'Ngày đen tối' của ngành ngân hàng thế giới
Từ trước khi vang lên tiếng chuông báo hiệu mở cửa thị trường chứng khoán New York, ngày thứ Năm có vẻ như đã là một ngày u ám đối với một loạt “đại gia” của ngành ngân hàng thế giới.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, ít ai ngờ được hàng loạt tin xấu liên tục ập đến trong ngày từ các nhà băng hàng đầu của Mỹ và châu Âu. Cắt giảm việc làm, bê bối và những mối quan ngại tài chính đã khiến cổ phiếu ngành ngân hàng sụt giảm sâu và giới đầu tư đặt câu hỏi liệu đến khi nào thì những bất ổn hiện nay mới lắng xuống.
Câu chuyện bắt đầu từ nước Đức, nơi ngân hàng chật vật từ lâu Commerzbank công bố kế hoạch sa thải 1/5 số nhân viên.
Tiếp đó, tại Mỹ, Giám đốc điều hành (CEO) John Stumpf của Wells Fargo hứng thêm sự chỉ trích mạnh mẽ trong vụ bê bối mở tài khoản khống tại ngân hàng này. Stumpf đã có phiêu điều trần căng thẳng kéo dài 4 giờ đồng hồ trước Quốc hội Mỹ, và trước khi cuộc điều trần còn chưa kịp kết thúc, lại có tin Wells Fargo sẽ bị phạt thêm vì tịch biên bất hợp pháp xe thuộc sở hữu của binh sỹ Mỹ.
Trở lại Đức, nhiều nhà đầu tư như cảm thấy “sét đánh ngang tai” khi có tin một số quỹ đầu cơ đã có động thái cắt giảm giao dịch với Deutsche Bank - ngân hàng đang là tâm điểm chính trong nỗi lo trên thị trường tài chính toàn cầu - vì nguy cơ dính án phạt “khủng” tại Mỹ. Thị trường đang lo ngại Deutsche Bank có thể trở thành một Lehman Brothers, ngân hàng đã sụp đổ trong khủng hoảng tài chính toàn cầu, thứ hai.
8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, ngành ngân hàng toàn cầu vẫn đang trong cảnh dò dẫm tìm đường. Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực nhằm siết hoạt động của các ngân hàng, nhưng việc này dường như không mấy dễ dàng. Dù tiếp tục hứng chịu những án phạt khổng lồ, các ngân hàng vẫn xoay đủ cách để tìm kiếm mới lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh khối lượng giao dịch suy giảm và các quy định về vốn bị thắt chặt.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số Bloomberg Europe Banks and Financial Services Index, một thước đo giá 38 cổ phiếu ngành tài chính-ngân hàng châu Âu đã giảm 24%. Chỉ số KBW Index về giá cổ phiếu của 24 ngân hàng Mỹ giảm 4,6%. Trong đó, cổ phiếu Wells Fargo giảm 18%.
Cách đây ít hôm, CEO Stumpf của Wells Fargo đã chấp nhận từ bỏ khoản thù lao 41 triệu USD sau khi ngân hàng này bị lộ hành vi mở hơn 2 triệu tài khoản khống để thu phí của khách hàng.
Về phần Deutsche Bank, giá trị vốn hóa thị trường đã giảm quá nửa từ đầu năm đến nay. Một cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã hài hước viết trên mạng xã hội Twitter rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên mua lại Deutsche Bank.
Thậm chí, giá trị vốn hóa của Deutsche Bank hiện chỉ còn nhỉnh hơn chút ít so với mức phạt 14 tỷ USD mà Bộ Tư pháp Mỹ dự định áp để khép lại cuộc điều tra kéo dài nhằm vào những gian lận trong mảng chứng khoán địa ốc của ngân hàng Đức này.
Ngày thứ Năm, giá cổ phiếu của Deutsche Bank niêm yết trên thị trường chứng khoán New York đã sụt tới hơn 9%, xuống mức thấp chưa từng thấy, sau khi có tin ngân hàng này bị một loạt quỹ đầu cơ giảm giao dịch.
Trong kế hoạch sa thải mà CEO Martin Zielke của Commerzbank, ngân hàng lớn thứ hai ở Đức, công bố ngày 29/9, có 9.600 nhân viên bị mất việc. Giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng có trụ sở tại Frankfurt này đã giảm khoảng 39% từ đầu năm.
Cùng ngày, Wells Fargo đã nhất trí nộp phạt 24 triệu USD để khép lại những cáo buộc về tịch biên bất hợp pháp ôtô của binh sỹ Mỹ. Trong phiên điều trần của Stumpf trước Quốc hội Mỹ, các nghị sỹ đã kêu gọi ông từ chức, thay thế hội đồng quản trị Wells Fargo, và chia tách ngân hàng này.
Hôm thứ Tư tuần này, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã lên tiếng bảo vệ bản thân, nói rằng chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của ECB không phải là nguyên nhân dẫn tới những rắc rối hiện nay ở Deutsche Bank,ngân hàng lớn nhất của Đức.
Mấy ngày qua đã có tin đồn Deutsche Bank cần thêm vốn và có thể phải cần tới một kế hoạch giải cứu từ Chính phủ. Cũng có tin đồn Deutsche Bank và Commerzbank có thể phải sáp nhập làm một.
Ông Hans Michelbach, một nghị sỹ cấp cao thuộc liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 29/9 đã tuyên bố nước này sẽ không cứu các ngân hàng gặp vấn đề. Tuy nhiên, một số nhà phân tích, một kế hoạch giải cứu của Chính phủ có thể là cách duy nhất để cứu các ngân hàng Đức gặp khó, đặc biệt là Deutsche Bank.
Theo Diệp Vũ
Vneconomy