|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tổng Thư ký VASEP: Kỳ vọng xuất khẩu tôm năm 2023 có thể đạt gần 4 tỷ USD

20:43 | 22/07/2023
Chia sẻ
Thị trường đang có những dấu hiệu tốt hơn. Vấn đề của doanh nghiệp là làm sao cầm cự thêm một thời gian nữa để chờ đợi sự phục hồi của các thị trường, đi vào mùa lễ hội. Đại diện VASEP kỳ vọng rằng năm nay, mặc dù không đạt được mục tiêu 4 tỷ USD nhưng cũng xấp xỉ con số này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 328 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mức giảm này đã thấp hơn so với những tháng trước đó (tháng 3,4 và 5 ghi nhận giảm từ 28-35%).  Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 1,5 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

“Thị trường đang có những dấu hiệu tốt hơn. Vấn đề của doanh nghiệp là làm sao cầm cự thêm một thời gian nữa để chờ đợi sự phục hồi của các thị trường, đi vào mùa lễ hội. Kỳ vọng rằng năm nay, mặc dù không đạt được mục tiêu 4 tỷ USD nhưng cũng xấp xỉ con số này”, ông Trương Đình Hoè,Tổng Thư ký VASEP nhận định.

VASEP cho biết xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc & Hong Kong trong tháng 6 lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay với 59 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ sụt giảm cũng đã nhẹ dần kể từ tháng 3. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 239 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. 

Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc trong tháng 6 lại tiếp tục giảm hai con số. Theo đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 6 đạt 71 triệu USD, giảm 23% so với tháng 6/2022, đây cũng là mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Lũy kế nửa đầu năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 299 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ. VASEP kỳ vọng giá tôm nhập khẩu vào Mỹ đã tạo đáy và mức tiêu thụ tôm sẽ tăng vào dịp cuối năm.

Theo ông Hoè, thời gian qua, hàng tồn kho ở các thị trường lớn như Mỹ cũng đã bắt đầu vơi. Tỷ trọng nhập khẩu tôm mặc dù giảm so với năm 2022 nhưng qua các tháng, lượng nhập bắt đầu nhiều hơn.

“Trong tháng 4,5 chúng tôi bắt đầu nhận thấy nhu cầu của Mỹ tăng lên. Như vậy, khả năng lễ hội cuối năm sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu vào Mỹ và một số thị trường khác”. 

Với thị trường Trung Quốc, trong tháng 6 ghi nhận lượng tiêu thụ cũng rất mạnh. 

Những tháng đầu năm, sau khi họ bỏ Zero COVID thì lượng tôm Ecuador và Ấn Độ đổ vào rất lớn. Các địa phương như Quảng Đông, Chiết Giang, Sơn Đông, Phúc Kiến, Thiên Tân.. nhập tỷ trọng rất cao. 

6 tháng đầu năm họ nhập khẩu khoảng 2,8 tỷ USD trong khi cùng kỳ là 2,1 tỷ USD. Sản lượng 6 tháng là tăng gần 50% trong khi giá trị tăng 30%. Điều này chứng tỏ các quốc gia xuất khẩu lượng tôm rất lớn vào Trung Quốc với giá rẻ. Bình quân giá 6 tháng đầu năm nhập khẩu từ Ecuador là 6.4 USD/kg tuy nhiên, 6 tháng 2023 giá còn 5,34 USD/kg. 

“Qua số liệu của Trung Quốc, chúng tôi thấy rằng đa số họ nhập tôm nguyên liệu giá rẻ để về chế biến để tài xuất khẩu. Với sức ép giá rẻ như vậy tôm Việt Nam cần có thời gian để phục hồi mạnh mẽ”, ông Hoè nói.

Ông kỳ vọng rằng sau khi Ecuador đẩy mạnh hàng tồn kho giá rẻ kèm với việc thu hoạch bị hạn chế bởi thời thời tiết thì nguồn hàng của nước này trong những tháng cuối năm. 

Hiện nay các quốc gia Nam Bán Cầu đã hết vụ thu hoạch, trong khi đó các nước ở Bắc Bán Cầu như Việt Nam, Ấn Độ bắt đầu vào vụ thu hoạch. 

Trong khi đó, 6 tháng cuối năm được kỳ vọng là giai đoạn phục hồi và Ecuador mất đi lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, giá tôm thương phẩm trong nước đã giảm đến sát đáy, thấp ngoài mức dự tính.

Tình hình tôm nuôi Ecuador cũng đang khó khăn, có khoảng 10% hộ nuôi nhỏ đã treo ao vì giá bán thấp, thua lỗ. Chú ý là hộ nuôi nhỏ ở Ecuador là tương đương hộ nuôi trung bình khá của Việt Nam. 

Tình hình nuôi ở Ấn Độ cũng trong hoàn cảnh tương tự, dự kiến sản lượng tôm nuôi năm nay ở đây giảm 20-30% do người nuôi giảm thả giống. Giá tiêu thụ thế giới đã chạm đáy và ngoài sức chịu đựng của hộ nuôi ở tất cả các cường quốc nuôi tôm.

“Điều này cho thấy giá không thể giảm hơn nữa, đây cũng là nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán dự trữ hàng, đây cũng là nền tảng để tăng tiêu thụ, xuất khẩu”, ông Lực nhận định. 

Ông nói thêm bình thường trước đây, đầu quý III là cao điểm thu hoạch tôm của Việt Nam và Ấn Độ. 

Riêng Indonesia và Ecuador đã thu hoạch chính vụ sớm hơn. Nhưng theo tình hình hiện tại, sắp tới đây tôm thương phẩm trên lưu thông các nước đều giảm mạnh, vì giảm thả nuôi vừa qua và hiện nay hoặc cuối vụ. 

 

"Quý III tăng tốc của ngành thủy sản ta nói chung, của con tôm nói riêng. Các doanh nghiệp tôm chắc đều cảm nhận được tình hình và có sự chuẩn bị thấu đáo. Cảm nhận cá nhân tôi là doanh nghiệp có ý thức cho sự phát triển lâu dài, thể hiện qua hoạt động có bài bản, có chiến lược… sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn so với các doanh nghiệp chỉ lo toan hoạt động trong ngắn hạn", ông Lực nhận định. 

H.Mĩ