|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Người đầu tư vụ lừa đảo iFan 15.000 tỷ có thể bị xử lý hình sự vì 'tội' đồng phạm

08:44 | 11/04/2018
Chia sẻ
Không chỉ có nguy cơ mất trắng tiền mà chính những người đầu tư tham gia vào dự án tiền ảo Ifan và Pincoin trong vụ lừa 15.000 tỷ đồng còn có thể bị xử lý hình sự vì tội “đồng phạm”.

Vụ việc người dân căng băng rôn kêu cứu và tố Công ty cổ phần Modern Tech lừa đảo 15.000 tỷ đồng do kinh doanh các dự án tiền ảo Ifan và Pincoin tại Tp.HCM đang gây xôn xao dư luận suốt những ngày qua.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư Tp.HCM cho rằng, trong số người tham gia mô hình kinh doanh này, một số người lường trước được hậu quả nhưng vẫn bất chấp tham gia và lôi kéo người khác, chính vì vậy họ vừa là nạn nhân và vừa là những người giúp sức, ít nhiều mang tính đồng phạm và có thể bị xử lý hình sự.

nguoi dau tu vu lua dao ifan 15000 ty co the bi xu ly hinh su vi toi dong pham

Khả năng thu hồi khoản tiền chiếm đoạt là rất ít và số tiền thiệt hại lớn nên gần như người dân tham gia là mất trắng. Ảnh: Huy Hùng

Thưa luật sư, việc Công ty cổ phần Modern Tech vừa bị người dân tố cáo lừa đảo 15.000 đồng đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Liên quan đến vấn đề này, ông có thể nói cụ thể hơn về bản chất của đồng tiền ảo?

Trong pháp luật Việt Nam hiện nay không có khái niệm tiền ảo. Về bản chất, không thể gọi nó là tiền ảo, tiền kỹ thuật số vì nó không phải là tiền. Cần phải gọi đúng là các dữ liệu máy tính.

Một điểm đáng lưu ý tại điều 206 Bộ Luật hình sự 2015 (khoản 4) và khoản 1 Luật sửa đổi, bổ sung (2017) một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, trong đó có quy định hành vi “Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp”, nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Hành vi này cho bất kỳ chủ thể nào, chứ không phải chỉ áp dụng cho người hoạt động trong ngân hàng hoặc hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Nếu ở mức độ nhẹ và không có thiệt hại, không có hành vi chiếm đoạt thì mới xử lý hành chính.

Nói như vậy thì đối tượng bị tố cáo trong trường hợp này có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo?

Với những thông tin của vụ việc như hiện nay cho thấy rõ những dấu hiệu xảy ra tội phạm về chiếm đoạt tài sản của người dân của “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” tại Điều 290 của Bộ Luật hình sự. Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp.

Mức cao nhất của tội này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Ở vụ việc này, có sự kết hợp nhiều phương thức và hình thức khác nhau nhưng mục đích chính của chủ đầu tư là chiếm đoạt thông qua việc huy động người dân chuyển tiền cho họ. Để lôi kéo được nhiều nạn nhân, họ sử dụng kết hợp nhiều hình thức như tổ chức sự kiện có những người nổi tiếng, gắn mác dự án nước ngoài, dùng hình thức dữ liệu máy tính (người dân gọi là tiền kỹ thuật số),…

Tin tưởng mô hình, hoặc thậm chí là nghĩ mô hình sẽ chưa sớm sập nên nhiều người đã tham gia đầu tư và chính người dân lại tích cực lôi kéo những người khác tham gia để họ hưởng lợi (được trích phần trăm như trường hợp Modern Tech là 8%).

Điều đó có nghĩa là người tham gia đầu tư cũng có lỗi?

-Đúng vậy, người đầu tư cũng có trách nhiệm. Bởi vì, trong số người tham gia mô hình, có những người ít nhiều lường trước được hậu quả nhưng vẫn bất chấp tham gia và lôi kéo người khác nhằm thu lại tiền của mình hay hưởng lợi. Chính vì vậy, họ vừa là nạn nhân và vừa là những người giúp sức, người thực hiện tích cực trong việc bành trướng mô hình. Do đó, những người này ít nhiều mang tính đồng phạm và có thể bị xử lý hình sự.

Nếu làm nghiêm theo đúng quy định thì chính những nạn nhân cũng có thể bị khởi tố nếu đủ chứng cứ cho việc lôi kéo, giúp sức, hoặc phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự vì lôi kéo người khác vào. Nếu chứng minh được việc này, ít nhất là phải bồi thường số hoa hồng họ đã hưởng trên số tiền của người khác mà họ lôi kéo được.

Nếu lỡ đầu tư vào mô hình này liệu người dân có khởi kiện và đòi lại tiền được không, thưa luật sư?

Với vụ việc này, chủ đích là chiếm đoạn tiền nên ngay từ đầu nên dù có khởi kiện theo thủ tục dân sự thì Tòa cũng khó xử và kéo dài vì khó thu thập đủ chứng cứ. Tốt nhất là làm đơn trình báo ra cơ quan công an để điều tra xử lý hình sự đối với kẻ chủ mưu, kẻ đồng phạm và thu giữ tài sản đã bị tẩu tán. Với những mô hình này, khả năng thu hồi khoản tiền chiếm đoạt là rất ít và số tiền thiệt hại lớn nên gần như người dân tham gia là mất trắng.

Luật sư có lời khuyên nào cho những người đang có ý định đầu tư?

Theo tôi, để bảo vệ mình và người thân, người dân chỉ nên tham gia đầu tư kinh doanh đúng theo quy định pháp luật, tìm hiểu kỹ, đánh giá kỹ những rủi ro và việc tham gia giao dịch thỏa thuận, hợp đồng trên cơ sở quy định pháp luật, tránh việc tiền mất tận mang và gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, mất hết tình anh em và bạn bè.

Chân thành cám ơn luật sư!

Thanh Lan