|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nguồn lợi nhuận khủng không thể bỏ qua từ thị trường game

08:12 | 03/11/2023
Chia sẻ
Tại Hội thảo về ngành Game - Vietnam GameMaker Conference 2023 diễn ra ở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến của VNG đã nêu những nhận định về vai trò của ngành game trong nền kinh tế số.

Năm ngoái, thế giới có gần 3,2 tỷ người chơi game và doanh thu đạt 182,9 tỷ USD. Dự báo tới năm 2026, con số này sẽ tăng lên mốc 3,79 tỷ người và doanh thu ước đạt 212,4 tỷ USD.

Riêng trong năm nay, theo giới phân tích, doanh thu ngành này trên toàn cầu được dự báo sẽ cán mốc gần 188 tỷ USD. Trong đó, game di động chiếm phần lớn với 92,6 tỷ USD. 

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có lượng người chơi lớn nhất thế giới với gần 1,8 tỷ tương ứng doanh thu gần 86 tỷ USD.

Bên cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành công nghiệp game còn chứng kiến sự nổi lên của khu vực Trung Đông với 574 triệu người chơi, doanh thu ước đạt 7,2 tỷ USD trong năm nay.

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến của VNG cho biết khu vực Trung Đông - Bắc Mỹ (MENA) vốn có nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ từ xưa đến nay nhưng đã chứng kiến doanh thu ngành game tăng từ 680 triệu USD năm 2015 lên khoảng 4 tỷ USD năm 2022.

Theo ông Thắng, trong mắt các nền kinh tế vùng Vịnh, đây là những nguồn lợi nhuận khổng lồ mà họ không thể bỏ qua, đủ sức thay thế cho dầu mỏ. 

 Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến của VNG. (Ảnh: VNG).

Chẳng hạn, tại các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, những đặc khu kinh tế còn được lập ra, dành riêng cho các nhà phát triển game, với các chính sách ưu tiên đặc biệt để tạo ra môi trường lý tưởng cho sự ra đời của những tựa game có khả năng xuất khẩu ra thế giới.

Ả Rập Xê út đã và đang đầu tư mạnh vào ngành game. Tháng 4 năm nay, Savvy Games - công ty thuộc sở hữu của quỹ đầu tư công, đã đồng ý mua lại công ty trò chơi Scopely có trụ sở tại Mỹ với giá 4,9 tỷ USD. Không chỉ được ưu tiên trong phát triển kinh tế, sản xuất trò chơi điện tử còn được định hướng là một trong những bước đi gia tăng sức mạnh mềm của một số quốc gia.

Nhiều quốc gia Ả rập kỳ vọng tiếp cận người dân ở khắp nơi trên thế giới thông qua các trò chơi điện tử mang đậm văn hóa bản địa.

Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia có ngành game khá trưởng thành như Thái Lan, Indonesia đang có tốc độ tăng trưởng hàng năm chậm hơn những nước giàu tiềm năng như Malaysia, Việt Nam. Hiện tại, doanh thu ngành game trong khu vực đã tăng từ 2,4 tỷ USD (2019) lên hơn 5,3 tỷ USD.

Đông Nam Á cùng vớiMỹ La tinh, Trung Đông, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong là một số khu vực nổi bật ghi nhận thị trường game di động tăng trưởng tốc độ nhanh vào năm ngoái, theo Báo cáoNewzoo 2022.

Trong đó, thị trường Đông Nam Á đạt 4,5 tỷ USD, chỉ sau Mỹ La Tinh với mức tăng trưởng trung bình 2022 – 2025 dự kiến khoảng 7,4%. Để so sánh, thì tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành game di động toàn cầu là 3%/năm.

Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Doanh thu ngành game và số người chơi game tại Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2022 tăng dần đều qua các năm. "Đây là ngành hiếm hoi vẫn giữ được sự tăng trưởng dù trong giai đoạn dịch bệnh", ông Lã Xuân Thắng của VNG nói.

Số lượng nhân sự ngành game tại Việt Nam tăng đáng kể từ năm 2015 đến nay. Theo báo cáo từ Hiệp hội Kinh tế sốMalaysia, tại khu vực57% nhân sự ngành game có bằng cao đẳng, đại học trở lên, tức tăng gần 10% so với năm 2015.

"Ngành game cũng có những gắn bó mật thiết với các ngành nghề khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin như phần cứng, di động, mạng. Game và thương mại điện tử là hai lĩnh vực giúp cho thanh toán không dùng tiền mặt trở nên bùng nổ", sếp VNG chia sẻ.

Ngoài ra, Báo cáo Kinh tế số của Google Temasek phát hành năm ngoái cho thấy Việt Nam nằm trong Top 3 nước nhận đầu tư tư nhân nhiều nhất trong lĩnh vực này tại Đông Nam Á.

Thùy Trang