|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nghị định 20: Kiến nghị chỉ áp dụng với DN xuyên biên giới, bỏ trần chi phí lãi vay 20%

18:41 | 20/12/2018
Chia sẻ
Các chuyên gia và lãnh đạo DN nhận định, Nghị định 20 đã và sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con đang phát triển mạnh ở nước ta. Một số kiến nghị chỉ áp dụng nghị định này với doanh nghiệp xuyên biên giới, không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam.

Tại hội thảo về Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết diễn ra mới đây, phần lớn đại diện các doanh nghiệp tham gia hội thảo đều nêu những khó khăn, bất cập mà họ gặp phải liên quan tới nghị định này.

Đại diện Tập đoàn Masan nêu ý kiến, Khoản 3, điều 8 của Nghị định 20 là bất hợp lý.

Vị này dẫn chứng, tại Tập đoàn Masan có 1 hoạt động mũi nhọn mà Masan đầu tư là nông nghiệp. Nhà nước đang có chính sách ưu đãi vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Masan hoạt động theo mô hình tập đoàn, quản lý tập trung. Sau đó, phân bổ nguồn vốn xuống cho các công ty con. Thực tế, các công ty con không đủ uy tín, vốn nên công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn. Công ty mẹ đứng ra ký hợp đồng tín dụng và phân bổ cho công ty con.

Nghị định 20 nếu áp dụng thì hầu hết chi phí lãi vay của công ty mẹ vay để đầu tư nông nghiệp đã bị loại bỏ.

“Tôi cho rằng không nên nói các doanh nghiệp có cùng thuế suất mới được miễn trừ, cần xem xét bản chất khoản vay có từ bên thứ 3 không và chi phí đó có hợp lý hay không, mang lại doanh thu hay không? Nghị định 20 không được nằm ngoài Luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nó vẫn phải nằm trong sự điều khiển của Luật này…”, đại diện Masan nêu quan điểm.

nghi dinh 20 kien nghi chi ap dung voi dn xuyen bien gioi bo tran chi phi lai vay 20
Nghị định 20: Kiến nghị chỉ áp dụng với DN xuyên biên giới, bỏ trần chi phí lãi vay 20%. Ảnh minh họa.

Vị này tiếp tục nêu ra vướng mắc thứ 2. Đó là Nghị định 20 có nói đến phạm vi đối tượng, nguyên tắc áp dụng. Do vậy nên quy định nếu doanh nghiệp nằm trong phạm vi bị áp dụng thì mới bị điều chỉnh theo Nghị định 20.

“Nếu không nằm trong phạm vi đó, tại sao lại áp dụng? Nếu chúng tôi có giao dịch liên kết nhưng không có bất kỳ biểu hiện nào chuyển giá thì sao lại áp dụng? Nghị định 20 nói cơ quan thuế có trách nhiệm xác định giá giao dịch liên kết và không công nhận các yếu tố làm ảnh hưởng nghĩa vụ thuế. Nếu chúng tôi không có yếu tố làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế thì tại sao lại áp đặt với Nghị định 20”, đại diện Masan kiến nghị và mong các cơ quan chức năng liên quan tiếp thu ý kiến, sửa đổi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, Nghị định 20 có khá nhiều điểm chưa hợp lý, trong đó Khoản 3, Điều 8 gây nhiều tranh cãi nhất.

“Kiến nghị đầu tiên là bỏ Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20. Thứ hai là kiến nghị hoãn, lùi thời hạn thực hiện, hoặc kiến nghị quy định giao dịch liên kết là chỉ tính cho giao dịch xuyên biên giới”, ông Nam nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích, Khoản 3 điều 8 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".

Ông Nam cho rằng, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, đồng thời mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Theo ông Nam, quy định của Nghị định 20 đã và sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, chẳng hạn như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20.

“Còn nếu không phân định rõ mà khống chế lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản trong việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế”, ông Nam nói.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho hay: “Tôi nghĩ việc sửa Nghị định 20 là khả thi và chúng tôi nghĩ rằng trước mắt không áp dụng mức trần chi phí lãi vay 20% đối với các doanh nghiệp chịu một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp như nhau, không có ưu đãi thuế, không có hiệp định liên kết. Chúng tôi cũng đang cố gắng nỗ lực để kiến nghị lên trên để vừa chống chuyển giá, vừa để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động”.

TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm, ông đồng ý rằng Nghị định 20 cần phải sửa nhưng vấn đề quan trọng là sửa như thế nào cho phù hợp.

“Tôi đề nghị Nghị định 20 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam, bởi trong nội địa Việt Nam thì thuế suất như nhau. Thêm vào đó, không nên phân biệt đối xử theo ngành nghề, quy mô, càng gây rắc rối”, ông Nghĩa nói.

Xem thêm

Khánh Hà