DIC Corp muốn lấn sang mảng năng lượng, đề xuất đầu tư nhà máy điện rác ở Bà Rịa - Vũng Tàu
HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - Mã: DIG) vừa quyết định thành lập Ủy ban Phát triển bền vững trực thuộc Hội đồng quản trị (HĐQT).
Đây là đơn vị chuyên trách, có chức năng tham mưu, đề xuất cho HĐQT DIC Corp về chiến lược, kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo, thực hiện các công tác liên quan đến lộ trình chuyển đổi thực hành ESG, tức là môi trường (Environmental), xã hội (Social), và quản trị (Governance); Tham vấn cho các bên liên quan, triển khai thực hiện ESG tại DIC Corp.
Đối với công tác triển khai ESG, Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng và báo cáo ESG thường niên, giám sát, đánh giá, điều chỉnh ESG; thực hiện các chính sách, phương pháp để triển khai và thực thi phát triển bền vững tại DIC Corp; thông qua sự phối hợp liên ngành trong và ngoài công ty để xác định rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp…
Đối với dự án năng lượng, Ủy ban sẽ tổ chức nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch, kế hoạch phát triển dự án năng lượng, ứng dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trình HĐQT xem xét, phê duyệt.
Bên cạnh đó, Uỷ ban sẽ tham vấn phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, trước mắt là nghiên cứu đề xuất đầu tư nhà máy điện rác trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, đề án xây dựng phát triển dự án năng lượng; tham vấn, thực hiện công tác thẩm tra, thiết kế, xây dựng các công trình năng lượng tại các dự án do DIC Corp làm chủ đầu tư…
Về cơ cấu tổ chức, bộ máy của Ủy ban Phát triển bền vững, ông Đinh Hồng Kỳ - Thành viên độc lập HĐQT được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch. Bà Đào Thanh Xuân - Người phụ trách quản trị DIC Corp đảm nhiệm chức vụ thành viên. Ông Lê Kim Chi giữ vị trí thành viên.
Trước đó, hồi tháng 6, DIC Corp đã thành lập Ủy ban Đầu tư trực thuộc HĐQT, cựu Tổng giám đốc Hoàng Văn Tăng được chọn làm Chủ tịch đơn vị này.
Ủy ban đầu tư là bộ phận hoạt động chuyên trách, có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động của HĐQT với các nhiệm vụ chính là xác định các chiến lược, kế hoạch phát triển trung và dài hạn; thông qua các đề xuất về nghiên cứu đầu tư, chủ trương đầu tư, quy định nội bộ về công tác đầu tư các dự án.
Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ còn đại diện theo uỷ quyền thường xuyên của HĐQT làm việc với các cơ quan cấp cao từ Trung ương đến địa phương để triển khai các công việc quan trọng liên quan đến công tác đầu tư, pháp lý dự án đầu tư. Ủy ban Đầu tư cũng sẽ tham mưu giải quyết khủng hoảng truyền thông liên quan đến công tác pháp lý đầu tư, kinh doanh bất động sản - lĩnh vực hoạt động chính của DIC Corp.
Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, DIC Corp ghi nhận doanh thu 359 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 86 tỷ đồng, lần lượt giảm 67% và 40% so với với cùng kỳ.
Năm nay, DIC Corp đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng, lần lượt gần gấp đôi và gấp 7 lần thực hiện năm 2022. Như vậy, công ty còn cách rất xa mục tiêu đề ra.
Lãnh đạo DIC Corp dự báo năm 2023 là một năm tiếp tục nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trong đó, hành trình để đáp ứng đủ điều kiện được giao đất, huy động vốn và bán hàng rất gian nan, mất nhiều thời gian, theo đó chủ đầu tư phải có năng lực tài chính mạnh, phải bỏ ra nguồn tiền đáng kể mới có thể được bán hàng để tái đầu tư. Trong khi đó, sức mua bất động sản năm 2023 được đánh giá là rất yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Một trong các định hướng năm 2023 của DIC Corp đưa ra là phải ưu tiên triển khai đầu tư các công trình nhà ở xã hội tại các dự án của công ty.