Nguy cơ Dow Jones giảm tiếp hơn 1.000 điểm sau phát biểu đáng thất vọng của Tổng thống Trump
Phiên 11/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 1.465 điểm, tương đương 5,9%. Tính từ đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng trước, Dow Jones đã giảm 20,3% và rơi vào vùng thị trường gấu (bear market).
Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đang mấp mé ngưỡng giảm 20% và có nguy cơ cao sẽ rơi vào thị trường gấu.
Đêm 11/3 theo giờ Mỹ (tức sáng 12/3 theo giờ Việt Nam), hợp đồng tương lai chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.067 điểm, cho thấy nhà đầu tư đang dự báo chỉ số Dow Jones cơ sở sẽ giảm khoảng 1.027 điểm khi thị trường mở cửa ngày 12/3. Hợp đồng tương lai các chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 cũng lao dốc tương tự.
Trong bài phát biểu với báo giới ít giờ trước, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ áp dụng lệnh cấm di chuyển từ châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày tới. Lệnh cấm này không áp dụng với các chuyến đi từ Anh và Ireland, mặc dù Anh là một trong những ổ dịch lớn diễn biến phức tạp nhất châu Âu.
Ông Trump gọi COVID-19 là một "loại virus của nước ngoài" đồng thời chỉ trích châu Âu đã không có các biện pháp mạnh tay như ông đã làm để kiểm soát dịch bệnh. Tổng thống Mỹ cho rằng nhiều ổ dịch COVID-19 đã trú ngụ trong các nhóm du khách từ châu Âu trước khi bùng phát.
Ông Trump cũng cho biết chính quyền của ông sẽ cung cấp các hỗ trợ tài chính cho người lao động bị ốm hoặc phải chăm sóc người nhiễm COVID-19 hoặc đang bị cách li.
Ít ngày trước, ông Trump đã đưa ra đề xuất hạ thuế bảng lương (payroll tax) xuống còn 0% trong những tháng còn lại của năm 2020. Hôm 11/3, Tổng thống Trump khẳng định thêm rằng ông sẽ chỉ thị cho Cơ quan quản lí doanh nghiệp nhỏ (SBA) "cung cấp vốn và thanh khoản" cho các công ty qui mô nhỏ.
Tuy nhiên các thông báo này của Tổng thống Trump dường như chưa đủ để trấn an đông đảo nhà đầu tư đang mong đợi các biện pháp tài khóa mạnh tay để ngăn chặn nguy cơ kinh tế giảm tốc vì dịch bệnh.
Nhiều chuyên gia y tế cũng bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của biện pháp cấm bay từ châu Âu tới Mỹ.
CNBC dẫn lời Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện quốc gia về Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm hồi tháng 2 cho biết: Các lệnh cấm đi lại áp dụng với chuyến bay từ Trung Quốc để hạn chế dịch bệnh lây lan sẽ "không có ý nghĩa" khi COVID-19 trở thành một đại dịch toàn cầu. Lí do là nước Mỹ không thể cách li mình với cả thế giới.
Thực tế hôm 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố COVID-19 là một đại dịch mang qui mô toàn cầu. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng Giám đốc WHO nói: "Trong hai tuần qua, số ca xác nhận dương tính với COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đã tăng 13 lần và số quốc gia công bố dịch đã tăng gấp ba lần. Trong những ngày và tuần sắp tới, chúng tôi dự báo số ca dương tính, số ca tử vong và số nước có dịch sẽ còn lên cao hơn nữa".
"Khi dịch bệnh chỉ tập trung ở Trung Quốc, chúng ta có một khoảng thời gian ngắn có thể áp dụng hạn chế đi lại để ngăn dịch đến nước Mỹ. Khi nhiều quốc gia cùng có dịch, sẽ rất khó để ngăn virus gây bệnh lan tới Mỹ. Tôi nghĩ gần như là không thể", Tiến sĩ Anthony Fauci nói.
Hiện nay toàn thế giới đã khi nhận hơn 120.000 ca dương tính với COVID-19, trong đó riêng nước Mỹ có hơn 1.200 ca.
Hiệp hội Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) vừa ra thông báo tạm ngừng mùa giải thi đấu sau khi một vận động viên của đội Utah Jazz được xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Vợ chồng tài tử Tom Hanks và Rita Wilson cũng thông báo tối 11/3 (giờ Mỹ) rằng cả hai đều được xác nhận đã nhiễm bệnh khi đang ở Australia.
Những phiên họp khẩn cấp
Sau khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu trong chiều 11/3, Tổng thống Donald Trump đã họp với các đại diện từ những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ để thảo luận các biện pháp ứng phó với tác động kinh tế của dịch. Ông Trump ra tín hiệu rằng ông sẵn sàng xem xét nhiều gói kích thích khác nhau nhưng không công bố kế hoạch hỗ trợ mới nào.
Thành phần tham dự cuộc họp này bao gồm ông Brian Moynihan - CEO của Bank of America, ông Charlie Scharf – CEO của Wells Fargo, ông Steve Schwarzman – CEO và Chủ tịch của Blackstone, ông Michael Corbat – CEO Của Citigroup và ông David Solomon – CEO của Goldman Sachs.
CEO của Citigroup Michael Corbat nói trong cuộc họp tại Nhà Trắng: "Đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính. Các ngân hàng và hệ thống tài chính vẫn đang rất khỏe mạnh và chúng tôi sẵn lòng giúp đỡ".
Ông Jamie Dimon, CEO và Chủ tịch của JP Morgan không tham dự cuộc họp trên do ông đang hồi phục sau một ca phẫu thuật tim.
Trong sáng 11/3, Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp với nhiều chuyên gia y tế tại Nhà Trắng để bàn về kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Thành phần tham dự có Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm, ông Robert Redfield – Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC), ...
Các chuyên gia này đã phải kết thúc sớm phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ (cũng có nội dung về COVID-19) để đến họp tại Nhà Trắng.