Người Thái thống trị M&A bán lẻ và thực phẩm Việt năm 2016
Năm 2016 được đánh giá là năm có hoạt động M&A mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực khác nhau. Theo nhiều chuyên gia, các hiệp định thương mại tư do đã đàm phán xong là điều kiện tiên quyết để mở cửa nền kinh tế Việt Nam, đón nhận các dòng vốn đầu tư ồ ạt của nước ngoài vào thị trường.
Mới đây, Viện Mua lại, Sáp nhập và Liên kết (IMAA) dự kiến, tổng giá trị M&A cả năm sẽ đạt 5,3 tỷ USD, tương đương với mức kỷ lục năm 2015. Tổng số thương vụ mua bán trong năm nay đạt tới 611 vụ, tăng 15% so với năm trước nhưng giá trị đầu tư trung bình của mỗi thương vụ còn khá khiêm tốn, chỉ 8 – 9 triệu USD.
Từ năm 2015, lĩnh vực bán lẻ trở thành tâm điểm của hàng loạt vụ mua bán, sáp nhập có sự tham gia bởi các ông lớn ngoại, tiêu biểu như thương vụ tập đoàn Aeon (Nhật Bản) mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart; Lotte (Hàn Quốc) nắm quyền điều hành tại Trung tâm thương mại DiaMond Plaza sau khi sở hữu đến 70% cổ phần…
Trong đó, 3 giao dịch lớn nhất năm đều thuộc ngành bán lẻ và sản xuất thực phẩm với tổng giá trị lên tới gần 3.000 tỷ USD. Đáng chú ý là cả 3 thương vụ này đều được thâu tóm về tay người Thái.
Danh sách 5 thương vụ M&A giá trị lớn nhất giai đoạn 2015 – 2016 (nguồn MAF, IMAA) |
Vào cuối 2015 - đầu 2016, ngành sản xuất thực phẩm Việt Nam có thương vụ mua bán và sát nhập một phần các công ty thuộc tập đoàn Masan Group trị giá đến 1,1 tỷ USD. Đây là một trong những vụ mua bán lớn nhất tại thị trường Việt Nam.
Singha phải chi đến 1,1 tỷ USD để trở thành cổ đông tại Masan Consumer Holdings và Masan Brewery (Ảnh: Viettimes) |
Cụ thể, tập đoàn bia và đồ uống nổi tiếng của Thái là Singha đã mua 25% cổ phần của Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần trong công ty đồ uống Masan Brewery.
Liên minh Masan – Sing ha không chỉ nhắm đến thị trường Việt Nam hay Thái Lan mà đã đặt mục tiêu hướng tới 250 triệu dân trong khu vực ASEAN với tổng doanh thu của cả hai công ty lên đến hàng tỷ USD mỗi năm.
Singha Asia là công ty thành viên quan trọng của tập đoàn Boon Rawd Brewery, hãng bia đầu tiên và lớn nhất Thái Lan, được thành lập năm 1933. Hiện các hoạt động kinh doanh thực phẩm của công ty tăng trưởng rất nhanh và ngày càng mở rộng sang các nước trong khu vực. Ngoài ra, Singha còn tham gia ngành sản xuất, bao bì, nông nghiệp, bất động sản, nhà hàng, thời trang… thông qua hơn 50 công ty thành viên.
Một giao dịch mua bán giá trị khác cũng diễn ra vào đầu năm 2016 là thương vụ TCC Holdings mua hệ thống Metro Việt Nam. Ngày 7/1, tập đoàn bán lẻ của Đức công bố hoàn tất việc chuyển giao toàn bộ 19 trung tâm thương mại bán buôn và các danh mục đầu tư BĐS liên quan thuộc Metro Cash & Carry Việt Nam cho tập đoàn TCC Holdings với giá khoảng 711 triệu USD.
TCC Holdings mua 100% hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với giá khoảng 711 triệu USD (Ảnh: Vietnamnet) |
Mặc dù trước đó, TCC cho biết sẽ tiếp tục giữ nguyên tên và các mục tiêu phát triển, sản phẩm, dịch vụ như trước, nhưng thực tế vào giữa tháng 11, biển hiệu siêu thị Metro An Phú tại quận 2, TP HCM đã bị thay bằng tên MM Mega Market, một số khu vực bên trong siêu thị cũng bố trí khác đi. Thậm chí, website của Metro đã tự giới thiệu tên mới của mình là Mega Market Việt Nam.
Metro bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2002. Thị trường bán lẻ trong nước khi đó vẫn chưa mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia, Metro đã phải đăng ký mở chuỗi siêu thị bán sỉ, cam kết không cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ trong nước.
Không dừng lại ở đó, tháng 4, một ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ Thái Lan là Central Group thông báo hoàn tất việc mua lại toàn bộ hệ thống Big C Việt Nam từ tập đoàn Casino của Pháp. Với giá trị giao dịch lên tới 1,14 tỷ USD, đây là thương vụ lớn nhất trong năm 2016.
Central Group mua Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD là thương vụ đình đám nhất 2016 (Ảnh: Big C) |
Theo báo chí đưa tin, tập đoàn này đã liên tục bơm vốn đầu tư trong suốt 18 năm nhằm phát triển công ty con Big C tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Hiện Big C đã xây dựng một mạng lưới gồm 43 cửa hàng, 30 khu trung tâm mua sắm trên cả nước và đạt doanh thu chưa thuế khoảng 14,7 nghìn tỷ VNĐ trong năm 2015.
Lý do Central Group lựa chọn Big C bởi hệ thống này đã tạo dựng được mối quan hệ thân thiết với không chỉ khách hàng mà còn với cả các nhà sản xuất và chính quyền địa phương trên cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà bán lẻ Thái Lan xâm nhập và mở rộng tại thị trường Việt Nam.
Central Group là một trong những tập đoàn lớn nhất tại Thái Lan, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Tập đoàn hiện có hơn 6.600 nhân viên tại Việt Nam, làm việc tại 100 cửa hàng với các mô hình bán lẻ khác nhau gồm trung tâm thương mại, trung tâm bán lẻ điện máy, siêu thị, cửa hàng thể thao, thời trang, khách sạn…