|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người tiêu dùng Mỹ chi 7,2 tỷ USD cho đồ nội thất gỗ Việt Nam

07:48 | 08/12/2022
Chia sẻ
Theo số liệu thống kê của Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC) trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết xung đột thương mại, địa chính trị, gia tăng lạm phát thúc đẩy hàng hóa của Việt Nam trong đó có mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ gia tăng thị phần tại Mỹ, bù đắp vào phần thiếu hụt từ Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, do vị trí địa lý xa, nhu cầu tiêu thụ của Mỹ chậm lại do tác động bởi lạm phát, khiến trị giá nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam giảm sút.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC) trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. 

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho Mỹ lớn nhất trong 9 tháng đầu năm nay với tỷ trọng 36,4%, giảm so với mức gần 40% của cùng kỳ năm ngoái.

 

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trên thế giới, đa dạng và có nhu cầu lớn đối với nhiều loại hàng hóa bởi đây là quốc gia đa chủng tộc, GDP bình quân cao và đặc biệt người dân ở Mỹ có thói quen mua sắm, dịch vụ tài chính phát triển.

Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tới thị trường Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ được biết đến là quốc gia có hệ thống luật pháp phức tạp và nhiều rào cản kỹ thuật đối với thương mại.

Liên tiếp trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn về tiêu chuẩn lao động và môi trường khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này; các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá; hàng rào kỹ thuật… Mỹ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp và rào cản thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Thêm vào đó, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, các doanh nghiệp còn gặp phải khó khăn về chi phí và những đòi hỏi về tiêu chuẩn năng lực của doanh nghiệp.

"Do vậy để tận dụng cơ hội và phát triển bền vững, doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến công nghệ; nâng cao năng suất lao động; tích cực tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng trong khu vực và toàn cầu; thực thi đầy đủ các quy định của cơ quan chức năng Mỹ, tránh vi phạm các quy định về đầu tư, lao động, môi trường, xuất xứ hàng hóa…", Cục Xuất nhập khẩu lưu ý.

Số liệu của USITC cũng cho biết trong tháng 9 Mỹ nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 1,96 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng 9/2021. Trong 9 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đạt 19,8 tỷ USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Mỹ nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường qua các tháng năm 2021 - 2022 (ĐVT: tỷ USD).(Nguồn: Uỷ ban thương mại quốc tế Mỹ)

Dẫn đầu về trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2022 là mặt hàng ghế khung gỗ (HS 940161+940169), đạt gần 7 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 6,1 tỷ USD, tăng 2,5%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 3,8 tỷ USD, tăng 8,4%...

Trong đó, hầu hết mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam cung cấp cho Mỹ đều chiếm tỷ trọng cao trong 9 tháng đầu năm 2022, trừ mặt hàng đồ nội thất văn phòng. Điều này cho thấy, các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ.  

Như Huỳnh

TS Cấn Văn Lực: Fed hạ lãi suất không chỉ giúp ổn định tỷ giá, lãi suất mà còn kích thích nhu cầu với hàng xuất khẩu Việt Nam
Khi lãi suất đồng USD giảm sẽ không chỉ giúp Việt Nam ổn định tỷ giá, lãi suất mà còn kích thích kinh tế Mỹ phục hồi tích cực hơn, ít nhất là trong cuối năm nay và đầu năm sau, qua đó kích cầu nhu cầu đối với việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam.