|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngành pin mặt trời tại Việt Nam: Chủ yếu là doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc, duy nhất một công ty nội

11:24 | 30/09/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, sự cạnh tranh trong ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam rất khốc liệt khi chỉ có duy nhất một công ty nội địa với thị phần ít ỏi, còn lại đều thuộc các công ty nước ngoài.

Ảnh minh họa: Daily Times.

Mới đây, Trina Solar (Trung Quốc) - một trong những công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời (NLMT) lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, dự kiến sẽ đầu tư 400 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam với diện tích 25 ha.

Dự kiến hoạt động sản xuất tại nhà máy mới sẽ bắt đầu vào năm 2025. Nếu hoàn thành, đây sẽ là nhà máy sản xuất pin NLMT thứ ba của Trina Solar tại Việt Nam, bên cạnh hai nhà máy của tập đoàn này tại Bắc Giang và Thái Nguyên.

Theo thống kê của người viết, số lượng nhà máy sản xuất tấm pin NLMT tại Việt Nam rất ít và đa số của các công ty Trung Quốc và Mỹ.

Đơn cử như First Solar, đây là nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng nổi tiếng đến từ Mỹ. Tập đoàn đang có 2 nhà máy tại huyện Củ Chi, TP HCM với tổng số vốn đầu tư 830 triệu USD (theo công bố của First Solar) trong 1,2 tỷ USD vốn cam kết đầu tư. 

Nhà máy Vina Solar đang đặt tại Khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang, công suất sản xuất mô-đun quang điện 4,5 GW, công suất sản xuất tế bào quang điện 1,8 GW.

Ban đầu đây là dự án do Công ty Năng lượng mới Ningbo Yize (Ninh Ba Yize) đầu tư. Đến năm 2020, Tập đoàn LONGi của Trung Quốc đã mua lại Vina Solar với giá 253 triệu USD.

Chủ tịch LONGi là ông Li Zhenguo cho biết, việc lựa chọn thị trường Việt Nam để mở rộng còn dựa trên các ưu thế về chi phí sản xuất quang điện và chi phí lao động thấp so với nhiều quốc gia khác.

Tại Bắc Giang, Tập đoàn JA Solar Investment (Hong Kong) Limitted đang thực hiện đầu tư 3 dự án tại các KCN Quang Châu và KCN Việt Hàn với tổng vốn đầu tư đăng ký là 589 triệu USD; đến tháng 4/2023 đã có 2 dự án đi vào hoạt động ở KCN Quang Châu.

Tập đoàn JA Solar đang thực hiện dự án JANE với tổng mức đầu tư 99 triệu USD sản xuất tấm tế bào quang điện tại KCN Việt Hàn. Theo kế hoạch, dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào vận hành thử vào tháng 6/2023.

Năm 2022, tổng doanh thu tại các dự án đầu tư của Tập đoàn JA tại tỉnh Bắc Giang đạt 37.428 tỷ đồng. Trong đó Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam doanh thu đạt 27.803 tỷ đồng, Công ty TNHH Ja Solar PV Việt Nam có doanh thu 9.625 tỷ đồng.

 

Canadian Solar đang đặt Nhà xưởng sản xuất pin NLMT tại Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng. Canadian Solar là tập đoàn có trụ sở chính tại Canada nhưng do ông chủ người Trung Quốc là Shawn Qu sáng lập vào năm 2001. Ông Shawn Qu hiện vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn.

Cũng tại Hải Phòng, một nhà máy sản xuất pin năng lượng tại Việt Nam khác là HT Solar. Dự án này do Haitech Holdings Co., Limited, UK Sun Chance Ltd và một nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, TP Hải Phòng. Tổng vốn đầu tư của dự án là 22 triệu USD. 

Nhà máy hiếm hoi hoàn toàn của Việt Nam là Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao tại thị xã Phú Mỹ, Vũng Tàu với tổng công suất lên tới 1 GWp. Dự án gồm hai hạng mục: Nhà máy năng lượng sạch và Trung tâm nghiên cứu - phát triển sản phẩm năng lượng tái tạo.  

Dự án này thuộc sở hữu của CTCP Năng lượng IREX (một thành viên của CTCP Phát triển Năng lượng mặt trời Bách Khoa – SolarBK) 100% vốn của Việt Nam.

Trả lời trên báo Thanh niên năm 2021, bà Nguyễn Thùy Ngân, Giám đốc truyền thông Solar BK cho biết công ty là doanh nghiệp nội địa duy nhất sản xuất pin NLMT và chỉ chiếm chưa tới 1% thị phần tại Việt Nam.

Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao của Solar BK - doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. (Ảnh: Solar BK).

Triển vọng của thị trường tấm pin năng lượng tại Việt Nam

Tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 diễn ra hồi tháng 6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong bối cảnh nguồn thủy điện đã khai thác tới 80% công suất và gần như không còn dư địa phát triển, nguồn nhiệt điện than phải tuân thủ theo những cam kết của Việt Nam trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thì năng lượng tái tạo (NLTT) như một giải pháp khắc phục nhanh tình trạng thiếu điện hiện nay, cũng như là nguồn cung cấp điện cốt lõi cho tương lai.

Cùng với việc tập trung vào NLTT, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu cho việc áp dụng điện mặt trời. Cụ thể, đến năm 2050, mục tiêu là 80% nhà máy và 20% nhà ở và tòa nhà văn phòng sử dụng NLMT áp mái để tiêu thụ tại chỗ, thay vì cung cấp điện dư thừa trở lại lưới điện.

Ông Chung Diệu Tuấn, Giám đốc điều hành CTCP Đầu tư Copper Mountain Energy Solar (CMES) cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng thị trường NLTT, đồng thời cho biết động lực thị trường này chính là nhu cầu lắp đặt NLMT trên mái nhà tăng cao trong các lĩnh vực sản xuất sử dụng vốn FDI tại Việt Nam, dẫn đầu là ngành điện tử/bán dẫn và dệt may.

Không riêng gì tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng các tấm pin NLMT trên thế giới cũng đang tăng cao đồng thời có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu.

Ngày 6/6/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố miễn thuế 24 tháng với các tấm pin NLMT nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhằm thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch trong nước.

Việt Nam là nhà xuất khẩu pin năng lượng mặt trời quan trọng đối với Mỹ trong nhiều năm trở lại đây, chiếm 3,4 tỷ USD Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu năm 2020.

Theo thông tin được đăng tải vào tháng 5/2022 trên trang vietnam-briefing.com của hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates, ngành công nghiệp sản xuất tấm pin NLMT tại Việt Nam đang phát triển, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn nước ngoài chuyên về sản xuất tế bào (solar cell) và mô-đun quang điện.

Sự cạnh tranh trong ngành vô cùng khốc liệt khi chỉ có duy nhất một công ty Việt Nam (IREX - công ty con của SolarBK), còn lại phần lớn đều là các công ty thuộc sở hữu nước ngoài, trong đó có Trung Quốc và Mỹ.

First Solar (Mỹ) đang là công ty làm pin mặt trời dẫn đầu thị phần tại thị trường Việt Nam với công suất sản xuất hằng năm lên đến 2,7 GW, vượt xa những đối thủ khác. Tập đoàn này đã cam kết đầu tư dài hạn tại thị trường Việt với số vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.

Số còn lại hầu hết thuộc các doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu/đầu tư, trong đó hai tập đoàn Trina Solar và JA Solar cũng chiếm thị phần lớn trong việc cung ứng tấm pin mặt trời tại Việt Nam.

Tháng 11/2022, Ấn Độ - thị trường tỷ dân với nhu cầu sử dụng NLTT đang gia tăng, đã chấm dứt cuộc điều tra chống bán phá giá đối với việc nhập khẩu pin mặt trời từ ba nước, trong đó có Việt Nam.

Mới đây nhất, ba nguồn tin trong chính phủ Ấn Độ tiết lộ với Reuters rằng, để bù đắp cho sự thiếu hụt sản lượng trong nước, Ấn Độ đang xem xét hạ thuế nhập khẩu pin mặt trời xuống còn một nửa. Quốc gia này cũng đang tìm cách giảm thuế hàng hóa và dịch vụ đối với những linh kiện trên. Quyết định điều chỉnh này sẽ tạo ra đòn bẩy xuất khẩu cho nhiều công ty NLMT từ các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam.

Minh Hằng

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.