Nguy cơ khủng hoảng tại các thị trường mới nổi và những lo ngại đối với Việt Nam
WB cảnh báo nguy cơ khủng hoảng việc làm khi lượng robot tăng nhanh | |
IMF: Căng thẳng thương mại có thể châm ngòi khủng hoảng tài chính |
Ảnh minh họa |
Nguy cơ khủng hoảng tại các thị trường mới nổi
“Một cuộc khủng hoảng tại các thị trường mới nổi có thể xảy ra” là cảnh báo mới vừa được quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phát đi trong báo cáo cập nhật công bố ngày 9/10.
IMF nhấn mạnh sự leo thang căng thẳng thương mại cũng như những rủi ro chính trị và bấp bênh chính sách ở những nền kinh tế hàng đầu có thể dẫn tới sự xấu đi đột ngột trong tâm lý ham thích rủi ro, châm ngòi cho một đợt điều chỉnh trên diện rộng trên thị trường vốn toàn cầu và kéo theo sự thắt chặt mạnh mẽ các điều kiện tài chính trên toàn thế giới.
Phát biểu trước thềm cuộc họp thường niên diễn ra vào tuần tới tại Indonesia, người đứng đầu IMF, bà Christine Lagarde, cho rằng áp lực đối với các thị trường mới nổi sẽ dẫn tới sự điều chỉnh của thị trường, biến động mạnh của tỷ giá và làm suy yếu dòng vốn. IMF dự báo khoảng 100 tỷ USD sẽ bị rút khỏi các thị trường mới nổi với tốc độ nhanh chưa từng thấy.
Trên thực tế, lời cảnh báo của IMF diễn ra trong bối cảnh nhiều đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi lao dốc không phanh kể từ đầu năm đến nay.
Theo số liệu của Bloomberg, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng peso của Argentina đã giảm hơn một nửa giá trị so với USD kể từ đầu năm.
Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm gần 49% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm tới 19/10. |
Không chỉ có vậy, đồng tiền của những nền kinh tế được cho là có sức chống chịu tốt như Nga và Trung Quốc cũng đang lao đao vì những bất ổn về thương mại, tài chính, chính trị... trên toàn cầu.
Theo đó, đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc và rúp của Nga mất giá lần lượt 7% và 9% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay. Tương tự đồng rand của Nam Phi, peso của Mexico và rupiah của Indonesia cũng mất giá lần lượt 8%, 5% và 9% so với đồng bạc xanh.
Sự chuyển động mạnh mẽ của dòng vốn và biến động của thị trường tiền tệ quốc tế ngày càng làm rõ nét hơn những cảnh báo khủng hoảng của IMF, đặc biệt là tại các nước có nền tảng vĩ mô không ổn định.
Kể từ đầu năm, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá gần 7% so với đồng USD |
“Cảnh báo” đối với Việt Nam
Bất chấp những xáo trộn mạnh trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Quý III, GDP Việt Nam tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 6,98%, cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Cùng với đó, VND mất giá khoảng 2,8% (theo tỷ giá ngân hàng) so với USD, thấp hơn rất nhiều so với nhiều đồng tiền các nước mới nổi khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định những thay đổi của thị trường tài chính toàn cầu thời gian tới có thể ảnh hưởng kinh tế Việt Nam qua sự biến động của tỷ giá, lạm phát và thị trường chứng khoán.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), các chuyên gia VEPR nhận định, trước bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới.
Mặt khác, đồng USD ngày càng mạnh lên khi Fed liên tục nâng lãi suất, khiến tỷ giá VND/USD khả năng có những biến động tương đối mạnh như thời gian qua.
Cùng với đó, việc duy trì sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị VND trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế. Bởi vì, trên thực tế lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn tương đối mỏng tính theo tuần nhập khẩu, nên việc can thiệp có quy mô hạn chế.
Tiếp đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp trong năm 2019 - 2020.
Tương tự quan điểm của VEPR, theo đánh giá từ bộ phận nghiên cứu của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), phần lớn dự trữ ngoại hối tích lũy gần như từ các khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài mà không phải từ thặng dư thương mại hay kiều hối (những yếu tố vốn được chấp nhận rộng rãi là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng dự trữ ngoại hối). Điều này cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam dễ biến động và chịu áp lực nhiều hơn từ tỷ giá.
TS. Phạm Thế Anh (Ảnh: Quang Hưng) |
Bên cạnh lo ngại về vấn đề dự trữ ngoại hối, TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng hiện hoạt động điều hành tỷ giá của Việt Nam đang gặp khó vì tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài và nợ công sát trần.
TS. Phạm Thế Anh cho biết: "Khi vướng vào mức nợ công ngấp nghé mức trần, nếu nới lỏng tỷ giá ra một chút thì nợ công tính theo tiền đồng sẽ gia tăng. Bởi hiện khoảng 50% nợ công của Việt Nam đang là nợ nước ngoài do đó, nếu tiền đồng mất giá thêm thì giá trị các khoản nợ ngoài ngoài tính theo tiền đồng sẽ tăng lên và có thể vượt qua trần quy định của chính phủ.
Mặt khác, tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài khiến chính phủ phải điều chỉnh tăng các loại thuế, phí và điều này sẽ làm gia tăng áp lực lên chi phí sản xuất trong nước. Trong bối cảnh đó, nếu điều chỉnh tỷ giá thì tình trạng lạm phát sẽ càng diễn biến khó lường, dư địa cho chính sách tỷ giá vì thế mà bị thu hẹp".
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: Quang Hưng) |
Liên quan đến thị trường chứng khoán của Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết: "Những biến động trong thời gian gần đây cho thấy sự phụ thuộc rất lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam vào dòng vốn ngoại. Đây là dòng vốn rất nóng và rất dễ biến động. Họ nhìn thấy có ăn là họ nhảy vào, họ thấy có nguy hiểm là họ rút ra.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư nước ngoài không phải chỉ đầu tư ở Việt Nam, họ còn đầu tư ở các thị trường chứng khoán khác như London, Paris, New York… và đây mới là những thị trường truyền thống, là thị trường trụ cột của họ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ dừng lại ở vai trò của một thị trường cận biên, thị trường ăn xổi, thị trường phụ thuộc. Do đó, phản ứng của các nhà đầu tư ngoại chịu ảnh hưởng rất nhiều vào sự thay đổi trên thị trường quốc tế.
Chính vì thế thị trường chứng khoán Việt Nam không nên đặt quá nhiều tin tưởng vào dòng vốn đầu tư của khối ngoại và cẩn phải đặc biệt cẩn trọng trước các biến động của trên tài chính trên thế giới".
Ông Francesc Balcells – Giám đốc quỹ đầu tư Pimco phụ trách khu vực thị trường mới nổi (Nguồn: Pimco). |
Đánh giá về biến động của dòng vốn đầu tư trên toàn cầu của ông Francesc Balcells, Giám đốc Quỹ Đầu tư Pimco - khu vực thị trường mới nổi, cho rằng cảnh báo khủng hoảng của IMF là kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.
Tuy nhiên, diễn biến vừa qua cho thấy nhà đầu tư đang trừng phạt có chọn lọc các thị trường, mà tại đó các nhà làm chính sách chưa hành động đủ để ngăn chặn việc mất cân bằng thương mại và lạm phát bùng nổ. Những quốc gia hiện có mức nợ bằng USD lớn cần phải tỉnh táo nếu không muốn rơi vào cảnh vỡ nợ, ông Francesc Balcells nhận định.