Người Mỹ sợ để tiền nhiều trong tài khoản, đổ xô mua cổ phiếu, vàng và bitcoin
Trước đây, anh Brian Harrington, một nhà tư vấn marketing 28 tuổi tại California đã tạm hài lòng với khoản tiết kiệm có lãi suất 2% của ngân hàng Ally Bank. Nhưng giờ anh có ý định rút hết 15.000 USD trong tài khoản tiết kiệm để mua bitcoin. Anh Harrington nhận định nền kinh tế sẽ bị đình trệ trong dài hạn và lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ở mức rất thấp.
"Bạn phải liên tục tìm kiếm lợi suất", anh Harrington nói.
Xét theo một số khía cạnh, vài tháng vừa qua đã mang lại lợi ích cho số dư trong tài khoản ngân hàng của người Mỹ. Các lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan đã cắt giảm chi tiêu tiêu dùng. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng gửi séc cứu trợ cho hàng triệu người dân Mỹ.
Tỉ lệ tiết kiệm cá nhân của Mỹ đạt đỉnh 32,2% trong tháng 4 trước khi rơi xuống 19% trong tháng 6, tuy nhiên, con số này vẫn ở mức cao. Nền tảng lập kế hoạch tài chính Mint tiết lộ với Bloomberg rằng số tiền khách hàng của họ gửi vào tài khoản đã tăng 16% trong giai đoạn tháng 3 – tháng 6 so với cùng kì năm ngoái.
Duy chỉ có một vấn đề: Hiện tại không phải thời điểm tuyệt vời để nắm giữ tiền mặt.
Các diễn đàn trên Facebook và Reddit thường đưa ra lời khuyên tài chính cá nhân là để tiền vào trong các tài khoản tiết kiệm trả lãi cao. Tuy nhiên, lãi suất của những loại tài khoản này đã liên tục sụt giảm trong thời gian qua.
Các ngân hàng nổi tiếng Ally và Marcus – thuộc sở hữu của Goldman Sachs – chỉ cung cấp lãi suất lần lượt là 1% và 1,05% vào tháng 7. Trong khi đó, mới năm ngoái, hai ngân hàng này chào mời khách hàng với lãi suất 2%.
Ông Greg McBride, nhà phân tích tài chính trưởng tại Bankrate.com cho biết tất cả ngân hàng đều đang dần hạ lãi suất.
Chẳng có gì đảm bảo rằng ngân hàng sẽ tăng lãi suất đối với các tài khoản tiết kiệm.
Ông Anand Talwar, chiến lược gia tại ngân hàng Ally giải thích: "Lãi suất do Fed thiết lập cũng là một yếu tốt lớn, nhưng tình hình cũng phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế".
Các công cụ đầu tư an toàn truyền thống khác cũng bị ảnh hưởng. Theo dữ liệu từ Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), lãi suất trung bình cho chứng chỉ tiền gửi 5 năm đã giảm từ 1,88% năm ngoái xuống còn 0,47%.
Ngược lại, trong năm 2020, giá bitcoin đã tăng 55%. Giá vàng cũng tăng sốc 29%, phá vỡ kỉ lục được thiếp lập trong năm 2011 trong bối cảnh nhà đầu tư tìm kiếm công cụ phòng ngừa lạm phát.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ cũng có cuộc phục hồi lịch sử: Kể từ khi rơi xuống đáy vào ngày 23/3 cho tới ngày 1/7, chỉ số S&P 500 đã leo lên 40%, mức tăng lớn nhất trong 100 ngày kể từ năm 1933, theo Bespoke Investment Group.
Lạc quan về thị trường chứng khoán
Cuộc phục hồi thế kỉ đã đem lại sự tự tin cho nhà đầu tư Mỹ về thị trường chứng khoán trong dài hạn. Khảo sát từ Bankrate cho thấy 28% người Mỹ cho rằng thị trường chứng khoán là lựa chọn hàng đầu cho đầu tư dài hạn, tăng 8 điểm % so với năm ngoái.
Chỉ 18% người tham gia khảo sát chọn công cụ đầu tư truyền thống như tài khoản tiết kiệm hay chứng chỉ tiền gửi, tỉ lệ thấp nhất từng được ghi nhận trong vòng 8 năm qua.
Kết quả khảo sát thể hiện sự chuyển dịch hướng tới rủi ro đáng chú ý, nhà phân tích tài chính McBride nói. Trong cuộc khảo sát trước, chứng khoán chỉ xếp ở vị trí thứ ba và bị bỏ xa bởi bất động sản và tài khoản tiết kiệm.
Ngay cả trong tình hình bình thường, giới chuyên gia tài chính khuyến nghị mỗi cá nhân nên có tiền mặt dự trữ đủ để trang trải chi phí trong vòng vài tháng. Hiện tại, khi thế giới vẫn ở trong suy thoái và đại dịch chưa kết thúc, sự cần thiết của các khoản tiết kiệm này ngày càng tăng lên.
Ông Heidi Shierholz, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế nhấn mạnh: "Với tình trạng bấp bênh của nền kinh tế và rủi ro phải tự thanh toán chi phí y tế, việc có tiền dự trữ trong tài khoản ngân hàng vẫn rất cần thiết".
Edward Usuomon, 18 tuổi, không có chút hối tiếc nào về việc rút tiền khỏi ngân hàng. Sau vài tháng tiết kiệm, Usuomon nhận ra rằng có nhiều cách để kiếm lời tốt hơn là gửi tiền vào ngân hàng địa phương.
"Ban đầu tôi thử chơi chứng khoán cho vui", Usuomon nói với Bloomberg. "Cuối cùng tôi nghĩ: "Việc gì mình phải để tiền nằm yên trong tài khoản?".
Do đó kể từ tháng 4, Usuomon bắt đầu rút tiền tiết kiệm để mua tiền mã hóa, cổ phiếu Tesla và Apple. Usuomon ước tính bản thân dành khoản 25% tiền lương để mua tài sản rủi ro.
"Tôi không có nhiều thứ phải lo nghĩ ngoại trừ căn hộ và chiếc xe ô tô. Tôi đang cố đầu tư sớm để trở nên giàu có", Usuomon nói.