|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Người Nga đổ tiền mua bitcoin, tiền ảo nhiều gấp 10 lần sau loạt lệnh trừng phạt

07:30 | 16/03/2022
Chia sẻ
Các lệnh trừng phạt tài chính từ Phương Tây đang khiến Nga gần như bị cô lập với hệ thống tài chính toàn cầu.

Sau khi thực hiện chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine, Nga đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt về kinh tế và tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người Nga không thể chuyển tài sản của mình ra khỏi quốc gia này. Nhiều quan điểm cho rằng tiền mã hoá có thể là cách để người Nga vượt qua các lệnh cấm vận.

Người Nga đổ tiền mua tiền mã hoá cao gấp 10 lần sau loạt lệnh trừng phạt - Ảnh 1.

Tiền mã hoá khó trở thành một lá chắn cho người Nga trước các lệnh trừng pháp của Phương Tây. (Ảnh: Economist)

Theo Economist, có nhiều bằng chứng cho thấy người Nga đang mua vào tiền mã hoá nhiều hơn. Lưu lượng giao dịch đồng rúp – bitcoin trên Binance, sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới theo lưu lượng giao dịch, tăng cao lên tương đương mức gấp 10 lần mức bình thường, từ 50 bitcoin (20 triệu USD) mỗi ngày lên mức 500 bitcoin. 

Dù vậy, xu hướng này có thể chỉ đơn giản đến từ việc người Nga muốn nắm giữ một tài sản không bị mất giá trị. Bitcoin vẫn giữ giá trị so với đồng USD ở thời điểm ngày 24/2, trong khi đó đồng rúp đã mất khoảng 40% giá trị.

Với những tài phiệt Nga đang muốn né tránh các đòn trừng phạt của Mỹ, chuyển tài sản sang tiền mã hoá có thể là một cách lý tưởng. Tuy nhiên, việc dùng tiền mã hoá để mua các vật dụng hàng ngày hay tài sản tài chính trực tiếp là không thể. "Điều cuối cùng họ cần là có thể tiếp cận một loại hình tiền pháp định nào đó và việc này ngày càng khó hơn", Christopher Wray, giám đốc FBI, chia sẻ.

Để chuyển từ tiền ảo sang tiền pháp định cần tương tác với một sàn giao dịch. Các sàn giao dịch lúc này đóng vai trò là một kênh tương tác giữa ngân hàng truyền thống (hoạt động bằng tiền pháp định) và tiền mã hoá. 

Khi các sàn giao dịch ngày càng lớn hơn và có vai trò quan trọng hơn, chúng bắt đầu bị quản lý. Một số sàn giao dịch lớn thậm chí đã niêm yết trên thị trường đại chúng và có mặt tại Mỹ và Châu Âu. Thực tế này để lại 2 vấn đề cho những người muốn dùng tiền mã hoá để tránh các lệnh trừng phạt.

Đầu tiên, các sàn giao dịch mã hoá biết danh tính khách hàng. Thời kỳ đầu, các sàn giao dịch mã hoá thường phản đối việc phải thực hiện quy trình tìm hiểu về khách hàng (KYC) để phòng chống rửa tiền, thế nhưng việc chính phủ bắt đầu nghiêm túc với tiền mã hoá hơn đã đặt áp lực về việc thắt chặt quản lý của ngành công nghiệp mã hoá.

Binance bắt đầu triển khai quy trình KYC vào năm 2021 bằng cách yêu cầu người dùng nền tảng này phải đăng ký danh tính. Binance cho biết 3% khách hàng đã rời bỏ vì quy định này.

Thứ hai, các chính phủ cũng bắt đầu tiến xa hơn biện pháp trao đổi để thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền đơn thuần. Ngành công nghiệp tiền mã hoá từ lâu đã chờ đợi một sắc lệnh từ tổng thống Mỹ Joe Biden trong đó nêu ra một số nguyên tắc quản lý. Điều này đột ngột đến vào ngày 9/3 và củng cố thêm sức mạnh cho các cơ quan điều hành trong nỗ lực giảm thiểu việc dùng tài sản mã hoá bất hợp pháp.

Hai ngày sau đó, Nhà Trắng cùng các lãnh đạo từ nhóm G7 và Châu Âu đưa ra tuyên bố cam kết "thực hiện các biện pháp để phát hiện và ngăn chặn tốt hơn bất kỳ hành động bất hợp pháp nào" sử dụng tài sản mã hoá, đồng thời cam kết "áp dụng các biện pháp đối với người Nga sử dụng tài sản điện tử để chuyển tài sản đi".

Bộ Tài chính Mỹ đã nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt của họ được áp dụng "bất kể giao dịch được thực hiện bằng tiền pháp định truyền thống hay tiền ảo". Cả Binance và Coinbase, một sàn giao dịch tiền điện tử lớn khác, đều cho biết họ sẽ đóng băng tài sản của bất kỳ cá nhân nào bị đang bị trừng phạt (mặc dù cả hai đều phản đối việc rút khỏi Nga hoàn toàn).

Bên cạnh các lý do nói trên, việc chuyển tài sản sang tiền mã hoá cũng có nhiều điểm bất lợi. Mặc dù blockchain công khai vẫn được nhìn nhận là một công cụ tốt để tránh sự nhòm ngó, thực tế không hoàn hảo như vậy.

Sự minh bạch của dữ liệu trên sổ cái giao dịch cung cấp nhiều thông tin có thể giúp cơ quan điều tra tìm ra người đang cố gắng tránh các lệnh trừng phạt. Chính phủ nhiều quốc gia từng đạt được thành công khi tìm điểm liên kết giữa các địa chỉ ví tiền ảo và danh tính người thật. Hồi tháng 12 năm ngoái, FBI đã thu hồi 3,6 tỷ USD giá trị tiền mã hoá liên quan đến một vụ trộm giao dịch từ năm 2016.

"Việc Nga có thể dùng tiền mã hoá để tránh các biện pháp cấm vận có thể đã bị đánh giá quá cao", ông Christopher Wray nói.

Ở chiều hướng ngược lại, từ hôm 26/2, Ukraine đã kêu gọi được gần 100 triệu USD giá trị tiền mã hoá quyên góp. Tất cả đặt ra một cuộc chuyển đổi mục đích sử dụng thú vị của tiền mã hoá. Mâu thuẫn Nga và Ukraine cho thấy tiền mã hoá có những rủi ro về tội phạm tài chính, song nó cũng cho thấy lợi ích từ tốc độ và sự dễ dàng chuyển tiền so với tiền pháp định, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn, áp lực về thời gian, ví dụ như thảm hoạ tự nhiên.

Nam Khánh