Ngày lễ độc thân thổi luồng gió mới cho thương mại điện tử Đông Nam Á
Đông Nam Á tăng trưởng nhờ Ngày độc thân
Theo số liệu Lazada cung cấp, họ đã nhận kỷ lục hơn 3 triệu đơn đặt hàng chỉ trong vòng 60 phút đầu tiên của sự kiện mua sắm lớn kéo dài suốt 24 giờ trong Ngày độc thân 11/11.
Hiện nay, Lazada đang hoạt động tại 6 thị trường trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Singapore, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan.
Trong khi đó, công ty mẹ của Lazada là Alibaba đã báo cáo tổng khối lượng hàng hóa (GMV) đã vượt qua kỷ lục 213,5 tỷ nhân dân tệ (gần 30,5 tỷ USD) vào chiều ngày 11/11.
Ngày lễ độc thân đã giúp nhiều doanh nghiệp "xô đổ" nhiều kỷ lục.
Một “ông lớn” khác đang trỗi dậy trong thời gian gần đây là Shopee – thuộc sở hữu Sea Group – cho biết, khối lượng đặt hàng của họ đã tăng gấp ba lần trong giờ đầu tiên so với năm ngoái.
Một đại diện cho biết công ty không thể tiết lộ tổng số đơn đặt hàng mà họ nhận được trong khung thời gian đó vì sự kiện này vẫn đang tiếp diễn.
Hoạt động mua sắm dịp Lễ Độc thân ở Trung Quốc được khởi động từ cách đây 1 thập kỷ và sau đó nhiều nhà bán lẻ tại Đông Nam Á cũng đã thực hiện theo để tăng doanh thu bán hàng.
Thương mại điện tử cùng với hoạt động chia sẻ xe được cho là các yếu tố chính thúc đấy nền kinh tế Internet tại khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo mới nhất vừa được Google, Temasek cùng với đối tác mới Bain & Company công bố, nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025.
Báo cáo từ Forrester Research cho biết bán lẻ trực tuyến trong khu vực này sẽ tăng từ 19 tỷ USD năm 2018 lên 53 tỷ USD vào năm 2023, chiếm 6,5% tổng doanh số bán lẻ. Trong đáng chú ý, hầu hết doanh số bán lẻ trực tuyến sẽ đến từ điện thoại di động.
Trao đổi với CNBC, Xiaofeng Wang, một nhà phân tích cao cấp tại Forrester Research nhìn nhận, “Nhìn chung, chúng ta có thể thấy tốc độ phát triển rất nhanh của thị trường TMĐT ở khu vực Đông Nam Á và nó đang ngày càng thể hiện vị thế của mình trong nền kinh tế”.
Hiện, một số doanh nghiệp TMĐT đang là đại diện cho khu vực và giúp thúc đẩy sự phát triển của TMĐT phải kể đến như Lazada, Shopee, hai doanh nghiệp đến từ Indonesia là Tokipdia và Bukalapak.
Theo các chuyên gia đánh giá, Đông Nam Á đang là mảnh đất “màu mỡ” cho ngành TMĐT phát triển bởi đây là khu vực có tỷ lệ sử dụng smartphone cao, dân số tăng và tỷ lệ kết nối internet ngày một tăng.
Tuy nhiên, đối với ngành bán lẻ thực trạng chung chiếm ưu thế vẫn mua bán theo kiểu truyền thống, hay nói cách khác là mua bán ngoại tuyến (offline) thay vì mua bán trực tuyến (online) trên các sàn TMĐT.
Mặc dù vậy, đây cũng chính là thị trường vô cùng tiềm năng mà các doanh nghiệp TMĐT có thể hướng đến để thu hút được những khách hàng mới, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời các nhà bán lẻ offline cũng đang dần có sự dịch chuyển trong phương thức mua bán, đầu tư phát triển dịch vụ kỹ thuật số và nắm bắt các xu hướng công nghệ mới.
Chính sự phát triển song song giữa TMĐT và ngành bán lẻ đang diễn ra vô cùng sôi động tại thị trường Đông Nam Á, một pha trộn các kênh bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến, được tiên phong bởi Alibaba, ông Xiaofeng Wang của Forrester Research cho biết.
Triển vọng lạc quan
Trả lời phỏng vấn CNBC, ông Pierre Poignant, Giám đốc điều hành của Lazada Group cho biết, lúc này Lazada đang tập trung phát triển cơ sở khách hàng của mình.
Theo doanh nghiệp này, tính đến ngày 31/8, họ đã có hơn 50 triệu người dùng hoạt động hàng năm trên 6 thị trường trong khu vực.
Poignant nói: “Có một số yếu tố đang thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế, nó bao gồm sự tăng trưởng của khu vực, môi trường vĩ mô.
Thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi, mức đầu tư cao trong khu vực, tất cả những điều này kết hợp với nhau dẫn đến tăng trưởng nhanh. Thêm vào đó, chúng tôi rất tin tưởng vào tương lai khả quan phía trước”.
Còn Junjie Zhou, Giám đốc thương mại tại Shopee, đã chia sẻ một mức độ lạc quan tương tự đối với thị trường TMĐT trong khu vực. “Thị trường này vẫn đang ở giai đoạn phát triển nhanh.
Hiện tại, ít nhất là trong tương lai gần, ưu tiên của Shopee là phát triển với quy mô lớn hơn nhiều và chiếm được nhiều thị phần hơn, và củng cố vị trí dẫn đầu của chúng tôi tại thị trường TMĐT này”, ông Zhou giải thích.
Đi đầu trong cuộc đua
Đối với Lazada và Shopee, ưu tiên hàng đầu là có được nhiều khách hàng hơn khi họ kết nối internet lần đầu tiên, có thể thông qua điện thoại thông minh.
Cả hai công ty đều có các ứng dụng di động được thiết kế với các tính năng tương tác và trò chơi xã hội để giữ cho người dùng trên nền tảng lâu hơn và gắn kết hơn.
Chẳng hạn, trên Lazada cung cấp một tính năng trong đó người dùng có thể tập hợp sự giúp đỡ của bạn bè của họ để giảm giá một món đồ giá rẻ. Khi đã đủ người tham gia, người dùng có thể mua mặt hàng đó ở mức chiết khấu.
Trong khi đó, Shopee đã giới thiệu nhiều trò chơi có thưởng xu để người dùng đổi lấy chiết khấu khi mua các sản phẩm trên nền tảng này hoặc đổi lấy phiếu giảm giá.
Với việc kết hợp trò chơi có thưởng trên nền tảng, chiến lược này của Shopee tỏ ra khá hiệu quả trong việc thu hút khách hàng mới, Xiaofeng Wang cho biết.
Theo Giám đốc thương mại của Shopee, trung bình người dùng dành nhiều thời gian hơn cho ứng dụng của công ty Shopee hơn so với các ứng dụng mua sắm khác.
Khi được hỏi điều gì khiến Shopee nổi bật so với các đối thủ, Zhou cho biết doanh nghiệp có lợi thế trong hiểu biết địa phương về từng thị trường.
Còn với Lazada, ông Poignant lại cho rằng, lợi thế của họ chính là sự hỗ trợ từ công ty mẹ Alibaba, từ việc xây dựng mạng lưới hậu cần tích hợp từ công ty logistic khổng lồ Cainiao của Alibaba, cho đến việc áp dụng giải pháp thanh toán kỹ thuật số được hỗ trợ bởi công ty tài chính Ant Financial.
“Khác biệt lớn của chúng tôi chính là sự hậu thuẫn công nghệ và tài chính từ Tập đoàn Alibaba”, Poignant nói.
Kết luận lại, theo các phân tích từ Forrester, bà Wang cho biết, “Cuối cùng, những người tham gia cuộc chơi TMĐT được hỗ trợ bởi các tập đoàn lớn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong khu vực, khi sức nóng cạnh tranh chiếm thị phần ngày một tăng lên”.
“Và kẻ nào có tiềm lực vốn mạnh hơn kẻ đó sẽ thắng”, nhà nghiên cứu của Forrester Research kết luận.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/