|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung tiêu Việt Nam có thể thiếu hụt trong 3 năm tới

17:26 | 03/05/2023
Chia sẻ
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam (VPSA) cho rằng nguồn cung tiêu có thể thiếu hụt trong vòng 3 năm tới nếu tình trạng người dân chặt tiêu để chuyển sang trồng sâu riêng, chanh leo vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Sức ép từ lợi nhuận cao của các loại cây ăn quả

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam (VPSA), sản lượng tiêu niên vụ 2022 - 2023 dự báo tăng 10% lên khoảng 200.000 tấn nhờ các yếu tố thời tiết thuận lợi. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến thời điểm cuối tháng 3/2023, vụ thu hoạch hồ tiêu của Việt Nam đã đạt khoảng 70% nên lượng hàng khá dồi dào. Các đại lý, thương lái bắt đầu thu mua hồ tiêu để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

VPSA cho biết năm nay thu hoạch tiêu diễn ra chậm hơn mọi năm. Nguyên nhân là giá nhân công thu hái tăng cao nên các hộ tự thu hoạch đến đâu, bán đến đó, chưa kể bà con mất thêm thời gian phơi sấy nên tốc độ hàng ra thị trường “nhỏ giọt”. Điều này khiến các doanh nghiệp nếu có đơn hàng lớn thì cũng không thể mua số lượng cần thiết.

Ngoài ra, diện tích hồ tiêu đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp. Theo số liệu của VPSA, tính đến năm 2022, diện tích hồ tiêu cả nước khoảng 125.000 ha.

Hiện tại, với sức hút lợi nhuận của các loại cây ăn trái khác như chanh leo, bơ và đặc biệt là sầu riêng trong khi cây tiêu vẫn chỉ ở mức hoà vốn thậm chí là thua lỗ trong nhiều năm trước đó, một số hộ dân có xu hướng chặt bỏ bớt tiêu để trồng sầu riêng, chanh leo. Thậm chí có những vườn đang trong giai đoạn sinh trưởng tốt (khoảng 6 năm tuổi) cũng bị chặt. 

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, tính đến tháng 3 năm nay diện tích cây hồ tiêu của tỉnh đã giảm 10,3% (tương ứng giảm 1.550 ha) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 13.550 ha. Sản lượng thu hoạch trong 3 tháng đầu năm ước đạt 18.695 tấn, giảm 2.193 tấn so với cùng kỳ.

Trong khi đó, một số loại cây ăn trái của tỉnh có diện tích tăng cao so với cùng kỳ như: cây chuối 1.582 ha, tăng 49,37%; cây sầu riêng 5.264 ha, tăng 53%. 

Trước đó, năm 2022 diện tích cây hồ tiêu của tỉnh giảm 1.144 ha so với năm 2021 xuống còn 13.857 ha; sản lượng ước đạt 26.492 tấn, giảm 1.284 tấn. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở các tỉnh sản xuất trọng điểm khác như Đắk Lắk, Đắk Nông. 

Cách đây 7 - 8 năm, hồ tiêu từng được ví là loại cây "vàng đen", nhiều nông dân ồ ạt mở rộng diện tích bất chấp quy hoạch. Thế nhưng giờ đây, không ít hộ đang chặt bỏ để trồng sầu riêng, trái cây đang được thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa thu mua gần đây.

Trao đổi với người viết, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam (VPSA) nhận định nếu việc chặt tiêu để chuyển sang trồng cây ăn quả kéo dài thì có thể trong 3 năm tới nguồn cung sẽ thiếu hụt.

 Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam (VPSA)

“Với tình trạng cạnh tranh khốc liệt từ các cây sầu riêng, chanh leo nếu tư duy ngắn hạn cứ thấy cây ăn quả tăng giá là đem chặt tiêu thì có thể 3 năm tới thiếu hụt nguồn cung. Tôi đã từng chứng kiến cảnh có những cây tiêu rất đẹp nhưng bà con cũng chặt đi nhìn rất đau thương”, bà Liên nhận định. 

Theo bà Liên, nếu sản lượng của Việt Nam giảm sâu trong 3 năm tới do làn sóng chuyển dịch cây trồng diễn ra mạnh mẽ có thể khiến nông dân “lỡ sóng” giá tiêu. 

“Khi chặt đi mất 3 năm để tái đầu tư và lợi nhuận bằng 0. Phải đến năm thứ 4 bà con mới thu hoạch được một chút. Nếu giá lên do nguồn cung thiếu hụt thì bà con mất thời gian dài mới có thể thu hoạch và hưởng lợi từ những vườn cây mới. Khi đó, chúng ta lại trở thành những người đi sau.

3 năm trồng và 3 năm tăng giá thì mất tổng cộng 6 năm. Lúc đó giá đã cũng đã ở mức đỉnh. Trong khi đó, với cây sầu riêng mặc dù đang cho lợi nhuận tốt hơn rất nhiều cây tiêu, 1 ha có thể thu về 1 tỷ nhưng cũng mất thời gian để cây sinh trưởng”, bà Liên nói. 

Ngoài ra, việc chặt bỏ cây tiêu ồ ạt còn tiềm ẩn rủi ro Việt Nam để mất thị phần vào tay đối thủ, đặc biệt là Brazil.

Theo bà Liên, Brazil có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích như thời tiết, đất đai rộng lớn, tập trung, không bị phân bố rải rác như Việt Nam. Chi phí đất nông nghiệp cũng rẻ. Do đó việc mở rộng sản lượng của Brazil rất dễ dàng, nhanh chóng và rẻ hơn rất nhiều so với Việt Nam.

 Số liệu: VPSA (H.Mĩ tổng hợp)

“Trong dài hạn cần lo lắng vì chuyện mở rộng diện tăng sản lượng của Brazil bởi họ có quá nhiều điều kiện thuận lợi”, bà Liên nói. 

Hiện, Brazil là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ hai thế giới, sau Việt Nam với thị phần 21%. Một vấn đề mà nước này chưa thể giải quyết đó là dư lượng chất Ethylene Oxide (ETO). Hiện nay, Việt Nam có năng lực xử lý ETO do đó họ mang tiêu sang các nhà máy Việt Nam để khử chất này này. 

  Số liệu: VPSA (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Hiên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu, trong thời gian tới, khả năng Brazil có thể sẽ chiếm các thị trường quan trọng của Việt Nam là điều hoàn toàn có thể nếu Brazil thay đổi công nghệ để khắc phục ETO.

Trong khi đó, việc xử lí ETO cũng không quá phức tạp, do đó việc Brazil thay đổi công nghệ để xử lý ETO là điều hoàn toàn khả thi.

Chỉ nên thay thế với cây già cỗi

Do đó, theo vị này, nếu trường hợp cây già cỗi quá (15 năm tuổi trở lên) thì mới cần có phương pháp tái canh trồng lại thay thế. Còn khi bà con phải cân đong đo đếm những cây đang có sức hút như sầu riêng, chanh leo thì cần có cái nhìn bao quát và xa hơn vì chi phí giữ vườn không đáng kể. Khi có sự hỗ trợ của thị trường thì có thể tăng chăm sóc lên và đây có thể được xem là của để dành cho bà con. 

Ngoài ra, người trồng tiêu vẫn muốn trồng cây sầu riêng, chanh leo thì có thể áp dụng chiến lược chia trứng vào nhiều giỏ. Tức là trồng xen canh, mỗi loại một chút, không nên chặt bỏ hoàn toàn tiêu để trồng cây ăn quả. 

“Trong 3 năm tới giá mà lên thì là điều đáng tiếc. Có thể năm tới giá cũng khác ngay. Nếu nhìn diễn biễn từ đầu năm đến nay có thể thấy sự giằng co giữa người nông dân và thị trường. Người nông dân không có nhiều tiêu để bán. Hành vi kinh doanh của bà con trên thị trường hiện cũng rất cẩn trọng, không bán ào ào. Do đó quyền đàm phán của hai bên rất cân sức. Trong công cuộc tái thiết vươn cần tính đến dài hạn”, bà Liên nói. 

 H.Mĩ tổng hợp

Sau khi tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm, giá tiêu đang ở trạng thái "giằng co" khi đi ngang quanh mức 65.000 - 70.000 đồng/kg. Diễn biến này đã kéo dài suốt hơn 2 tháng qua. 

 

H.Mĩ