đó các nhà máy nhiệt điện đã và đang phải huy động cao, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành và dự kiến tiếp tục tăng cao ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện,... 

Riêng đối với các nguồn phát điện từ khí đốt thì đây cũng là thành phần quan trọng với tỉ lệ tham gia trong cơ cấu nguồn phát là khoảng 13% về công suất và 18% về sản lượng. Tuy nhiên, những năm gần đây nguồn khí trong nước đã dần suy giảm và dự báo còn tiếp tục khó khăn hơn nữa trong thời gian tới.

Năm 2019, việc cung cấp khí đốt cho phát điện chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu 

Hiện nay, khu vực Đông Nam bộ có 8 nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí với tổng công suất 5.644MW. Khu vực Tây Nam bộ có nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 gồm 4 tổ máy sử dụng nhiên liệu khí với tổng công suất là 1.500MW.

Tính từ năm 2010 đến nay, trung bình hàng năm sản lượng khí cấp cho các nhà máy điện là 7,96 tỉ m3trong đó có 6,49 tỉ m3 khí cấp cho các nhà máy điện khu vực Đông Nam bộ và 1,47 tỉ m3 khí cấp cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam bộ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu huy động tối đa của các nhà máy. 

Nhu cầu khí để vận hành tối đa các tổ máy điện trong khu vực Đông Nam Bộ là 23,9 triệu m3/ngày, khu vực Tây Nam Bộ là 6,4 triệu m3/ngày. Như vậy, nếu tính tổng nhu cầu khí cho phát điện thì cần khoảng 30,3 triệu m3/ngày.

Từ giữa năm 2018, các mỏ lô 06.1 và 11.2 đã có hiện tượng suy giảm rõ rệt. Đặc biệt trong năm 2019, lũy kế trong 10 tháng đầu năm, tổng sản lượng khí cấp cho phát điện đạt 6,83 tỉ m3 ttrong đó khí cấp cho các nhà máy điện khu vực Đông Nam bộ là 5,62 tỉ m3, khí cấp cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam bộ là 1,2 tỉ m3.

Khả năng cấp khí từ nguồn khí khu vực Đông Nam bộ chỉ đạt trung bình khoảng 16 triệu m3/ngày và Tây Nam bộ chỉ đạt trung bình khoảng 3,97 triệu m3/ngày. 

Tổng lượng khí cung cấp được hiện nay đối với cả hai nguồn chỉ cấp được khoảng 20 triệu m3/ngày, so với mức nhu cầu là 30,3 triệu m3/ngày thì khả năng cung cấp khí đốt cho phát điện chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu.

Năm 2020, tổng lượng khí dự kiến cấp cho phát điện chỉ khoảng 6 tỉ m3

Với tốc độ tăng trưởng phụ tải và tình hình phát triển nguồn điện hiện nay thì trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, dự kiến nhu cầu khí cho phát điện trung bình sẽ rất cao từ 8,5 - 9,5 tỉ m3/năm trở lên, nhưng ngay cả với thời điểm hiện tại thì khả năng cung cấp khí của PVGas luôn thấp hơn nhiều so với nhu cầu.

Theo dự báo kế hoạch cung cấp khí cho phát điện, khả năng cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Đông Nam bộ dự kiến từ 6,5 - 7,5 tỉ m3/năm trong giai đoạn 2020 - 2023, tăng lên trên 9 tỉ m3/năm trong hai năm 2024 - 2025, và giảm dần trong các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, khả năng cấp khí trong giai đoạn 2020 - 2030 lại phụ thuộc nhiều vào tiến độ các nguồn khí mới như Sao Vàng – Đại Nguyệt, các dự án đường ống Nam Côn Sơn giai đoạn 2, cảng LNG Thị Vải và khả năng khai thác các mỏ hiện hữu do đã bước vào giai đoạn suy giảm. 

Khả năng cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam Bộ trong trường hợp không kí được hợp đồng mua khí bổ sung từ Petronas là 1,06 tỉ m3/năm và trong trường hợp mua được khí bổ sung có thể cấp được từ 1,8 - 2,1 tỉ m3/năm.

Bên cạnh đó, để hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với các nhà máy điện BOT, PVGAS cho biết từ ngày 1/1/2020 sẽ chỉ cung cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Đông Nam bộ tối đa khoảng 13,524 triệu m3/ngày và trước đó từ ngày 13/10/2019 sản lượng khí cấp cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam bộ bị giảm xuống còn 2,5 triệu m3/ngày trong trường hợp không thống nhất được giá mua khí bổ sung từ Petronas.

Với kế hoạch này, tổng lượng khí cấp trung bình ngày cho phát điện từ cả hai nguồn khí Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ dự kiến chỉ còn khoảng 16 triệu m3/ngày, thấp hơn so với hiện nay từ 4 - 5 triệu m3/ngày, tức là chỉ đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu phục vụ phát điện giai đoạn từ 2020 trở đi

Riêng trong năm 2020, tổng lượng khí dự kiến cấp cho phát điện chỉ khoảng 6 tỉ m3, thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Hiện nay, khả năng cấp khí của lô 06.1 và 11.2 (cấp cho khu vực Đông Nam bộ) đã suy giảm đáng kể, với sản lượng hiện khai thác lần lượt là 8 triệu và 1,6 triệu m3/ngày thay vì 16 triệu và 5 triệu m3/ngày như trước đây. 

Theo đó, nếu duy trì sản lượng khai thác khí từ lô 06.1 và 11.2 như hiện nay, thì sẽ thiếu khí cho các nhà máy điện BOT từ năm 2023, dự kiến tổng lượng khí thiếu cho các nhà máy điện BOT cho đến khi hết hợp đồng vào năm 2025 là 3,01 tỉ m3.

Trước những khó khăn trong việc khai thác nguồn điện khí phục vụ phát điện, EVN và PVGas đã xây dựng các phương án cấp khí nhanh cho khu vực Đông Nam bộ từ nguồn LNG. 

Song, trước mắt, để đảm bảo cung cấp điện trong năm 2020, trong đó ưu tiên cung cấp điện trong mùa khô, EVN đã đề nghị PVGas duy trì cung cấp khí cho khu vực ĐNB ở mức 18,38 triệu m3/ngày, tương tự như đã thực hiện trong năm 2019.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đàm phán với Petronas, đảm bảo lượng khí cấp cho các nhà máy điện Cà Mau - khu vực Tây Nam bộ như hiện nay, ở mức khoảng 4,18 triệu m3/ngày.

Bên cạnh đó, EVN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, tập trung huy động cao sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than và huy động thêm các nguồn nhiệt điện dầu giá cao với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.

Như Huỳnh

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.