Người Việt chi đậm mua iPhone 15, nhưng siêu phẩm Apple có còn là ‘gà đẻ trứng vàng’ cho các nhà bán lẻ?
Cuối tuần trước, iPhone 15 bắt đầu được các nhà bán lẻ mở bán tại Việt Nam. Chia sẻ sau sự kiện, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Thế Giới Di Động cho biết, riêng TopZone (đại lý uỷ quyền của Apple) đã bán hơn 15.000 máy trong ngày 29/9, thu về 500 tỷ đồng, chiếm 50% thị phần.
FPT Shop nói rằng ngay trong đêm 29/9, họ đã bán được 5.000 máy, đạt doanh thu 150 tỷ đồng.
Tương tự, hệ thống CellphoneS cũng cho kết quả khả quan khi bán hết 1.500 máy trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Ước tính ngày đầu, chuỗi bán lẻ công nghệ có thị phần đứng thứ ba đã giao 4.000 máy iPhone 15 series cho khách hàng.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện truyền thông CellphoneS cho biết phiên bản iPhone cao cấp nhất là 15 Pro Max màu titanium tự nhiên đã “cháy hàng”. Điều này cũng xảy ra với các chuỗi bán lẻ khác khi iPhone 15 Pro Max chiếm tới trên 70% tổng lượng đơn đặt hàng trước.
Tình hình doanh số bán iPhone khả quan bất chấp bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn. Song, năm nay có một yếu tố khiến mẫu smartphone mới nhất của Apple khó tác động lớn tới doanh thu của các chuỗi bán lẻ, đó là giá bán.
Những năm trước, các đại lý chính hãng thường có cơ hội đẩy giá iPhone lên cao hơn vào thời điểm mở bán để có được biên lợi nhuận tốt hơn. Chính vì vậy, họ cũng có thể giảm giá sâu hơn vào những khoảng thời gian sau đó, thường cách lúc mở bán 7-8 tháng để tăng doanh số.
Tuy nhiên, iPhone 15 series lại là một câu chuyện khác. Năm nay, lần đầu tiên Apple áp dụng mức giá trần cho các sản phẩm iPhone 15 tại thị trường Việt Nam. Điều này tác động không nhỏ đến chiến lược giá bán của các đại lý uỷ quyền.
Ngoài ra, cuộc chiến giá cả đã kéo dài từ đầu năm đến nay cũng khiến giá iPhone mới tại Việt Nam dễ tiếp cận hơn nhiều.
Quan sát có thể thấy giá Apple niêm yết cho iPhone 14 series và iPhone 15 series không đổi, tuy nhiên giá mở bán ban đầu giữa hai thế hệ điện thoại này tại các đại lý lại có sự chênh lệch đáng kể.
Với mẫu iPhone 15 có giá niêm yết ở Việt Nam 22,99 triệu đồng - mức giá này tương tự ở hệ thống Thế Giới Di Động và FPT Shop. Tuy nhiên, năm ngoái mẫu iPhone 14 được Apple bán giá 22,49 triệu đồng nhưng ở hai hệ thống trên, giá mở bán lần lượt là 24,49 triệu đồng và 23,99 triệu đồng (tương ứng với mức chênh 1,5 - 2 triệu đồng/máy).
Năm ngoái, mức chênh lớn nhất là 3 triệu đồng/máy giữa giá từ hệ thống bán lẻ và giá Apple niêm yết.
Như vậy, có thể thấy mặt bằng giá iPhone năm nay tại các hệ thống “phẳng” hơn mọi năm. Thậm chí, với cuộc chiến giá, một số hệ thống còn sẵn sàng bán thấp hơn so với giá niêm yết từ Apple để bán được hàng hơn so với đối thủ. Vì vậy, điều này sẽ trực tiếp tác động giảm biên lợi nhuận của các chuỗi so với những năm trước.
Thực tế, trao đổi với chúng tôi, đại diện một đại lý uỷ quyền lớn của Apple tại Việt Nam thừa nhận biên lợi nhuận từ việc bán iPhone là rất thấp. "Nếu như các dòng điện thoại khác biên có thể lên tới 15% -17% thì ở iPhone con số này chỉ từ 3% - 5%", người này chia sẻ.
Tương tự, ông Huy tại CellphoneS chỉ ra rằng các năm trước giá bán iPhone do các đại lý lớn thiết lập nhưng năm nay, khi Apple có mặt tại Việt Nam, các nhà bán lẻ sẽ phải đặt giá theo niêm yết từ hãng. Thêm nữa, từ quý II/2023, khi thị trường bắt đầu cuộc chiến giá giữa các nhà bán lẻ lớn, đến thời điểm này cuộc chiến vẫn còn tiếp tục ngay với sản phẩm mới ra mắt như iPhone 15 series.
Do vậy, giá bán năm nay của iPhone 15 series thấp hơn khá nhiều so với các năm trước khi các nhà bán lẻ tự đặt giá bán và không chiến giá. Lãi gộp bán hàng năm nay hầu như khá thấp, đặc biệt ở các đại lý lớn như CellphoneS do giá niêm yết thấp hơn kèm theo các khuyến mãi bán hàng duy trì như các năm", ông Huy nói.
Đại diện CellphoneS cho biết thêm trong 4 ngày mở bán, hệ thống này đã giao khoảng 6.000 iPhone 15 series tới tay khách hàng - con số tương đương với kỳ ra mắt iPhone 14 series năm ngoái.
Những năm trước đây, iPhone luôn được coi là "gà đẻ trứng vàng" cho các chuỗi bán lẻ công nghệ. Chẳng hạn năm 2021, thời điểm ra mắt iPhone 13 series đã giúp công ty của ông Nguyễn Đức Tài lập kỷ lục mỗi ngày lãi 18 tỷ đồng, doanh số điện thoại tăng vọt gần 70%.
Cụ thể trong tháng 10/2021 - thời điểm giao hàng iPhone 13 series, Đầu tư Thế Giới Di Động đạt 12.186 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 568 tỷ đồng, tăng lần lượt là 39% và 86% so với cùng kỳ. Đây là tháng có doanh thu cao thứ hai và lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động của tập đoàn.
Trong đó, riêng chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đóng góp gần 10.200 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Ban lãnh đạo công ty cho biết mảng kinh doanh điện thoại tăng trưởng 68% trong kỳ nhờ iPhone 13 series. Kinh doanh điện thoại chiếm hơn 45% tổng doanh số của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.
Trao đổi với người viết, đại diện Đầu tư Thế Giới Di Động cho biết năm nay dự báo doanh số iPhone vẫn đóng góp rất lớn vào doanh thu của tập đoàn, song biên lợi nhuận ở mức thấp.
Thế Giới Di Động là bên khơi mào cuộc chiến về giá. Trong đợt ra mắt iPhone 15, ngoài bán giá thấp với khẩu hiệu "Hoàn tiền nếu ở đâu rẻ hơn", chuỗi này còn chạy loạt chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh doanh số.
Chiến lược này đến từ thực tế thị trường smartphone tại Việt Nam từ đầu năm đến nay khá trầm lắng. Dữ liệu từ Gfk cho thấy thị trường điện thoại ghi nhận mức giảm 25% so với cùng kỳ.
Do đó, để các chuỗi như Thế Giới Di Động hay CellphoneS duy trì được doanh số tương đương các năm khác là một thách thức không dễ. Vì vậy, việc tung ra các chương trình khuyến mãi, bán hàng dưới giá vốn, chấp nhận biên lợi nhuận thấp là điều dễ hiểu đối với các chuỗi vào lúc này.