Người 'chơi với trấu'
Phạm Nguyên Lượng (chàng trai cao gầy, đứng gần Thủ tướng) trong Lễ phát động Chương trình Thanh niên Khởi nghiệp 2016. |
Năm 2016, trong lễ phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp do T.Ư Đoàn tổ chức tại Hà Nội, có 10 dự án khởi nghiêp hiệu quả đã được Thủ tướng Chính phủ trao nguồn vốn hỗ trợ, với mức 50 triệu đồng/ dự án. Dự án sản xuất vỏ trấu thành củi trấu nằm trong
10 dự án tiêu biểu đó. “Cha đẻ” của nó chính là Phạm Nguyên Lượng, ông chủ xưởng sản xuất củi trấu đầu tiên ở thành phố hoa phượng đỏ.
Gian nan “nghề làm chơi”
Sản xuất củi từ vỏ trấu nhiều năm nay được đánh giá là một “nghề làm chơi” thu tiền tỷ. Có rất nhiều cá nhân đã thành công nhờ biến trấu thành củi như trường hợp vợ chồng anh Đỗ Mạnh Trung, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình có doanh thu mỗi năm 2 tỷ đồng từ mô hình làm củi trấu siêu nhiệt. Anh Lương Văn Minh ở khối phố 5, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thu lãi hơn 100 triệu đồng/tháng từ sản xuất củi trấu v.v…Nhưng Phạm Nguyên Lượng là trường hợp đặc biệt, bởi chàng trai Vĩnh Bảo, Hải Phòng không nhìn thấy ánh sáng từ khi sinh ra, với thị lực 1/10.
Tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Hàng Hải, Hải Phòng, từng có ý định lập nghiệp bằng ngành học nhưng thực tế cho thấy những kiến thức chàng trai sinh năm 1993 thu lượm được chưa đủ sức cạnh tranh ở môi trường bên ngoài. Phạm Nguyên Lượng chuyển hướng mới, quay sang khởi nghiệp bằng kinh doanh. Mục đích đặt ra của Lượng: Chọn ngành nghề kinh doanh có ích cho cộng đồng, không kiếm tiền bằng mọi giá. Nhờ thông tin trên internet, Lượng nhận thấy sản xuất củi từ trấu là một mảnh đất màu mỡ, nguồn nguyên liệu dồi dào ở một đất nước có truyền thống nông nghiệp, đầu ra của sản phẩm cũng rộng mở, không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường ngoài nước. Nghĩ là làm. Phạm Nguyên Lượng đi thực tế, học hỏi mô hình ở tỉnh khác, trở về vay vốn xây dựng nhà xưởng củi trấu trên diện tích 200 m2 đất của gia đình. Vì cần một nguồn vốn đầu tư không nhỏ, nên ngoài sự hỗ trợ của gia đình, Lượng phải vay thêm ngân hàng đến nay vẫn chưa trả hết nợ.
Phạm Nguyên Lượng tại cơ sở sản xuất của mình |
Nghĩ đến sản xuất củi trấu không ít người mường tượng giản đơn, chỉ cần điểu khiển máy móc, đổ trấu vào máy nghiền trấu, có gì khó? Nhưng người trong cuộc mới thấu nhọc nhằn. Một tỷ phú trẻ mắt sáng khởi nghiệp từ vỏ trấu đã từng tâm sự về những bước đi đầu tiên vật vã: 50% sản phẩm trấu ép thành củi đều bị hỏng. Máy hỏng phải thức thâu đêm sửa máy, phải đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm song vẫn không tìm được câu trả lời, bởi mỗi người làm một kiểu khác nhau… Một người khiếm thị như Lượng đương nhiên vất vả hơn nhiều để hô biến trấu thành củi. Anh chủ động sửa chữa máy móc, tháo lắp hàng ngày, bằng sự thu lượm của cảm giác là chính, sờ nắn, lần mò từng chút một. Làm quen với máy móc, Lượng phải trả giá bằng nhiều lần chảy máu, dập đầu ngón tay...
Hiện nay, nguyên liệu trấu được ông chủ trẻ thu gom chủ yếu ngay tại Hải Phòng. Một năm ông chủ củi trấu thu gom vài trăm tấn trấu, mang lại niềm vui cho nhiều người nông dân. Ngày xưa trấu gần như vô dụng, bây giờ đã giúp người nông dân có thêm một nguồn thu nhất định. Tại thời điểm này, xưởng của Lượng đang chạy một hợp đồng 50 tấn củi trấu, mỗi ngày xưởng nghiền khoảng 2-3 tấn trấu, ra được xấp xỉ lượng củi như thế: “Vì không hao nhiều, kết quả thu được khoảng 70%”, Lượng cho biết.
Rất nhiều cá nhân trên cả nước đã “chơi với trấu” Lượng có lo lắng đầu ra? Chàng trai trẻ lạc quan: “Nhu cầu của thị trường rất lớn. Thị trường mới bắt đầu chứ chưa bão hòa”. Ngoài cung cấp cho thị trường Hải Phòng, Lượng còn “đánh” sang những thị trường khác như Hải Dương, Hà Nội. Về tiềm năng xuất khẩu, Lượng cũng đã nhận được những hồi âm tốt nhưng anh cần thời gian. Ngay lúc này xưởng sản xuất của Lượng vẫn chưa được chạy hết công suất tối đa, bởi thành phẩm làm ra chiếm một diện tích lớn, cơ sở của anh còn quá nhỏ, chưa đủ điều kiện đáp ứng. Sau 2 năm hoạt động, nhu cầu mở rộng cơ sở sản xuất đang đặt ra cấp thiết.
Không bao giờ đứng đợi
Vấn đề làm chàng trai trẻ bối rối nhất vẫn là vốn. Chúng tôi đặt câu hỏi với Lượng: Tại sao không vay vốn ưu đãi dành cho người khuyết tật? Lượng đáp: “Một người khuyết tật vay 10-15 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình thì không sao. Nhưng vay nhiều như tôi, trong khi nguồn vốn của Hội không nhiều, giống như một miếng bánh, nếu tôi giành phần lớn, thì người khác lấy gì ăn?”. Thế nên, anh không nghĩ đến nguồn vay này, cũng không đòi hỏi những ưu ái dành cho người khuyết tật.
Đây là lần khởi nghiệp thứ hai của anh. Đường đi phía trước còn gian truân song Lượng không lùi bước, bởi “tôi không có cơ hội để quay lại”. Ngay trong cuộc sống bình thường, Phạm Nguyên Lượng đã là một người không chấp nhận đứng đợi một chỗ, có cuộc hò hẹn nào, anh cũng tự tìm đến địa điểm thay vì chờ người đến chở đi. Tuy thị lực kém, Phạm Nguyên Lượng vẫn thường có những chuyến đi xa nhà, lúc lên thành phố, lúc về thủ đô, đi một mình không cần ai trợ giúp.
Thương trường được ví như chiến trường, Lượng hiểu rõ điều đó, song anh không sợ: “Tôi cũng có chút máu liều”. Ít ai nghĩ thời còn học sinh, Lượng nổi tiếng nghịch ngợm ở làng. Đi chơi với tụi bạn cùng lứa không ai biết mắt Lượng rất kém. 25 tuổi, Lượng đang “một mình”, chưa nghĩ tới chuyện yêu và cưới, anh muốn dồn tất cả tâm lực để làm kinh tế. Xưởng sản xuấu củi trấu tuy chưa tạo được công ăn việc làm cho người khuyết tật song anh khẳng định: Khi đã đứng vững sẽ có những hành động thiết thực để trợ giúp những hoàn cảnh sinh ra đã thiệt thòi như mình. |
“Tôi luôn cố gắng bình thường nhất có thể. Cố gắng để mình được như người bình thường, rút gần ngăn cách giữa người sáng mắt và người khiếm thị. Nếu đòi hỏi những ưu ái có nghĩa là tôi đã tự tạo ra khoảng cách cho mình". Phạm Nguyên Lượng |