Ngày khai xuân năm Hợi, 765 cổ phiếu chìm trong thị trường gấu
Thị trường gấu là gì? Có đáng sợ không? |
Thị trường gấu là gì và ứng phó ra sao?
Thị trường gấu (bear market) là thuật ngữ được giới đầu tư tại Mỹ sử dụng để miêu tả đợt suy giảm mạnh và kéo dài của thị trường chứng khoán. Về mặt số học, thị trường gấu xuất hiện khi chỉ số chứng khoán chính giảm trên 20% so với mức đỉnh gần nhất, thường trong vòng 52 tuần.
Nếu chỉ số chính của thị trường chỉ giảm trong khoảng 10-20% thì thị trường được coi là đang trong vùng “điều chỉnh” (correction territory).
Các định nghĩa này cũng được áp dụng cho từng cổ phiếu đơn lẻ. Nếu giá một cổ phiếu giảm trên 20% so với đỉnh 52 tuần, cổ phiếu này được coi là nằm trong vùng thị trường gấu.
Có nhiều chiến lược đầu tư khác nhau trong giai đoạn thị trường gấu. Một là bán bớt các cổ phiếu rủi ro cao để mua những cổ phiếu hoặc tài sản khác an toàn hơn hoặc an toàn nhất là giữ tiền mặt.
Hai là bán khống để hưởng lợi từ xu thế đi xuống của thị trường.
Và ba là bình quân giá xuống (dollar-cost averaging) tức là liên tục mua thêm cổ phiếu trong giai đoạn giá đi xuống để giảm giá vốn trung bình của cổ phiếu đó trong danh mục đầu tư của mình. Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhước điểm và những người ủng hộ, phản đối riêng.
Chẳng hạn với phương pháp bình quân giá xuống, nếu giá giảm quá sâu trong thời gian quá dài thì nhà đầu tư có thể cạn tiền trước khi giá cổ phiếu hồi phục, nếu sử dụng margin thì có nguy cơ cao bị gọi kí quĩ. Lúc này bình quân giá xuống lại trở thành “bò tùng xẻo” hay “cưa chân bàn”.
765 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong "vùng gấu"
Kết phiên giao dịch cuối cùng của năm Mậu Tuất ngày 1/2 dương lịch vừa qua, VN-Index dừng ở 912,81 điểm, giảm 13,8% so với thời điểm cuối năm Đinh Dậu (13/2/2018); HNX-Index dừng ở 103,34 điểm, giảm 16,8%, UPCoM-Index 54,81 điểm, giảm 6,3%.
Có thể thấy, hai chỉ số lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam là VN-Index và HNX-Index đều đang trong vùng điều chỉnh.
Tuy vậy, có tới 765 cổ phiếu có mức sụt giảm mạnh hơn thị trường chung và hiện đang ở vùng “thị trường gấu”
Trong số này có 192 cổ phiếu được niêm yết tại HNX, 202 cổ phiếu niêm yết tại HOSE và 371 cổ phiếu giao dịch tại UPCoM.
Nguồn số liệu: VNDirect. |
Cổ phiếu dầu khí
Nhóm dầu khí có 15 cổ phiếu có tỉ lệ giảm giá so với đỉnh 52 tuần từ 21,6 đến 72,3% trong đó có những tên tuổi lớn như PVS, PVB, PVC, PVD, OIL hay BSR.
Nguồn số liệu: VNDirect. |
Nhiều công ty trong số này vừa công bố kết quả kinh doanh quí IV khá "bết bát" như PVS (Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) có doanh thu giảm hơn 45% so với quí IV/2017, lợi nhuận sau thuế giảm đến 99%, chủ yếu là do đánh giá lại tài sản và nợ của một công ty con.
BSR (CTCP Lọc – Hóa dầu Bình Sơn) báo lỗ sau thuế hơn 1.000 tỉ đồng. Nguyên nhân được BSR đưa ra là diễn biến bất lợi của giá dầu thô thế giới.
PVB (CTCP Bọc Ống Dầu khí Việt Nam) cũng báo lỗ 7 tỉ đồng trong quý IV/2018 trong khi cùng kì năm trước lãi 38,6 tỉ đồng. PVB cũng không hoàn thành mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của cả năm 2018.
Một "ông lớn" của ngành dầu khí không rơi vào thị trường gấu là cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP. Quí IV vừa qua, POW đạt doanh thu thuần 7.874 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 398,5 tỉ đồng. Cổ phiếu POW cũng đã tăng khá tốt trong khoảng thời gian ba tháng vừa qua.
Diễn biến giá cổ phiếu POW trong ba tháng qua. Nguồn: VNDirect. |
Cổ phiếu ngân hàng
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, hầu hết những cái tên lớn, những thương hiệu quen thuộc nhất đều có tên trong danh sách cổ phiếu đang trong thị trường gấu như: VCB, CTB, BIDV, TCB, ACB, MBB, VPB, … Tỉ lệ giảm thấp nhất là 21% so với đỉnh 52 tuần của cổ phiếu NVB, cao nhất là 53,2% của cổ phiếu VPB.
Nguồn số liệu: VNDirect. |
4 cổ phiếu ngân hàng không nằm trong vùng thị trường gấu cùng những “người anh em” kể trên là BAB (Ngân hàng TMCP Bắc Á), EIB (Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam), KLB (Ngân hàng TMCP Kiên Long) và TPB (Ngân hàng TMCP Tiên Phong).
Cá biệt cổ phiếu EIB không những không giảm so với đỉnh cũ mà hiện đang ở mức đỉnh 1 năm sau một thời gian liên tục tăng nóng.
Trong quí IV/2018, Eximbank lỗ trước thuế 309 tỉ đồng trong khi cùng kì năm 2017 lãi hơn 560 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng sụt giảm mạnh (86,4%) trong khi chi phí trích lập rủi ro tăng cao.
Trong quí, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 82 tỉ đồng (năm ngoái lãi gần 33 tỉ đồng), hoạt động góp vốn mua cổ phần cũng lỗ 2 tỉ trong khi năm trước lãi 125 tỉ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng cao từ 118 tỉ đồng lên 402 tỉ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu EIB trong một năm qua. Nguồn: VNDirect. |
Cổ phiếu bất động sản
Ở nhóm bất động sản, nhiều cổ phiếu quen thuộc cũng đang nằm trong danh sách thị trường gấu như FLC của CTCP Tập đoàn FLC, ITA của CTCP CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai, HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai, …
Nguồn số liệu: VNDirect. |
Kết quả kinh doanh quí IV, Địa ốc Hoàng Quân ghi nhận lãi sau thuế 10,7 tỉ đồng, giảm 17,6% so với cùng kì 2017. Cả năm 2018, doanh thu thuần đạt 467 tỉ đồng, tăng 27% so với năm trước. Lãi sau thuế 42 tỉ đồng, giảm 36% và chỉ hoàn thành 24% kế hoạch năm.
Chỉ vài ngày trước kì nghỉ Tết Nguyên đán, Hoàng Quân miễn nhiệm ba Phó Tổng Giám đốc và bổ nhiệm mới ba Phó TGĐ, trong đó có bà Trương Nguyễn Song Vân sinh năm 1990 và trùng tên với con gái của Chủ tịch HĐQT công ty Trương Anh Tuấn.
Về phần Quốc Cường Gia Lai, công ty báo lãi sau thuế quí IV vừa qua 54,5 tỉ đồng, tăng trưởng 85% so với cùng kì 2017. Lũy kế cả năm 2018, Quốc Cường Gia Lai đạt 732 tỉ đồng doanh thu, giảm 15% so với 2017; lãi sau thuế 99 tỉ đồng, giảm 76%. Đáng chú ý, nợ các bên liên quan của Quốc Cường Gia Lai thời điểm cuối quí IV giảm 2.446 tỉ đồng so với quí trước đó xuống còn 582 tỉ đồng.
CTCP Tập đoàn FLC cũng ghi nhận quí IV khởi sắc với lãi ròng 214 tỉ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kì năm trước. Lũy kế cả năm, FLC đạt 11.764 tỉ đồng doanh thu thuần, 586 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế và 400 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành tương ứng 94%, 84% và 71,4% kế hoạch năm. FLC cũng có nhiều giao dịch trị giá hàng nghìn tỉ đồng với các công ty liên quan như CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) và CTCP đầu tư du thuyền và sân golf FLC Biscom.
Một số cổ phiếu bất động sản lớn giảm không đến 20% so với đỉnh 52 tuần như VIC (-11,6%), VHM (-16,7%) hay VPI (-10,6%)
Nhóm dịch vụ tài chính
Nhóm dịch vụ tài chính có 29 cổ phiếu nằm trong vùng thị trường gấu, đại đa số trong đó là các công ty chứng khoán (CTCK). Tỉ lệ giảm biến động từ 21,5% (CTCP Chứng khoán Trí Việt) đến 87,8% (CTCP Chứng khoán Đà Nẵng).
Các CTCK lớn, niêm yết góp mặt đông đảo trong danh sách này, gồm: CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI), CTCP Chứng khoán TP HCM (Mã: HCM), CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), CTCP Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI), CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Mã: BSI).
Cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán Artex hiện đang ở vùng thấp nhất trong lịch sử giao dịch, khoảng 2.200-2.300 đồng/cp. Trong năm Mậu Tuất, công ty đã tăng vốn gấp hơn 3 lần, từ 310,5 tỉ đồng lên 969 tỉ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng như chào bán cho cổ đông hiện hữu; ngoài ra cổ phiếu còn niêm yết tại HNX sau hơn một năm giao dịch tại UPCoM.
Nguồn số liệu: VNDirect. |
Một số cổ phiếu CTCK không nằm trong "danh sách buồn" này bao gồm FTS (CTCP Chứng khoán FPT), VIX (CTCP Chứng khoán IB), ...