‘Nghe một cuộc điện thoại mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng’ là tin giả
Những tuần gần đây trên mạng xã hội rộ lên thông tin nếu nhận cuộc gọi từ một số điện thoại tên là “FlashAI” hay nhiều cuộc gọi với hình thức tương tự, người dùng sẽ bị mất hết tiền trong tài khoản và lộ thông tin cá nhân.
Để chứng minh cho tính xác thực, một người dùng Facebook thậm chí còn chia sẻ màn hình cuộc trò chuyện, trong đó nói “mất 73 triệu đồng vì gọi lại cho FlashAI trong vòng 20 giây”. Thông tin nhanh chóng được lan truyền trên không gian mạng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, người sáng lập dự án Chống lừa đảo khẳng định thông tin này hoàn toàn sai và không đúng sự thật. Theo ông Hiếu, người dùng chỉ mất tiền qua cuộc gọi điện thoại khi thực hiện một trong 3 điều sau:
“Thứ nhất, thực hiện thao tác hướng dẫn của cuộc gọi. Ví dụ bấm phím 1, phím 2,… thì có thể sẽ bị mất tiền cước viễn thông. Thứ hai, bị cuộc gọi dẫn dụ vào đường link lừa đảo hoặc tải File có nguy cơ đánh cắp thông tin. Thứ ba, bị dẫn dụ đầu tư tài chính hoặc thực hiện lệnh chuyển tiền theo hướng dẫn cuộc gọi”.
Về FlashAI, đây là ký hiệu đã được cài đặt sẵn. Khi gọi đến người khác sẽ hiển thị lên điện thoại là FlashAI, tương tự như dịch vụ Voice Brandname - thể hiện tên thương hiệu của công ty/sản phẩm/dịch vụ/nhãn hàng trên thiết bị di động của người nhận, không giống với các cuộc gọi thông thường chỉ hiển thị số điện thoại đơn thuần.
Chuyên gia cảnh báo người dùng “tuyệt đối khi nhận những cuộc gọi này không nên bắt máy chi cho tốn thời gian là thứ nhất, điều thứ hai là để tránh bị dẫn dụ bởi những đòn tâm lý của kẻ lừa đảo. Không nhấp vào bất kỳ đường link qua tin nhắn hay qua cuộc gọi, không cung cấp mật khẩu và mã OTP và luôn nên chậm lại, kiểm chứng và luôn luôn phải xác thực mọi thông tin”.
Ông Hiếu khẳng định các chiêu lừa này vốn chẳng phải là mới, tuy nhiên, chúng ngày càng biến tướng tinh vi hơn.
Cuối năm ngoái, trả lời trước Quốc Hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ đang đề xuất Chính phủ xem xét tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe, ít nhất cũng bằng trung bình của các nước trong khu vực để ngăn chặn tin giả, tin xấu độc.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm.