|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tay trong doanh nghiệp kiếm lợi khủng trên thị trường chứng khoán Mỹ, vượt xa người ngoài

15:08 | 10/12/2021
Chia sẻ
Nghiên cứu cho thấy giao dịch nội gián thường xuyên xuất hiện trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng các cơ quan quản lý có vẻ chẳng mấy quan tâm.
'Người Mỹ tin thị trường chứng khoán bị gian lận, và họ đã đúng' - Ảnh 1.

(Hình minh hoạ: 123rf).

Ông Jimmy Filler tạo dựng được gia tài đáng kể từ kinh doanh kim loại phế liệu ở Birmingham, bang Alabama. Ông đã quyên góp 1 triệu USD để giúp xây dựng cơ sở tập luyện cho đội bóng đá Đại học Alabama sau khi nghỉ hưu. Món quà này biến ông trở thành tên tuổi lớn ở quê nhà — nhưng ông còn là người nổi tiếng hơn nữa trong thế giới đầu tư.

Đó là vì ông Filler có thành tích đáng kinh ngạc khi mua cổ phiếu trong những công ty ông cố vấn và rót vốn. Trong 496 giao dịch ông thực hiện từ năm 2014 khi còn ngồi trong HĐQT của ngân hàng ServisFirst Bancshares và Century Bancorp – nơi ông là cổ đông lớn nhất, thì 372 trong số đó báo lãi sau ba tháng – tương đương tỷ lệ 75%. Đây là chuỗi thắng lợi đủ để khiến những chuyên gia chọn cổ phiếu hàng đầu trên thế giới phải ước ao.

Ông Filler là một trong những người nội bộ doanh nghiệp thành công nhất ở Mỹ, theo TipRanks. Công ty dữ liệu này xếp hạng các lãnh đạo doanh nghiệp dựa trên mức độ thành công trong việc trong việc căn thời gian giao dịch.

Tại Mỹ, người nội bộ được xác định là giám đốc cấp cao, thành viên HĐQT hoặc bất kỳ cổ đông nào sở hữu từ 10% cổ phần của một công ty trở lên. 

Mỹ có khoảng 82.000 người nội bộ trong doanh nghiệp, và mỗi khi giao dịch thì họ phải tiết lộ thông tin theo mẫu Form 4 trong vòng hai ngày. Những văn bản này có thể được tìm thấy trên trang web của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC). Nhưng theo Bloomberg, hàng ngày có rất nhiều văn bản như vậy được tải lên, và hầu hết chúng không có nhiều ý nghĩa.

Ông Uri Gruenbaum, CEO TipRanks cho biết: "Bạn phải biết chỗ để nhìn". Các giao dịch bán có thể không tiết lộ được điều gì, vì một người có đủ lý do muốn bán chứng khoán lấy tiền, ví dụ như để mua một chiếc du thuyền sang trọng. Đáng chú ý nhất là khi người nội bộ dùng tiền riêng để mua cổ phiếu trên thị trường mở.

Ngoài ông Filler, các ngôi sao khác trong bảng xếp hạng của TipRanks bao gồm CEO Steve Mihaylo của công ty dịch vụ điện thoại Crexendo, nơi ông sở hữu 60 triệu USD cổ phiếu. Trong 5 năm qua, ông Mihaylo kiếm được lợi nhuận sau ba tháng từ 83% các giao dịch của mình mặc cho cổ phiếu Crexendo biến động dữ dội. Gần 2.000 người theo dõi của vị CEO này hiểu rằng một khi ông mua vào thì khả năng cao là Crexendo sắp đi lên.

Ngoài ra còn có CEO Snehal Patel của hãng dược Greenwich LifeSciences. Ông chỉ thực hiện 5 giao dịch nhưng kiếm được tỷ suất sinh lời trung bình lên đến 488%. Nguyên nhân: 4 trong số 5 giao dịch này được thực hiện trước thông báo về kết quả đầy hứa hẹn của thử nghiệm thuốc điều trị ung thư.

Không phải chỉ những người đứng trên đỉnh mới liên tục đánh bại thị trường. Theo phân tích của TipRanks, trung bình giao dịch mua của các nhà quản lý doanh nghiệp Mỹ cấp cao trong 12 tháng liên tiếp tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn 5 điểm % so với chỉ số S&P 500 trong gia đoạn 2015-2020.

Luật Mỹ cấm tay trong doanh nghiệp mua bán cổ phiếu dựa trên thông tin không công khai có tính trọng yếu hoặc có ý nghĩa lớn về mặt tài chính. Nhưng trên Phố Wall, việc người nội bộ giao dịch dựa trên những gì họ biết từ lâu đã là bí mật mà ai cũng biết.

Không ai dám nói chắc rằng họ biết ông Filler hay bất kỳ ngôi sao nào trên TipRanks lợi dụng thông tin không công khai. Người nội bộ sẽ luôn có cảm nhận về tình hình doanh nghiệp tốt hơn những người khác. Nhưng ngày càng nhiều nghiên cứu gợi ý rằng nhiều người nội bộ chơi chứng khoán giỏi không chỉ nhờ may mắn hay đánh giá, mà còn nhờ yếu tố khác.

Chúng cho thấy hành vi giao dịch nội gián bởi các giám đốc cấp cao diễn ra nhan nhản và không bị ai ngăn chặn, kể cả các cơ quan chức trách, Bộ Tư pháp hay chính doanh nghiệp.

Ông Daniel Taylor, Giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania nhận xét: "Các vụ lạm dụng cơ hội và những điều sai trái diễn ra trong hệ thống hiện tại đang không được nhìn nhận đủ và đúng đắn. Hầu hết người Mỹ ngày nay tin rằng thị trường chứng khoán bị gian lận, và họ đã đúng".

'Người Mỹ tin thị trường chứng khoán bị gian lận, và họ đã đúng' - Ảnh 2.

(Hình minh họa: Bloomberg Businessweek).

Giao dịch nội gián minh họa hoàn hảo cảm giác rằng thị trường chứng khoán Mỹ thiên vị cho giới tinh hoa của doanh nghiệp — tâm lý nền tảng cho sự bùng nổ của cổ phiếu meme tiền mã hóa.

Khi tay trong biết rằng công ty sắp mất đi vị CEO được yêu thích và sang tay cổ phiếu cho một quỹ hưu trí không hay biết, hoặc thành viên HĐQT nghe ngóng về một vụ sáp nhập tiềm năng và lập kế hoạch mua cổ phiếu, thực chất họ đang kiếm lời từ tổn thất của người bình thường.

Trên lý thuyết, luật lệ quy định giao dịch nội gián rất rõ ràng: Người nội bộ lạm dụng khả năng tiếp cận đến thông tin không công khai bằng cách tự giao dịch hay chuyển cho người khác có thể bị phạt vì gian lận và bỏ tù. Nhưng cơ quan quản lý và giới luật sư cho biết phát hiện và truy tố tội danh này rất khó khăn.

Nhiều giao dịch của các tay trong được thực hiện qua kế hoạch 10b5-1- lịch trình giao dịch vạch sẵn thời điểm và quy mô mua bán và sau đó được thực hiện bởi bên thứ ba. Kế hoạch này được đưa ra vào năm 2000 như một cách để những người nội bộ bán cổ phiếu mà không bị cáo buộc là sai trái.

Nhưng kế hoạch 10b5-1 rất dễ bị lạm dụng. Có lẽ lỗ hổng lớn nhất của khuôn khổ 10b5-1 là người nội bộ không bắt buộc phải tuân thủ chúng. Họ có thể hủy và đặt lại lệnh bán tùy ý. Điều đó có nghĩa là tay trong có thể lập kế hoạch mới hàng quý rồi quyết định có làm theo không tùy theo báo cáo kết quả kinh doanh tiếp theo đang định hình như thế nào.

'Người Mỹ tin thị trường chứng khoán bị gian lận, và họ đã đúng' - Ảnh 3.

Dĩ nhiên còn có cách lý giải khác về nguyên nhân chính phủ Mỹ không luận tội hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp vì giao dịch nội gián. Đó là trong thâm tâm, nhiều công tố viên không thấy đó là một vấn đề.

Một số cựu luật sư chính phủ do Bloomberg phỏng vấn đặt câu hỏi ngược lại rằng các giao dịch căn thời điểm tốt của người nội bộ gây ra bao nhiêu thiệt hại khi so với một kế hoạch Ponzi lừa đảo người lớn tuổi hay gian lận kế toán cỡ Enron khiến công ty sụp đổ khi bị vạch trần. Trong khi đó, bất kỳ ai bán chứng khoán cho một CEO ngay trước khi giá tăng có lẽ cũng chỉ hỏng ăn vài USD mỗi cổ phiếu.

Việc một số quan chức chính phủ có mâu thuẫn tư tưởng với luật pháp mà họ phải thi hành không khiến ông John Anderson ngạc nhiên. Vị giáo sư tại Trường Đại học luật Mississippi nhận xét: "Thực tế là thị trường của chúng ta chưa bao giờ công bằng cả. Lý do duy nhất mọi người đến thị trường chứng khoán là họ nghĩ mình có thông tin tốt hơn, hiểu biết sâu hơn người khác". 

Giang