|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nghị định 65 ra đời, ngân hàng có được hưởng lợi?

16:23 | 26/09/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng Nghị định 65 sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu, giảm tải gánh nặng với nguồn tín dụng hiện nay, song chưa thể thay thế kênh tín dụng ngân hàng.

 

Kênh trái phiếu chưa thể thay thế tín dụng ngân hàng. (Ảnh minh hoạ: VTV).

Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ đã chính thức được ban hành. Câu hỏi đặt ra là với những quy định chặt chẽ, liệu Nghị định 65 có giúp phát triển thị trường TPDN một cách bền vững, trở thành kênh hút vốn trung và dài hạn tốt và thay thế dần cho kênh tín dụng ngân hàng hay không?

Chuyên viên phân tích Tài chính của Công ty Chứng khoán MB (MBS), ông Đinh Công Luyến cho biết hiện tại room tín dụng ngân hàng vẫn bao gồm TPDN, thành thử TPDN của doanh nghiệp phát hành ra vẫn tính vào phần tín dụng nếu ngân hàng có đầu tư.

Do đó, Nghị định 65 hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ đẩy phần tiêu thụ TPDN về các tổ chức như ngân hàng nhiều hơn. Điều này sẽ làm cho room của các ngân hàng chịu ảnh hưởng ít đi, chứ không hẳn là chuyển từ kênh tín dụng sang trái phiếu.

Ông Luyến cũng cho rằng kênh TPDN chưa thể thay thế kênh tín dụng ngân hàng do yêu cầu đối với các nhà đầu tư cá nhân tại Nghị định 65 là không quá hạn chế. Các nhà đầu tư chỉ cần thêm chứng chỉ về đầu tư chuyên nghiệp trong vòng 3 tháng, điều kiện này không quá khắt khe với nhà đầu tư cá nhân để tham gia vào thị trường.

Chia sẻ tại chương trình "khớp lệnh" của VTV Digital, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư công ty chứng khoán Tân Việt, ông Lê Ngọc Nam cho rằng Việt Nam là một nên kinh tế đang phát triển với nhu cầu vốn rất lớn, trong khi đó quy mô doanh nghiệp không quá lớn và mức độ ổn định không tốt.

Ngoài ra, quãng thời gian hoạt động của doanh nghiệp không nhiều, phần lớn doanh nghiệp là vừa và nhỏ, do đó việc nguồn vốn phụ thuộc vào ngân hàng là điều dĩ nhiên, điều này diễn ra tượng tự với các quốc gia khác ở các giai đoạn phát triển.

Chúng ta luôn luôn cân bằng việc làm sao thị trường vốn ngày càng được tốt lên so với tín dụng. Thực tế thị trường vốn đã tốt lên, bằng chứng là vốn hoá thị trường so với tín dụng đã tăng từ 50% lên 75-80%. Tuy nhiên để thay thế quy mô tín dụng thì cần có thời gian.

Ở Việt Nam, dư nợ tín dụng trên GDP khá cao khoảng 136%, nghĩa là chúng ta đang phụ thuộc khá nhiều vào tín dụng. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cũng rất cao, chẳng hạn, đi vay với lãi suất 10%,11% hay 12%, đồng nghĩa với tính đầu cơ cao hơn. Do đó, kênh tín dụng đang được sử dụng chính yếu và tỷ lệ cao hơn.

Chuyên gia kỳ vọng thị trường vốn sẽ có thêm các doanh nghiệp tốt và bề dày của doanh nghiệp tốt hơn khiến nhà đầu tư thêm tin tưởng vào thị trường.

Còn theo nhóm phân tích FiinRatings thuộc Fiingroup, Nghị định 65 tạo hành lang pháp lý và chế tài rõ ràng sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu, từ đó giảm tải gánh nặng đối với nguồn tín dụng hiện nay.

Đồng thời kỳ vọng các ảnh hưởng tích cực của Nghị định 65 sẽ giúp phát triển thị trường TPDN thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính, trả lại chức năng thực cho kênh tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn tập trung cho vay tiêu dùng và mua nhà.

Ở một góc nhìn khác, ngân hàng vẫn là một trong số những nhà đầu tư chủ chốt của thị trường TPDN, đặc biệt khi đây là sản phẩm có mức lợi suất cao hơn nhiều lần so với trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, việc đầu tư và giao dịch TPDN hiện được hạn chế bởi Thông tư 16 và điều kiện “room” tín dụng hạn chế, ngân hàng sẽ chỉ tham gia đầu tư vào thị trường TPDN một cách chọn lọc.

Ở góc độ này, nhóm phân tích cho rằng cầu về thị trường TPDN vẫn phải đợi các định chế tài chính phi ngân hàng như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí,... để phát triển .

Các NHTM được hưởng lợi?

Theo Finn Ratings, các ngân hàng thương mại sẽ được hưởng lợi từ chính sách mới do Nghị định 65 dự báo sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro mất cân đối nguồn vốn hệ thống ngân hàng.

Thực tế cho thấy, tín dụng bất động sản có đến 94% nguồn vốn là cho vay trung và dài hạn nhưng lại đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng thương mại vốn có bản chất huy động ngắn hạn. Nhu cầu vốn của ngành bất động sản gây sức ép trong khi các các ngân hàng mặc dù đã được nới room nhưng không quá nhiều khiến cho áp lực ngày một tăng cao.

Hơn nữa, trong thời gian tới các tổ chức này vẫn tiếp tục phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn xuống 34% theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trong khi đó, tính đến hết tháng 6/2022, dư nợ TPDN đang lưu hành đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng và mới chỉ tương đương 1/3 tổng dư nợ tín dụng vay trung – dài hạn của hệ thống ngân hàng, đồng nghĩa với việc thị trường TPDN đang tăng trưởng rất nhanh và còn nhiều dư địa phát triển, FiinRatings nhận định.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng nghị định này sẽ hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong dài hạn. Diễn biến này có thể sẽ có lợi cho các tổ chức có chiến lược kinh doanh dài hạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp như Techcombank. 

 Nguồn: FiinRatings.

Phương Nga