|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngoài ông Trump, nhiều nguyên thủ quốc gia cũng từng vướng vào rắc rối pháp lý, có người còn bị kết án tù

10:27 | 07/08/2023
Chia sẻ
Cựu Tổng thống Donald Trump đang bị truy tố hình sự lần thứ ba kể từ khi rời nhiệm sở. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ tại Mỹ nhưng đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả những nước lớn như Đức và Pháp.

Cựu Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AP). 

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo Bloomberg, ông Trump đã vướng vào nhiều rắc rối pháp lý hơn cả 43 người tiền nhiệm cộng lại. Trong đó, Hạ viện Mỹ từng luận tội ông hai lần.

Lần thứ nhất liên quan đến cáo buộc lôi kéo nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, lần thứ hai liên quan tới vai trò của ông Trump trong cuộc tấn công vào Điện Capitol của người hâm mộ vào ngày 6/1/2021. Trong cả hai lần, ông đều được Thượng viện tha bổng.

Kể từ đó, ông đã bị truy tố ba lần với các cáo buộc phạm tội trước, sau và trong khi giữ chức tổng thống, gồm chi tiền để bịt miệng một nữ diễn viên khiêu dâm trước cuộc bầu cử năm 2016, giữ tài liệu mật tại nhà riêng sau khi rời khỏi Nhà Trắng, và cản trở quá trình chuyển giao quyền lực sau khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020.

Nếu bị kết án với các tội danh nghiêm trọng, ông Trump có thể phải dành quãng đời còn lại trong tù. Tuy nhiên, bản án sẽ không thể ngăn ông nhậm chức vào năm 2025 nếu được bầu làm tổng thống tiếp theo, tờ Bloomberg cho biết. 

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton

Ông Clinton bị luận tội vào năm 1998 về hai cáo buộc cản trở công lý và nói dối khi ông ngoại tình với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.

Thượng viện Mỹ đã không đạt đủ 2/3 số phiếu thuận cần thiết để phế truất ông. Sau khi rời nhiệm sở vào năm 2001, ông Clinton bị Tòa án Tối cao đình chỉ giấy phép hành nghề luật sư và ông đã từ chức trước khi bị tước quyền hành nghề luật sư hoàn toàn. 

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy

Ông Sarkozy bị kết án một năm tù vào năm 2021 vì đã giúp một thẩm phán giành được công việc danh giá để đổi lấy thông tin về một cuộc điều tra pháp lý. Tuy ông đã thất bại khi kháng cáo, bản án vẫn chưa được thi hành.

Ngoài ra, ông Sarkozy còn bị kết tội cố ý vi phạm các quy tắc tài trợ cho chiến dịch tranh cử năm 2012. Ông bị kết án một năm vì vụ việc này, nhưng bản án đó đang bị đình chỉ trong thời gian kháng cáo.

Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi

Theo ước tính của chính mình, ông Berlusconi đã đối mặt với hơn 100 cuộc điều tra và xét xử liên quan tới các cáo buộc gian luận thuế, hối lộ và quan hệ tình dục bất hợp pháp trong sự nghiệp chính trị.

Vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất của Italy kể từ sau Thế chiến thứ hai đã được tha bổng trong suốt nhiều thập kỷ, nhưng sau khi bị kết án gian lận thuế vào năm 2013, ông đã mất ghế ở Thượng viện và bị cấm giữ chức vụ công.

Vào năm 2022, ông đã quay trở lại chính trường Italy, được phép tranh cử và đã tái đắc cử vào quốc hội nước này. Tuy nhiên, lần này thời gian giữ chức của ông không lâu. Ông qua đời vào tháng 6/2023 vì bệnh ung thư máu.

Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl 

Ông Kohl đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử của đảng mình ngay sau khi phe bảo thủ thất bại trong cuộc bầu cử năm 1998 trước Đảng Dân chủ Xã hội Đức.

Các công tố viên đã tiến hành điều tra trong hơn một năm nhưng cuối cùng quyết định hủy bỏ vụ án vào năm 2001 sau khi ông Kohl đồng ý nộp khoản phạt lớn.

Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro

Ông Bolsonaro, người có biệt danh là “Donald Trump xứ nhiệt đới”, bị cấm tranh cử vào các vị trí công cho tới năm 2030 sau khi tòa án Brazil kết luận rằng ông đã lạm dụng quyền lực bằng cách truyền bá thông tin sai lệch về hệ thống bỏ phiếu điện tử của quốc gia.

Hồi tháng 5, cảnh sát đã khám xét nhà ông Bolsonaro nhằm tìm kiếm bằng chứng cho cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc các thành viên trong gia đình và phụ tá của ông đã sử dụng chứng nhận tiêm vắc xin COVID-19 giả để tránh né các hạn chế đi lại. Ông cũng đang bị điều tra với cáo buộc làm rò rỉ thông tin mật.

Giang