Ngành tôm Ecuador lo lắng nhu cầu của Trung Quốc suy giảm
Hiện nước này đang nỗ lực mở rộng sang các thị trường xuất khẩu khác để tiêu thụ hết khối lượng tôm khổng lồ, theo Undercurrent News.
“Có thể thấy rõ một điều là nếu nguồn cung tiếp tục tăng lên đồng nghĩa với việc các quốc gia xuất khẩu tôm, đặc biệt là Ecuador và Ấn Độ vẫn chưa dừng việc đẩy mạnh sản lượng. Điều này có thể khiến giá sẽ vẫn duy trì ở mức thấp”, một hộ nuôi tôm của Ecuador cho biết.
Một thành viên hiệp hội nuôi tôm tại bang Manabi (Ecuador) nhận định nếu tình hình này kéo dài các hộ nuôi nhỏ lẻ hoặc những công ty vừa và lớn chưa tối ưu được chi phí sẽ gặp khó khăn.
Xuất khẩu tôm của Ecuador sang Trung Quốc liên tục tăng trong những năm gần đây. Hiện tỷ trọng tôm của Ecuador chiếm 60% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 375.591 tấn tôm từ Ecuador, tương đương 1,9 tỷ USD, tăng 40% về lượng nhưng chỉ tăng 16% về giá trị do đơn giá trung bình giảm 17% xuống 5,18 USD/kg.
Riêng trong tháng 6, lượng tôm xuất khẩu đạt 58.916 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đơn giá giảm 21% xuống 4,8 USD/kg.
“Chi tiêu của người dân Trung Quốc đã suy yếu, thị trường bất động sản khủng hoảng và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng vọt. Nhiều nơi khác cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự. Ngoài ra, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã gây nên mối đe doạ cho tăng trưởng kinh tế. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi vốn phụ thuộc nhiều vào khách hàng Trung Quốc”, giám đốc một công ty xuất khẩu thuỷ sản Ecuador cho biết.
Theo ông Jose Antonio Camposano, người đứng đầu phòng nuôi trồng thuỷ sản quốc gia của Ecuador, sự suy giảm trong tiêu dùng cùng với các yếu tố khác như chi phí vận hành tăng hoặc tình hình mất an ninh trong nước đã đẩy ngành tôm vào tình thế khó khăn hơn thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về tôm 2023, tổ chức tại TP HCM từ 24-26/7/2023, Coglitore, công ty chế biến tôm lớn thứ 2 Ecuador cho biết công ty phải điều chỉnh giá theo tình hình thực tế của thị trường. Sản xuất sẽ tạm dừng một thời gian cho đến khi thị trường phục hồi, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng tăng trở lại.
Ông Omarsa Sandro Coglitore, Tổng giám đốc công ty Coglitore cho biết hiện công ty đang chờ đợi sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu và thu nhập của người tiêu dùng cải thiện hơn.
Tuy nhiên, ông cũng tin rằng lượng tiêu thụ tôm của thế giới nếu Ecuador đẩy mạnh việc xuất khẩu hơn nữa.
“Nếu có thể chúng tôi muốn thiết lập một chiến dịch toàn cầu với sự tham gia của các quốc gia xuất khẩu tôm với mục tiêu nâng lượng tiêu thụ tôm bình quân đầu người lên ít nhất 0,5 pound vào năm 2024”, ông nói.