|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung thế giới khan hiếm, xuất khẩu than tăng mạnh trong tháng 8

07:18 | 17/09/2021
Chia sẻ
Nhu cầu than tiêu thụ của thế giới tăng mạnh trong khi nguồn cung từ Indonesia giảm sút cũng tác động tích cực đến tình hình xuất khẩu than của Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 8, xuất khẩu than đạt gần 190 nghìn tấn, giá trị 22 triệu USD, tăng 38% về lượng và tăng 26% về giá trị so với tháng 7.

Xuất khẩu than tăng mạnh trong tháng 8

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than các loại trong tháng 8 đạt gần 190 nghìn tấn, giá trị 22 triệu USD, tăng 38% về lượng và tăng 26% về giá trị so với tháng 7.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu than đạt 1,2 triệu tấn, tương đương 148 triệu USD, gần 2,5 lần về lượng và tăng 2,2 lần về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung thế giới khan hiếm, xuất khẩu than tăng mạnh trong tháng 8 tăng vọt  - Ảnh 1.

Lượng, giá trị xuất khẩu than trong tháng 8 lấy lại đà tăng. (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Đồ họa: Hoàng Anh)

Giá than xuất khẩu tháng 8 đạt 117 USD/tấn, giảm 11% USD/tấn so với tháng 7. Tính chung 8 tháng đầu năm, giá than xuất khẩu trung bình đạt 124 USD/tấn, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung thế giới khan hiếm, xuất khẩu than tăng mạnh trong tháng 8 tăng vọt  - Ảnh 2.

Giá than xuất khẩu 8 tháng năm 2020 và năm 2021 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Đơn vị: USD/tấn, Đồ họa: Hoàng Anh)

Như vậy, xuất khẩu than của Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng sau khi giảm 56% vào tháng 7. Nguyên nhân vì nhu cầu than tiêu thụ của thế giới tăng mạnh trong khi nguồn cung khan hiếm.

Theo Bloomberg, công ty phân tích Goldman Sachs Group Inc. dự báo giá than châu Á có thể tăng gấp đôi khi nhu cầu sản xuất nhiệt điện phục hồi trên toàn cầu trong khi nguồn cung tại các quốc gia khai thác chủ chốt đang khan hiếm.

Các nhà phân tích Paul Young và Hugo Nicolaci cho biết giá than nhiệt của Newcastle sẽ đạt trung bình 190 USD/ tấn trong quý IV, tăng so với dự báo trước đó là 100 USD/tấn để đáp ứng nhu cầu trong mùa đông ở bắc bán cầu và sự phục hồi của ngành khí đốt tự nhiên.

Bên cạnh đó, ngân hàng cung nâng dự báo giá than năm 2022 lên 120 USD/tân từ mức 85 USD/tấn.

Xuất khẩu than toàn cầu từ các nhà sản xuất lớn đã tăng khoảng 8% trong tháng 5 và tháng 6 do nguồn cung từ Indonesia giảm sút hơn so với sản lượng của Australia, Nam Phi và Colombia.

Trong khi đó, lượng mua tại các nhà nhập khẩu lớn bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã tăng 16% trong tháng 6. Theo số liệu hàng tuần do China Coal Resource công bố, than Newcastle tăng lên 181 USD/tấn vào ngày 13/9.

Ngân hàng cũng nâng dự báo đối với than luyện cốc được sử dụng để sản xuất thép, với giá quý IV hiện cao hơn 48% ở mức 230 USD/tấn. Và giá than năm 2022 cũng tăng 13% lên 175 USD/tấn.

Giá than cốc Australia giao sau trên sàn giao dịch Singapore chốt ở mức 365,5 USD/tấn vào thứ 14/9.

Hoàng Anh