Người Trung Quốc cảm thấy như bị lừa vì xe điện mất giá quá nhanh
Mandy Pan, một cô gái 22 tuổi đến từ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), đã mua chiếc xe plug-in hybrid đầu tiên của mình từ BYD. Chiếc sedan nhỏ gọn, được gọi là Qin Plus, là lựa chọn phổ biến vì giá cả phải chăng và tiết kiệm năng lượng (trị giá 94.800 nhân dân tệ, tương đương 13.168 USD). Để sở hữu chiếc xe, Pan đã vay tiền của bố và khoản vay kéo dài trong 5 năm.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 4 tháng sau, cuộc chiến giá khốc liệt giữa các nhà sản xuất đã đẩy giá của mẫu xe Qin Plus giảm 15.000 nhân dân tệ (2.084 USD). Con số này nhiều hơn 3 tháng tiền lương của Pan. Chưa hết, cô cũng choáng váng trước phí bảo hiểm cao cho xe hybrid plug-in và thời gian sạc lâu.
“Tôi cảm thấy như mình bị lừa mất 15.000 nhân dân tệ,” Pan nói với Rest of World. Cô không ngờ giá xe giảm mạnh đến vậy: “Ít nhất họ cũng nên bồi thường cho chúng tôi một chút. Tôi thực sự hối hận vì đã mua chiếc xe này".
Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng nhờ hỗ trợ của Chính phủ, thị trường xe điện Trung Quốc đang phải đối mặt với sự chững lại do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Khi các nhà sản xuất tăng cường giảm giá để duy trì doanh số bán hàng, nó đã khiến các chủ xe bức xúc bởi giá trị chiếc xe giảm quá nhanh, chỉ trong vài tháng hoặc thậm chí là vài tuần.
Chưa hết, một số công ty xe điện cũng đang gặp khủng hoảng tài chính và khiến hàng nghìn người mua không thể tiếp cận các dịch vụ bảo trì hậu mãi và cập nhật phần mềm.
Các nhà phân tích nói với Rest of World rằng ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đang chuyển đổi từ giai đoạn tăng trưởng không ngừng sang giai đoạn củng cố.
Doanh số bán hàng hàng năm của ô tô năng lượng mới của Trung Quốc, được dự báo sẽ tăng 22% vào năm 2024, đạt 11 triệu xe. Con số này chậm hơn so với những năm trước khi doanh số bán xe điện tăng 36% vào năm 2023 với 7,7 triệu xe được bán ra và tăng 90% vào năm 2022 với 5,7 triệu xe được bán ra.
Chính phủ đã ngừng cung cấp trợ cấp mua xe vào cuối năm 2022. Song, một số biện pháp hỗ trợ xe điện khác như ưu đãi thuế và chính sách biển số thuận lợi, vẫn được duy trì.
Các nhà sản xuất ô tô hiện đang giảm giá mạnh để tranh giành thị phần. Kể từ tháng 2, BYD đã giảm giá gần như tất cả các mẫu xe của mình. Tháng trước, hãng giới thiệu một mẫu xe hybrid plug-in giá 79.800 nhân dân tệ (11.112 USD) với khẩu hiệu "Pin rẻ hơn động cơ."
Hơn 10 thương hiệu xe điện khác đã đáp trả bằng cách giảm giá của riêng họ. Tesla cũng đưa ra các khoản giảm giá và trợ cấp mới.
“Tình hình kinh tế tổng thể của Trung Quốc không khả quan. Có quá nhiều thương hiệu, quá nhiều sản phẩm", Tu Le, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, nói với Rest of World.
Các lần giảm giá thường xuyên khiến những người sở hữu xe điện cảm thấy thất vọng, nhất là những người vừa mới mua xe. Nền tảng giám sát chất lượng xe hơi 12365auto.com cho biết họ đã nhận được 6.884 khiếu nại về việc thay đổi giá, chủ yếu nhắm vào các thương hiệu xe điện nội địa trong tháng 2. Lý do này chiếm 45% tổng số khiếu nại liên quan đến ô tô.
Trên trang mạng xã hội Xiaohongshu, những người sở hữu xe BYD đã lập nhóm để thảo luận các cách yêu cầu bồi thường. Chủ sở hữu xe hơi nói đùa rằng họ đã bị các công ty xe điện "đâm sau lưng". Những thay đổi giá trước đây thậm chí còn dẫn đến các cuộc biểu tình nhỏ lẻ, điều hiếm thấy ở Trung Quốc. Hồi đầu năm 2023, những người mua Tesla đã tập trung tại các cửa hàng của hãng để phản đối việc giảm giá đột ngột.
Ming Yang, một chủ xe ở tỉnh An Huy cho biết cô đã mua một chiếc sedan BYD Seal vào cuối năm 2022 với giá 240.000 nhân dân tệ (33.337 USD) để tận dụng ưu đãi trợ cấp của chính phủ. Điều ngạc nhiên đối với cô là BYD liên tục giảm giá cho mẫu Seal, đồng thời bổ sung các tính năng mới hấp dẫn trong vài tháng tiếp theo.
Đến tháng 2, chiếc sedan này được bán với giá rẻ hơn khoảng 40.000 nhân dân tệ (5.556 USD), đi kèm với nhiều nâng cáấp mới. Việc giảm giá cũng khiến cho mẫu xe này trở nên rẻ hơn nhiều trên thị trường xe cũ.
"Những người bình thường như chúng tôi phải làm việc cật lực hàng tháng trời để kiếm được số tiền này", Yang viết trên trang Xiaohongshu của mình.
Cuộc chiến giá đã giúp ngành công nghiệp xe điện đông đúc của Trung Quốc đào thải các nhà sản xuất nhỏ và tập trung nguồn lực. Đây là nhận định của giáo sư Zhang Xiang, thuộc khoa Kỹ thuật của Đại học Khoa học và Công nghệ Hoàng Hà.
Theo công ty tư vấn AlixPartners, chỉ có 25 đến 30 trong số hơn 160 thương hiệu xe điện Trung Quốc có khả năng tồn tại về mặt tài chính vào năm 2030.
So với những chiếc xe chạy bằng xăng truyền thống, xe điện phụ thuộc rất nhiều vào phần mềm để chạy hệ thống sạc và lái xe cũng như các tính năng công nghệ khác. Việc cập nhật phần mềm được các nhà sản xuất thực hiện liên tục. Tuy nhiên, khi các công ty phá sản, việc ai sẽ chịu trách nhiệm về phần mềm thường không rõ ràng.
Chủ sở hữu của WM Motor đã phàn nàn về trục trặc hệ thống. Công ty này đã bán được gần 100.000 xe nhưng bắt đầu hết tiền từ năm 2023. "Tất cả những điều này đều rất mới đối với toàn thế giới. Nếu lỗi đủ nghiêm trọng và không được vá lỗi nhanh chóng, nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề hơn, thậm chí biến chiếc xe thành cục gạch", nhà quan sát Tu Le nói.
HiPhi, một thương hiệu cao cấp sản xuất xe điện được trang bị tủ lạnh và giá để rượu sâm-panh, là công ty mới nhất gặp rắc rối. Kể từ khi ra mắt mẫu xe đầu tiên vào năm 2020, HiPhi đã không thể tăng doanh số bán hàng vượt quá vài nghìn chiếc mỗi năm.
Vào tháng 2, công ty mẹ Human Horizons, đã phải đình chỉ hoạt động. Người sáng lập Ding Lei nói với nhân viên rằng ông dự định dành ba tháng tới để khám phá các phương án đầu tư và tiếp quản mới.
Meow Li, người đã mua một chiếc HiPhi Y với giá 369.000 nhân dân tệ (51.263 USD) vào năm 2023, cho biết giờ đây cô ấy phải cực kỳ cẩn thận khi lái xe vì lo lắng sẽ không thể sửa chữa xe nếu chẳng may xảy ra tai nạn.
Wang, chủ sở hữu một chiếc HiPhi X, cho biết anh ta có khả năng sẽ cần mua phụ tùng thay thế trực tuyến cho chiếc xe trị giá 570.000 nhân dân tệ (97.174 USD) của mình.
Quy định bán xe ô tô của Trung Quốc yêu cầu các nhà cung cấp đảm bảo phụ tùng sẽ có sẵn trong ít nhất 10 năm nếu họ ngừng sản xuất một mẫu xe nhất định, nhưng việc thực thi đôi khi lại khó khăn.
"Mua xe điện từ các công ty khởi nghiệp cũng giống như thực hiện một khoản đầu tư mạo hiểm", nhà tư vấn Sun Fangyuan, đánh giá.
Sun Fangyuan nói thêm: "Nếu bạn đặt cược vào những công ty tồi, bạn sẽ phải chịu thua lỗ." Sau khi chứng kiến sự sụp đổ của HiPhi và WM Motor, Sun cho biết người tiêu dùng sẽ có xu hướng gắn bó với các thương hiệu lâu đời nhất.
HiPhi đang thiếu tiền nghiêm trọng đến nỗi nhân viên của họ phải livestream bán các sản phẩm thực phẩm đông lạnh để kiếm thêm tiền. Trong một buổi livestream trên Douyin, Giám đốc dự án của HiPhi, Yang Yueqing, đã nướng một miếng bít tết trên bếp điện được cung cấp bởi một chiếc SUV HiPhi Y.
Yang cũng giới thiệu bánh tôm đông lạnh, lấy từ tủ lạnh trên xe HiPhi. Và vị giám đốc cho biết toàn bộ số tiền thu được từ việc livestream bán hàng sẽ được sử dụng để hỗ trợ các dịch vụ hậu mãi của HiPhi.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/