Ngoài sở hữu Vinamilk, độ phủ sóng của 'cá mập' Jardine Matheson ở Việt Nam 'khủng' ra sao?
Trong phần trước, chúng tôi có nói đến Jardine Matheson như một "gã khổng lồ" tại châu Á, nhà đầu tư mới đây chi 9.000 tỷ đồng ôm trọn lô cổ phiếu đấu giá Vinamilk của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Jardine Matheson - 'Cá mập siêu khủng nuốt' 5,53% vốn Vinamilk |
Không chỉ có lịch sử hoạt động gần 200 năm, gốc gác máu mặt, Tập đoàn này còn là một công ty kinh doanh đa ngành cùng tiềm lực tài chính vô cùng mạnh mẽ.
Với địa bàn hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, chắc chắn Việt Nam sẽ không nằm ngoài mục tiêu bành trướng của Tập đoàn này.
Như đã nói ở phần trước, thông qua Jardine Cycle & Carriage (JC&C), Jardine Matheson cũng đang là cổ đông sở hữu 25,1% vốn của “đại gia” ngành ô tô của Việt Nam - Trường Hải (THACO), đầu tư từ năm 2007.
Bên cạnh đó, JC&C còn sở hữu 22,9% vốn của CTCP Cơ điện lạnh (Mã: REE), đầu tư từ năm 2011; nắm trong tay 25,5% vốn Tập đoàn Siam City Cement (SCCC), một trong những nhà sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu tại Thái Lan.
Ở Việt Nam, công ty con của Tập đoàn SCCC mang tên INSEE Việt Nam ra đời từ năm 1994 thông qua thâu tóm Công ty Holcim Việt Nam, và trở thành nhà sản xuất xi măng và quản lý chất thải có tiếng khu vục phía Nam. Năm 2008, công ty mua lại Trạm nghiền Hiệp Phước.
Với Hongkong Land, phát triển nhiều bất động sản cao cấp
Thông qua việc Jardine Strategic sở hữu 50% vốn Hongkong Land, Jardine Matheson nắm hàng loạt bất động sản cao cấp ở Việt Nam. Tại Hà Nội, công ty này hiện đang quản lý 2 tòa nhà cho thuê văn phòng phân khúc A là số 63 Lý Thái Tổ (đối diện Nhà hát lớn) và Central Builing nằm ở ngã tư giao cắt Hai Bà Trưng – Bà Triệu.
Vị trí đắc địa 2 tòa nhà do Hongkong Land đang quản lý vận hành tại trung tâm Hà Nội. |
Đương nhiên, giá cho thuê thì không hề “hạt dẻ” một chút nào. Tòa nhà Central Building tại 31 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm cho thuê ở mức giá 24 – 25 USD/m2/tháng, hợp đồng tối thiểu 3 năm, đặt cọc 3 tháng. Chi phí quản lý cũng là 9 USD/m2/tháng. Từ lâu, tòa nhà Central Building đã trở thành văn phòng làm việc và là đại diện của nhiều công ty, doanh nghiệp cũng như các tổ chức lớn. 95% khách hàng của tòa nhà Central Building là nhân viên ngân hàng, đại sứ quán đến từ các nước, các công ty đa quốc gia, các công ty thương mại toàn cầu, và các tổ chức.
Trong khi đó, tòa nhà 63 Lý Thái Tổ là trụ sở của nhiều tổ chức, tập đoàn thế giới như Ngân hàng Thế Giới (WB), Liên Minh Châu Âu (EU), Công ty Tài Chính Quốc Tế (IFC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hãng hàng không Nhật Bản…
Tòa nhà 63 Lý Thái Tổ (Đối diện Nhà hát lớn). |
Mức giá cho thuê của tòa này đương nhiên “chát” hơn do tính đắc địa của vị trí, giá thuê từ 30 – 33 USD/m2/tháng, hợp đồng tối thiểu 3 năm, cọc 2 tháng. Chi phí quản lý cũng là 9 USD/m2/tháng.
Tại TP HCM, Hongkong Land sở hữu khu căn hộ cao cấp The Nassim Thảo Điền, tọa lạc tại quận 2. Chưa kể tháng 7 vừa qua, công ty này đã ký một thỏa thuận hợp tác cùng CTCP Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) phát triển khu căn hộ cao cấp trên quỹ đất nhận được từ dự án BT Thủ Thiêm. Dự kiến sẽ có khoảng 965 căn bao gồm các căn hộ cao cấp, biệt thự trên không, căn hộ sân vườn...Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 400 triệu USD.
Ngân hàng ACB và thương vụ kỳ lạ bán vốn cho "người nhà"
Ở lĩnh vực ngân hàng, Connaught Investors của Jardine Matheson cũng từng nắm trong tay tới 7,26% vốn của Ngân hàng Á châu (ACB). Tuy nhiên mới đây hôm 27/10, Connaught Investors đã thực hiện thỏa thuận thành công 74,6 triệu cổ phần cho 2 tổ chức lần lượt Asia Reach Investments Limited nhận 33,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,26% vốn và First Burns Investments Limited nhận 41,1 triệu cổ phiếu, chiếm 4% vốn của ACB.
Cơ cấu cổ đông ACB cập nhật sau thời điểm Connaught Investors bán vốn |
Điều đáng nói là, cả hai công ty này đều được thành lập tại Quần đảo Virgin thuộc Anh, còn Connaught Investor Ltd thành lập tại Bermuda, đều là những thiên đường thuế, mức độ bảo mật thông tin cá nhân và doanh nghiệp cũng rất cao.
Cả ba tổ chức này cùng có chung người đại diện là ông Alain Xavier Cany, người từng là thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu từ năm 2008 – 2015. Do đó, đây chỉ xem như một cuộc giao dịch trao tay cổ phiếu ACB giữa những “người nhà” với nhau.
Dairy Farm - Gian nan con đường bán lẻ tại Việt Nam
Trong lĩnh vực bán lẻ, Dairy Farm chính thức lấn sân thị trường Việt Nam từ năm 2007 với thương hiệu Wellcome. Tuy nhiên sau hơn 5 năm, Wellcome biến mất khỏi thị trường Việt Nam do vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các hệ thống siêu thị khác, hơn nữa do vốn đầu tư của công ty mẹ quá nghèo nàn.
Những thương hiệu của bán lẻ của Dairy Farm tại Việt Nam |
Tuy nhiên sau khi bỏ Wellcome, Dairy Farm không hề có ý định rút khỏi thị trường Việt nam. Tháng 9/2011, Công ty Thương mại và Đầu tư Liên Á Châu, đại diện thương mại của Dairy Farm tại Việt Nam, đã đưa vào hoạt động cửa hàng Guardian đầu tiên chuyên bán lẻ các mặt hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp tại TP.HCM. Vốn đầu tư ban đầu là khoảng hơn 2 tỉ đồng/cửa hàng có diện tích tối thiểu 80 m2. Hiện tại Guardian có 41 cửa hàng tại TP HCM, 1 cửa hàng tại Đồng Nai, 2 cửa hàng tại Biên Hoà, 2 cửa hàng tại Vũng Tàu và 6 cửa hàng tại Hà Nội.
Cuối năm 2011, Dairy Farm quyết định tham gia liên doanh vốn 25 triệu USD với một đối tác trong nước để khai trương đại siêu thị Giant đầu tiên, diện tích 3.500 m2 có vốn đầu tư 5 triệu USD tại tầng hầm trung tâm mua sắm Crescent Mall, quận 7, TP HCM. Chưa kể, Dairy Farm đã không ít lần ngỏ ý muốn sở hữu chuỗi siêu thị Big C nhằm khẳng định vị thế tại Việt nam.
Cách đây vài tháng, thương hiệu 7-Eleven do Dairy Farm vận hành rất thành công tại Hồng Kông, Macao, Singapore và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP HCM.
Chưa kể, chuỗi cửa hàng Pizza Hut tại Việt Nam do Jardine Restaurant Group nhận nhượng quyền và triển khai; công ty này cũng có 25% cổ phần của KFC Việt Nam...
Các thương hiệu của Dairy Farm. |