|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành xe điện bắt đầu đón sóng sa thải nhân sự

11:08 | 13/02/2023
Chia sẻ
Xe điện được coi là một thị trường có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai, song đang đối mặt với áp lực từ làn sóng sa thải trên toàn cầu. Hàng loạt startup đình đám như Rivian, Arrival hay Britishvolh đã thông báo về các đợt sa thải hàng loạt ngay trong những tháng đầu năm 2023.

Từ giai đoạn cuối năm 2022, làn sóng sa thải nhân sự đã bùng lên trên toàn cầu khi các công ty thực hiện việc cắt giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách để chuẩn bị đối phó với một cuộc suy thoái kinh tế tiềm tàng.

Làn sóng sa thải nhân sự được nhìn thấy rõ nhất trong ngành công nghệ khi nhiều công ty hàng đầu như Amazon, Microsoft, Meta (công ty mẹ Facebook), Alphabet (công ty mẹ Google) hay Twitter thực hiện sa thải hàng chục nghìn người.

Giờ đây, làn sóng này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghệ, mà nó đã lan sang cả những lĩnh vực khác, trong đó có xe điện, ngành được coi là “tương lai cho sự di chuyển trên toàn cầu”.

Nhiều startup ngành xe điện sa thải nhân sự

Đầu tháng 2, nhà sản xuất xe điện đình đám Rivian Automative, startup trong lĩnh vực xe điện được gã khổng lồ công nghệ Amazon đầu tư, cho biết họ đang sa thải 6% lực lượng lao động của mình nhằm mục đích tiết kiệm chi phí.

Trong một email gửi cho nhân viên được CNBC tổng hợp, CEO Rivian RJ Scaringe cho biết việc cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty phải là một mục tiêu “cốt lõi”.

Rivian là startup xe điện đình đám được Amazon đầu tư. (Ảnh: CNBC).

Công ty xe điện đình đám này đang tập trung vào việc tăng cường sản xuất xe tải R1 và xe tải giao hàng EDV mà họ chế tạo cho Amazon, cũng như phát triển nền tảng xe R2 nhỏ hơn sắp tới của mình. CEO Scaringe nói rằng việc cắt giảm sẽ không ảnh hưởng đến công việc sản xuất tại nhà máy của Rivian ở Illinois.

Rivian ra mắt công chúng thông qua đợt chào bán lần đầu thành công vào cuối năm 2021, huy động được gần 12 tỷ USD. Nhưng kể từ đó, giá cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện có trụ sở tại California đã mất gần 90% giá trị, khiến công ty phải suy nghĩ lại về các kế hoạch mở rộng của mình khi nó hướng tới lợi nhuận.

Rivian còn khoảng 13,8 tỷ USD tiền mặt tính đến cuối tháng 9/2022, sau khi công bố khoản lỗ 5 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2022. Tháng 1, công ty cho biết họ đã không đạt được mục tiêu sản xuất 25.000 xe vào năm 2022.

Trước đó, vào cuối tháng 1, startup xe điện nổi tiếng tại Anh là Arrival cũng cho biết họ đã sa thải tới 50% lực lượng lao động trong một động thái giúp giảm chi phí hoạt động khi startup này cố gắng vượt qua giai đoạn khủng hoảng tiền mặt, qua đó đe dọa tới sự tồn tại của doanh nghiệp trên thị trường có tính cạnh tranh cao, theo Reuters.

Startup xe điện nổi tiếng của Anh là Arrival cũng đã thực hiện việc sa thải nhân sự. (Ảnh: Automotive News Europe).

Không chỉ các công ty chuyên về sản xuất xe điện, mà ngay cả những startup hoạt động trong hệ sinh thái xe điện cũng đối mặt với tình trạng này. Theo E&T, một startup chuyên sản xuất pin xe điện nổi tiếng tại Anh là Britishvohl đã sụp đổ ngay trong những ngày đầu năm 2023, khiến phần lớn trong số 300 nhân viên của công ty mất việc.

“Các quản trị viên đang đánh giá các lựa chọn để xác định giá trị tiềm năng trong hoạt động kinh doanh và tài sản của công ty, bao gồm tài sản trí tuệ và tài sản R&D, vì lợi ích của các chủ nợ", theo báo cáo của hãng kiểm toán EY về Britishvohl.

Bài toán khó về chi phí

Phần lớn doanh nghiệp xe điện thực hiện việc sa thải nhân sự đều nhằm mục đích tiết kiệm chi phí trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều vấn đề trong suốt thời gian qua như áp lực lạm phát, tăng lãi suất,…

Chẳng hạn, theo CNN, việc Rivian cắt giảm nhân sự là để giúp công ty tập trung nguồn lực vào việc tăng cường sản xuất xe và đạt được các mục tiêu về lợi nhuận. “Chúng ta phải tập trung nguồn lực của mình vào đoạn đường phía trước và con đường dẫn đến lợi nhuận của chúng ta”, CEO Rivian chia sẻ.

Việc sa thải nhân viên tại Rivian diễn ra trong bối cảnh giá xe điện bắt đầu giảm trong thời gian gần đây, sau những động thái giảm giá từ phía Tesla do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo và Ford Motor Co. Việc Tesla và Ford giảm giá bán dự kiến sẽ gây tổn hại cho những công ty mới nổi về xe điện như Rivian, Lucid Group và công ty khởi nghiệp Arrival của Anh.

Điều tương tự cũng diễn ra tại Arrival khi Reuters cho biết việc sa thải nhân sự tại startup này được đưa ra đã nhấn mạnh áp lực mà các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện gặp phải.

Reuters cho biết các công ty này có tham vọng phá vỡ ngành công nghiệp ô tô, song lại đang phải vật lộn để cắt giảm chi phí khi đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng và giá nguyên liệu thô tăng cao.

Không chỉ những startup, mà ngay cả nhiều công ty lâu đời trong lĩnh vực ô tô cũng phải đối mặt với bài toán khó khi gia nhập thị trường xe điện. Theo Bloomberg, dù chưa công bố các đợt sa thải như Rivian hay Arrival, nhưng ông lớn Ford cũng đã gặp không ít khó khăn khi lấn sân sang mảng xe điện, và những dấu hiệu mới nhất từ CEO Ford cho thấy công ty này không loại trừ khả năng sẽ cắt giảm nhân sự trong tương lai.

Chia sẻ trên sóng chương trình "Cars & Culture with Jason Stein” của đài SiriusXM, CEO Ford Jim Farley cho biết: “Chúng tôi cần thêm 25% số lượng kỹ sư so với hiện tại để thực hiện các tuyên bố công việc giống như các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi. Tôi không thể làm việc kém hiệu quả hơn 25%”.

CEO Ford cũng cho biết công ty cần cắt giảm chi phí khi chuyển hướng sang xe điện. Trong khi đó, giám đốc tài chính công ty John Lawler cũng cho biết sẽ có thêm nhiều nhân viên bị sa thải và công ty cần giảm chi phí sản xuất & bảo hành.

Anh Nguyễn