Ngành thép Trung Quốc đối mặt cú sốc kép
Cú sốc kép với ngành thép Trung Quốc
Đối với ngành thép của Trung Quốc, mùa đông năm nay đến sớm và khắc nghiệt hơn khi đối diện với cú sốc kép, bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và cuộc khủng hoảng bất động sản leo thang khiến nhu cầu và lợi nhuận ngành thép bốc hơi, theo Nikkei Asia.
Cụ thể từ cuối năm 2021, việc Trung Quốc siết thị trường bất động sản - lĩnh vực chiếm hơn một phần ba tiêu thụ thép của nước này đã khiến thanh khoản và doanh số bán hàng sụt giảm mạnh, nhiều người mua nhà từ chối trả các khoản vay thế chấp do bất bình với các dự án xây dựng bị đình trệ.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, 7 tháng đầu năm, doanh số bán nhà giảm 23,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đầu tư vào phát triển bất động sản cũng giảm 6,4%.
Ông Wu Xiuqing, Giám đốc điều hành cấp cao của công ty thép Hebei Xinda Iron and Steel cho biết: “Không có cách nào giúp ngành thép phục hồi khi thị trường bất động sản suy yếu. Trong nửa đầu năm nay, sản lượng thép cây – chủ yếu dùng cho xây dựng nhà ở đã giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Vị này dự báo tiêu thụ thép của ngành bất động sản sẽ giảm 5% trong năm nay, xuống còn 50 triệu tấn. Kể cả khi nhu cầu từ các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất ô tô gia tăng cũng khó có thể bù đắp cho sự sụt giảm này.
Cùng với đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và xáo trộn chuỗi cung ứng nội địa Trung Quốc. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thép của thế giới cũng suy yếu do căng thẳng Nga – Ukraine khiến kinh tế phục hồi chậm. Các chuyên gia cho rằng thị trường thép của Trung Quốc đang đối mặt với “cơn bão hoàn hảo”.
Theo dữ liệu của Mysteel vào ngày 22/7, hơn 80% trong tổng số 500 nhà máy thép của Trung Quốc đang hoạt động thua lỗ, trong khi đó bình quân tỷ suất lợi nhuận của 247 công ty được khảo sát đã giảm xuống còn 9,96%, thậm chí có thể về mốc thấp kỷ lục 4,29% vào tháng 12/2015 do tình trạng dư cung.
Ngay cả Tập đoàn Baowu, nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo về những thách thức ngành thép sẽ phải đối mặt, đó là cả doanh số, giá, lợi nhuận đều sẽ lao dốc.
"Đã đến lúc ngành thép chuẩn bị cho một mùa đông dài”, Chen Derong, Chủ tịch Baowu cho biết.
Báo cáo của Baowu cũng chỉ ra rằng thị trường thép có thể sẽ suy thoái mạnh hơn năm 2015 và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Ngoài khủng hoảng dư cung, lạm phát toàn cầu gia tăng và rủi ro địa chính trị cũng đẩy ngành thép Trung Quốc xuống hố sâu.
Theo Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) hiện năng lực sản xuất thép của Trung Quốc khoảng 1,2 tỷ tấn/năm trong khi tiêu thụ ở mức 1 tỷ tấn và 95% sản lượng thép được tiêu thụ trong nước.
Ông He Wenbo, Chủ tịch điều hành của CISA cho biết sự mất cân bằng về cung – cầu ở ngành thép Trung Quốc là vấn đề đã tồn tại từ lâu. Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng trong hơn hai thập kỷ khi nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.
Nước này vẫn là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới kể từ năm 1996 với mức kỷ lục 1,07 tỷ tấn vào năm 2020. Đồng thời, Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ thép số 1 thế giới, chiếm hơn 50% tổng sản lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông He Wenbo cho rằng giai đoạn huy hoàng của ngành thép Trung Quốc đã qua, nhu cầu thép đang có xu hướng giảm và buộc ngành này sẽ phải điều chỉnh.
Lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống theo chiều xoắn ốc
Cú sốc kép đã khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép đi xuống theo chiều xoắn ốc và kéo dài kể từ giữa tháng 3.
Theo thống kê của Mysteel, lợi nhuận ngành thép đã giảm mạnh. Ở thời điểm tháng 3 vẫn có 80% doanh nghiệp báo lãi thì đến tháng 7 chỉ còn 20%. Con số này đã phục hồi phần nào lên hơn 50% vào giữa tháng 8. Ngoài ra, chỉ có 5 trong số 25 công ty thép niêm yết trong nước ước tính lợi nhuận tăng trong nửa đầu năm.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với các nhà máy luyện và cán kim loại đen (thép thô). Theo đó, lợi nhuận của các nhà máy đã giảm 94%, từ 23,7 tỷ nhân dân tệ vào tháng 4 xuống còn 2,4 tỷ nhân dân tệ trong tháng 6. Trong khi đó, tồn kho thép đã tăng 50% so với đầu năm lên 16,95 triệu tấn vào cuối tháng 6.
Các nhà sản xuất thép cho biết đang bị mắc kẹt giữa chi phí nguyên liệu tăng và giá bán giảm. Cụ thể trong nửa đầu năm, giá nhập khẩu quặng sắt dao động ở mức cao 100-109 USD/tấn, trong khi giá than luyện cốc và than cốc đã tăng lần lượt 68% và 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, giá thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm từ 5.190 nhân dân tệ/tấn vào đầu tháng 4 xuống còn 3.683 nhân dân tệ/tấn vào ngày 2/9.
Các doanh nghiệp trong ngành lo lắng rằng nửa cuối năm 2022, thị trường thép Trung Quốc sẽ càng thêm bất ổn do chính sách kiểm soát COVID trong nước và suy thoái toàn cầu.
Trong bản tin triển vọng kinh tế thế giới tháng 7, tổ chức IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, từ 6,1% năm ngoái xuống 3,2% vào năm 2022, thấp hơn 0,4% so với dự báo tháng 4.
Tháng 8 vừa qua, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng đã hạ mức dự báo GDP năm 2022 của Trung Quốc từ 3,3% xuống 3%, trong khi Tập đoàn Nomura giảm triển vọng từ 3,3% xuống 2,8%.
"Điều quan trọng nhất lúc này là sống sót. Chúng tôi không thể mù quáng đặt cược sự sống vào sự phục hồi vì cơ hội quá thấp", một nhà kinh doanh thép nói.
Các nhà sản xuất thép tư nhân từng tất tay mở rộng công suất khi ngành thép bùng nổ, nay phải gánh áp lực lớn.
Li Ganbo, Chủ tịch doanh nghiệp thép Hebei Jingye Group cho biết: “Chúng tôi cần chuẩn bị cho kịch bản thua lỗ trong vòng 5 năm tới”.
Tăng sức cạnh tranh trên thị trường quặng sắt
Để chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn sắp tới, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất chính phủ đẩy nhanh quá trình cải tổ ngành thép, loại bỏ công suất lạc hậu, nâng cấp công nghệ và tiêu chuẩn môi trường.
Ngoài ra, các nhà chức trách đã có một số giải pháp kiểm soát nguyên liệu nội địa với kỳ vọng sẽ nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quặng sắt quốc tế. Trong đó, động thái quan trọng được nhắc đến vào cuối tháng 7 là thành lập một tập đoàn quặng sắt thuộc sở hữu nhà nước để tăng cường các khoản đầu tư cho khai thác và điều phối việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép cho các nhà máy.
Việc thành lập Tập đoàn tài nguyên khoáng sản Trung Quốc trị giá 20 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD) là một phần trong mục tiêu theo đuổi từ lâu của Trung Quốc nhằm nâng cao vị thế trên thị trường quặng sắt, vốn đã có sự thống trị của bốn gã khổng lồ, bao gồm Rio Tinto Group, BHP Group, Fortescue Metals Group và Vale.
Hiện, lãnh đạo của doanh nghiệp Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc đang tất bật đến thăm các nhà máy thép của nhà nước và tư nhân, các sàn giao dịch hàng hóa và các chủ hàng để củng cố mối quan hệ kinh doanh.