|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người tiêu dùng Mỹ đối mặt với nguy cơ hàng hóa lên giá

06:42 | 30/07/2018
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp lớn của Mỹ để ngỏ khả năng tăng giá các sản phẩm trong mọi lĩnh vực, từ nước soda đến vé máy bay và đồ gia dụng.
nguoi tieu dung my doi mat voi nguy co hang hoa len gia
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mặc dù những số liệu gần đây mô tả bức tranh sáng về triển vọng kinh tế Mỹ, người tiêu dùng nước này lại đang đối mặt với viễn cảnh hàng hóa có thể trở nên đắt đỏ hơn, một phần do các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trong báo cáo doanh thu công bố tuần qua, một số doanh nghiệp lớn của Mỹ để ngỏ khả năng tăng giá các sản phẩm trong mọi lĩnh vực, từ nước soda đến vé máy bay và đồ gia dụng. Đối với một số công ty, kế hoạch này không khả thi bởi những áp lực về cạnh tranh.

"Người khổng lồ" trong lĩnh vực nước giải khát, Coca-Cola mới đây cũng điều chỉnh tăng giá các mặt hàng bán tại thị trường Bắc Mỹ. Một phần nguyên nhân là bởi việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao hơn đối với mặt hàng nhôm và thép đã làm tăng chi phí và giá lon, cũng như một số quy trình sản xuất khác của Coca-Cola. Giám đốc điều hành Coca-Cola James Quincey thừa nhận rằng các nhà bán lẻ không hài lòng với việc tăng giá sản phẩm này. Ông nói: “Ngành công nghiệp nước giải khát không phải là ngành duy nhất chịu áp lực từ việc thay đổi chính sách nhập khẩu và đối mặt với vấn đề định lại giá".

Các nhà điều hành cấp cao của công ty sản xuất sơn Sherwin-Williams, trong các phát biểu mới đây, cũng đã để ngỏ khả năng tăng giá do tình hình lạm phát khiến giá cả hàng hóa đi lên.

Giới quan sát nhận định có nhiều yếu tố dẫn đến xu hướng tăng giá hàng hóa, và việc chính quyền Trump nâng thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu mang tính “đổ thêm dầu vào lửa”. Trên thực tế, giá cả nhiều mặt hàng, trong đó có giá thép và dầu mỏ đã tăng trước khi diễn ra các cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và các nước khác.

Một số nhà kinh tế lo ngại việc giá cả tăng quá nhanh sẽ là động lực để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng tốc lộ trình nâng lãi suất - một động thái có thể làm chệch hướng đà tăng trưởng kinh tế hiện nay. Đối với các công ty, vấn đề đối phó với giá hàng hóa tăng đã buộc họ phải đưa ra lựa chọn khó khăn, giữa việc chấp nhận lợi nhuận thấp hơn hay cắt giảm chi tiêu khác hoặc nâng giá bán lẻ.

GM - nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ - ước tính trong năm 2018 sẽ phải tiêu tốn thêm 1 tỷ USD cho chi phí sản xuất căn cứ trên mức tăng hiện nay của chi phí vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của họ như kim loại và các hàng hóa liên quan đến dầu. Vì lí do này, cùng với những đánh giá chưa thể kiểm chứng về những tác động của chính sách thuế hiện nay của Mỹ, GM quyết định cắt giảm dự báo lợi nhuận. Thông báo này đã khiến giá cổ phiếu của GM giảm 4,6% và chốt phiên giao dịch ngày 25/7 ở mức 37,65 USD/cổ phiếu.

Mai Ly

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.