|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người trồng tiêu như ngồi trên 'đống lửa' vì giá giảm sâu

11:35 | 15/01/2018
Chia sẻ
Hiện nay, giá hồ tiêu trên thị trường tiếp tục giảm sâu, đang ở mức 65.000-66.000 đồng/kg, đây là mức giảm sâu kỷ lục trong nhiều năm qua, trong khi vụ thu hoạch tiêu đang đến gần.
nguoi trong tieu nhu ngoi tren dong lua vi gia giam sau Giá cà phê hôm nay (15/1) vẫn loanh quanh ở đáy, hồ tiêu dứt chuỗi giảm 4 ngày liên tiếp

Theo nhận định của các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hầu hết các vườn tiêu năng suất đều giảm từ 30-40% do ảnh của thời tiết và dịch bệnh. Thực tế này đang làm cho nhiều hộ trồng tiêu bất an như ngồi trên “đống lửa”.

nguoi trong tieu nhu ngoi tren dong lua vi gia giam sau
Giá hồ tiêu trên thị trường tiếp tục giảm sâu. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Nguyễn Văn Vang, ngụ thôn Sông Xoài 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngao ngán cho biết, hiện gia đình ông đang canh tác hơn 2ha hồ tiêu, trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 6 tấn. Đầu năm 2017, tiêu hạt khô bắt đầu đầu rớt giá, khoảng 100.000 đồng/kg, thấy tiếc ông Vang không bán hết, trữ lại hơn 3 tấn hạt tiêu khô chờ giá lên để bán. Nhưng từ tháng 8/2017 đến nay, giá tiêu không thấy nhích lên mà ngược lại càng trong đà lao dốc, hiện tại chỉ khoảng 66.000 đồng/kg.

Dẫn chúng tôi thăm vườn, ông Vang đưa tay vạch những cành lá tươi tốt nhưng chỉ lưa thưa vài chuỗi hạt tiêu rồi lại thở dài cho biết, năm nay, do thời tiết bất lợi nên tiêu đậu trái thấp, ước tính sản lượng chỉ đạt 60-65% so với vụ trước. Cùng với giá cả như hiện nay, người nông dân chỉ còn biết kêu trời, chua xót khi thu hoạch không đủ trang trải chi phí đầu tư.

Còn ông Bùi Thanh Hùng, ngụ thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức có khoảng 7 sào trồng tiêu. Năm nay do nhuận 2 tháng sáu âm lịch nên tiêu trong vườn đã bắt đầu chín, khoảng 1 tuần nữa sẽ được thu hoạch.

Vụ tiêu năm nay, ông Hùng ước tính vườn tiêu sẽ cho năng suất gần 2,8 tấn, giảm khoảng 2 tạ so với mùa trước do nửa cuối năm 2017 liên tiếp xảy ra mưa lớn khiến gần 100 gốc tiêu trong vườn bị ngã đổ, nhiều cây bị chết. Với giá tiêu thấp kỷ lục như hiện nay, dù lỗ ông cũng phải chấp nhận bán để có tiền trả nợ vay ngân hàng, thanh toán chí sản xuất, thuê công thu hoạch.

Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích hồ tiêu cả nước đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 chỉ ổn định xoay quanh 50.000 ha. Tuy nhiên đến cuối năm 2017, diện tích hồ tiêu cả nước đã sớm “vượt đích” với con số khoảng 130.000 ha, gấp 2,5 lần so với quy hoạch. Sản lượng tiêu nước ta đã đạt mức kỷ lục trên 200.000 tấn.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay diện tích hồ tiêu cũng đã vượt quy hoạch. Theo đó, quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 7.000 ha, sản lượng tiêu khoảng 16.800 tấn, trong đó xuất khẩu 16.200 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa. Nhưng hiện nay, diện tích trồng tiêu của tỉnh đã lên tới hơn 13.000 ha, vượt gần gấp đôi so với quy hoạch. Đây được xem là nguyên nhân chính làm giá hồ tiêu giảm sâu khi nguồn cung có dấu hiệu dư thừa.

Thêm vào đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đây cũng là tình trạng chung của cả thế giới khi những năm qua, các nước sản xuất tiêu như Brazil, Ấn Độ, Campuchia… đều tăng nhanh diện tích trồng so với nhu cầu.

Ông Lê Quý Thịnh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức – nơi có diện tích hồ tiêu lớn nhất của tỉnh cho biết, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện luôn khuyến cáo nông dân trên địa bàn khi trồng tiêu phải lựa chọn đất, nguồn nước phù hợp, không trồng đại trà và phải lấy hiệu quả làm chính, tránh tình trạng trồng ồ ạt và phải hướng đến sản xuất tiêu an toàn để bảo đảm thị trường xuất khẩu bền vững.

Tuy nhiên, do giá tiêu nhiều năm ở mức cao nên nông dân vẫn cứ ồ ạt trồng vì cho thu nhập “khủng”. Hiện ngành nông nghiệp huyện đang rà soát, thống kê lại diện tích hồ tiêu trên toàn huyện từ đó có phương án quy hoạch, tổ chức lại phương thức trồng tiêu của người dân tại địa phương, hướng đến nâng cao chất lượng khẳng định giá trị sản phẩm.

Ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, một trong những biện pháp để người trồng tiêu không còn đối mặt với tình trạng giá thấp, thua lỗ chính là hướng tới tập trung, tuyên truyền hướng dẫn người dân canh tác theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của các nước trong đó chủ yếu là hạn chế thành phần dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Từ năm 2013 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh và các doanh nghiệp như Công ty Olam Việt Nam, Công ty TNHH Gia vị hồ tiêu Việt Nam, Công ty Harris Freeman triển khai dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững” trên địa bàn 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, Công ty TNHH Gia vị xuất nhập khẩu VinaHarris với tổng diện tích hơn 1.338ha. Khi đáp ứng được các tiêu chí quy định sẽ được cấp các chứng nhận đạt chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Rainforest Alliance (RA)…

“Khi đạt các chứng nhận này, việc xuất khẩu hồ tiêu sẽ rất thuận lợi”, ông Thăng nói.

Hoàng Nhị