Ngành tôm sẽ 'sáng' trở lại năm 2019?
Kì vọng với đề án thúc đẩy xuất khẩu tôm
Ngày 28/12, Bộ Công Thương phê duyệt Đề án Xúc tiến thương mại và đấu tranh với rào cản thương mại về sản phẩm tôm giai đoạn 2018 - 2025.
Theo đó, mục đích của đề án này nhằm củng cố và mở rộng thị phần trên các thị trường xuất khẩu truyền thống (EU, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc), khai thác các phân khúc còn nhiều dư địa tại thị trừng này.
Đồng thời, đề án còn nhằm đa dạng hóa thị trường và tăng thị phần ở các thị trường đối tác của các hiệp định thương mại tự do và các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan…, quảng bá hình ảnh sản phẩm tôm Việt Nam.
Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất tôm, hiệp hội ngành hàng và tổ chức xúc tiến thương mại liên quan được cải thiện, đặc biệt về trình độ, kĩ năng nghiên cứu thị trường.
Ngoài ra, đề án còn hướng tới mục tiêu phòng tránh hoặc ứng phó hiệu quả hơn đối với rào cản về phòng vệ thương mại và kĩ thuật tại các thị trường xuất khẩu chính và các thị trường tiềm năng nhằm duy trì xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành tôm Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cũng ngày càng tăng trưởng mạnh. Đặc biệt trong năm 2017, ngành tôm Việt Nam chính thức đánh dấu bước tăng tăng trưởng bứt phá khi kim ngạch đạt trên 3,8% tỉ USD đồng thời thị trường tiêu thụ tăng từ 93 (năm 2016) lên 99 trong năm 2017.
Tuy nhiên, sang năm 2018, xuất khẩu tôm giảm 8% xuống còn 3,6 tỉ USD chủ yếu do sản lượng của các nước khác đồng loạt tăng khiến giá tôm thế giới giảm.
Xu thế này tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2019. Theo Cục Xuất nhập khẩu, lượng tôm các loại xuất khẩu tháng 1 đạt gần 26.600 tấn, trị giá 231,9 triệu USD, giảm 1,6% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với tháng 1/2018. Giá xuất khẩu tôm các loại tháng 1 trung bình ở mức 8,7 USD/kg, giảm 9,6% so với cùng kì năm ngoái.
Sự thay đổi trong tỉ trong xuất khẩu mặt hàng tôm theo giá trị giai đoạn 2017 - 2019. (Nguồn: VASEP)
Trung Quốc tiếp tục là thị trường trọng điểm năm 2019
Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỉ USD năm 2019, các doanh nghiệp ngành tôm đã đề ra những giải pháp chính.
Ngành tập trung nâng cao sức cạnh tranh của tôm Việt Nam. Bên cạnh sức ép từ Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu của Mỹ (SIMP), cạnh tranh mạnh với giá tôm nhập khẩu từ Ấn Độ, thuế chống bán phá giá là áp lực lớn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ và làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam.
Trước thực trạng đó, VASEP cho rằng với thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần đầu tư để tăng xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng không bị áp thuế chống bán phá giá, đồng thời đáp ứng tốt nhất chương trình SIMP để tạo sự khác biệt so với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần giải quyết các vấn đề về chất lượng theo Chứng nhận quốc tế. Thị trường Châu Âu chia làm hai xu hướng tiêu thụ: Khu vực Nam Âu và Đông Âu không có nhu cầu cao đối với sản phẩm tôm có chứng nhận ASC; Các khu vực còn lại lựa chọn sản phẩm tôm từ vùng nuôi có chứng nhận ASC.
Theo đó, các doanh nghiệp cần rà soát lại các sản phẩm tôm có chứng nhận ASC làm yếu tố chủ đạo để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU. Đồng thời tích cực tạo ra tâm lý tiêu dùng sản phẩm tôm có chất lượng hướng đến ASC.
Cuối cùng, doanh nghiệp định vị tích cực Trung Quốc là thị trường lớn, rất tiềm năng của tôm Việt Nam.
Trung Quốc ngày càng quan tâm nhiều hơn các sản phẩm có chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sự đa dạng về nhu cầu, quy cách chế biến, phương thức xuất khẩu cũng như tôm Việt Nam đang có lợi thế về ưu đãi thuế quan sẽ là các động lực thúc đẩy gia tăng xuất khẩu.
Xu hướng xuất nhập khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bằng đường biển đang gia tăng đáng kể với thời gian và chi phí hợp lý hơn, giảm thiểu nhiều rủi ro cũng như hạn chế trung gian.
VASEP cho rằng ngành tôm Việt Nam sẽ tăng cường xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển vào các thành phố lớn để tăng kim ngạch cho xuất khẩu tại Trung Quốc.
Cuối cùng, VASEP cho hay, với từng thị trường cụ thể, doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế từ hiệp định thương mại tự do, ngành tôm sẽ phấn đấu để EU trở thành thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam với kim ngạch 1 tỉ USD.
Nhóm 4 thị trường còn lại bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh tăng trưởng với kim ngạch cộng dồn đạt 3 tỉ USD.