|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng như thế nào bởi COVID-19?

06:30 | 09/03/2020
Chia sẻ
Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến hết 19/2 đã giảm 0,28% so với cuối năm 2019 và giảm 0,37% so với cuối tháng 1/2020, con số này là bằng chứng rõ ràng nhất trước ảnh hưởng bởi COVID-19.
Ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng như thế nào bởi COVID-19? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: VPBank).

Dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán – Trung Quốc hồi tháng 12/2019. Tính đến nay đã lan rộng ra 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 100.000 ca mắc bệnh, hơn 3.300 người đã tử vong. 

Với kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 2 lần GDP, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới. Do vậy, cũng không khó hiểu khi nhiều ngành nghề sản xuất, dịch vụ trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, khi đối mặt với những yếu tố khó khăn từ đầu vào đến đầu ra, và cả các vấn đề về vận tải, logistic. 

Đứng trước bối cảnh đó, Chính phủ đã và đang cố gắng đưa ra các biện pháp, chỉ đạo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó ngành ngân hàng được gửi gắm đóng vai trò “đi đầu” trong chuỗi một loạt các chính sách hỗ trợ các ngành nghề kinh tế chịu ảnh hưởng bởi COVID-19

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, gặp khó khăn qua các hình thức: giảm lãi vay, giãn thời gian đáo hạn, không dịch chuyển nhóm nợ đối với dư nợ tín dụng cũ. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống ngân hàng là gói tín dụng hỗ trợ vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5% - 1,5%.

COVID-19 tác động như thế nào đối với ngành ngân hàng qua các con số?

Cuối tháng 2 vừa qua, một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay. Cần lưu ý đây chỉ là những con số ban đầu, và sẽ được NHNN linh hoạt điều chỉnh căn cứ trên bối cảnh chung nhu cầu tín dụng toàn hệ thống, cũng như nguyện vọng của các ngân hàng. 

Trên cơ sở các con số hạn mức tăng trưởng tín dụng của một các ngân hàng được giao, ước lượng tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2020 vào khoảng 10% đã phần nào cân đối trước tác động bởi COVID-19, cũng như áp dụng cho một kịch bản cơ sở là hết quí I/2020 dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. 

Con số 10% đã giảm khá nhiều so với con số kế hoạch hồi đầu năm của trong Hội nghị triển khai kế hoạch của ngành ngân hàng năm 2020. 

Ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng như thế nào bởi COVID-19? - Ảnh 2.

Nguồn: Nathan Vũ tổng hợp.

Báo cáo của các ngân hàng cho biết có khoảng 900.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng (tương đương 11% tổng dư nợ tín dụng) của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và có thể sẽ được cơ cấu lại mà không chuyển nhóm nợ. 

Do vậy, trước mặt sẽ chưa có nhiều ảnh hưởng đến các con số về cả doanh thu lãi thuần hay phát sinh tăng nợ xấu báo cáo nội bảng, trong bối cảnh thực tế các doanh nghiệp đi vay chưa thể thực hiện các nghĩa vụ đúng kì hạn với ngân hàng. 

Nhưng cần lưu ý rằng sẽ có khoảng 9.000 tỉ đồng lãi phải thu phát sinh trong năm 2020 với trường hợp chính sách hỗ trợ đến hết năm, với giả định lãi vay đầu ra trung bình khoảng 10%.

Đối với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng tương đương với 3% tổng dư nợ tín dụng của toàn ngành (hay tương đương với khoảng 25% - 30% dư nợ tín dụng phát sinh mới), sẽ tác động âm trực tiếp đến tỉ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của các ngân hàng cùng tham gia. 

Nhìn chung, với tỉ trọng gói hỗ trợ tín dụng là thấp, không đáng kể so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống thì mức ảnh hưởng sẽ là không nhiều với các ngân hàng, Chưa kể, đi đầu trong gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng sẽ là BIDV, ngân hàng dự kiến chiếm 40% gói hỗ trợ tín dụng này. Hết năm 2019 tổng dư nợ tín dụng BIDV đạt 1,1 triệu tỉ đồng chiếm gần 14% thị phần toàn ngành.

Tác động xa hơn của COVID-19 với ngành ngân hàng sẽ như thế nào?

Số liệu từ NHNN cho thấy dư nợ tín dụng tính đến hết 19/2 đã giảm 0,28% so với cuối năm 2019 và giảm 0,37% so với cuối tháng 1/2020. Con số này thực tế đã là bằng chứng rõ ràng nhất trước ảnh hưởng bởi COVID-19. 

Như vậy với giả định hạn mức tăng trưởng tín dụng 10% trong năm 2020 tuy đã được điều chỉnh phần nào nhưng đã gặp ngay thách thức từ đầu năm và liệu có gặp khó trong các tháng tiếp theo? 

Sẽ có những thách thức đáng kể cho tăng trưởng tín dụng còn tiếp tục trong năm 2020.

Thứ nhất con số chịu ảnh hưởng sẽ khó dừng ở 900.000 tỉ đồng, khi hiện nay COVID-19 tiếp tục lan rộng sang các đối tác kinh tế quan trọng khác của Việt Nam từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến EU và Mỹ. 

Thứ hai, tín dụng cá nhân và SME trong mấy năm vừa qua được coi là chìa khó tăng trưởng với hầu hết các ngân hàng. Liệu đã đủ sức hồi phục ngay sau khi dịch COVID-19 tan đi. Trước bối cảnh khá nhiều những doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang rao trả mặt bằng trên những con phố kinh doanh sầm uất ở cả Gà Nội và TP HCM. 

Thứ ba, liệu nhóm bất động sản có thể được cơi nới tín dụng mới? Sau lá thư cầu cứu của một doanh nghiệp lớn trong ngành, khó khăn đang dần được hỗ trợ, tháo nút thắt ở một vài vấn đề tồn động về hành chính nhưng để tín dụng trở lại với nhóm bất động sản sẽ vẫn là vấn đề thời gian và những động thái rõ ràng hơn từ thượng tầng.

Kì vọng ở các ngân hàng "khoẻ mạnh" sẽ vượt qua khó khăn COVID-19

Tại đại hội cổ đông năm 2020 mới được BIDV tổ chức, Chủ tịch ngân hàng này có chia sẻ tín dụng hai tháng đầu năm 2020 là giảm 2% so với cùng kì với thị phần tín dụng lớn, rõ ràng BIDV là cái tên chịu ảnh hưởng đáng kể từ COVID-19

Giả sử hết tháng 2/2020, dư nợ tín dụng toàn hệ thống vẫn duy trì giảm (-0,28%), kết hợp với con số công bố tăng trưởng tín dụng của riêng BIDV thì nhóm các ngân hàng còn lại sẽ có tổng dư nợ tín dụng giảm khoảng 0,138% trong 2 tháng đầu năm. 

Trong đó, ít nhiều sẽ có một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng dương, với đặc thù nhóm khách hàng vẫn duy trì tín dụng mới cao - đặc biệt nhóm tư nhân, tập trung mạnh ở phân khúc khách hàng cá nhân. Cho đến hết quí I/2020 sẽ là khá tích cực nếu tăng trưởng tín dụng đổi chiều tăng trở lại 1%.

Ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng như thế nào bởi COVID-19? - Ảnh 2.

Xa hơn và có độ trễ thay vì tức thời như tăng trưởng tín dụng. Một yếu tố quan trọng của ngành ngân hàng cần đặc biệt lưu ý đó là chất lượng tài sản của các ngân hàng, có quan hệ vô cùng mật thiết với chi phí trích lập dự phòng hàng năm, một yếu tố có tác động nhạy cảm lên lợi nhuận của các ngân hàng. 

Chất lượng tài sản nếu chỉ nhìn con số 900.000 tỉ dư nợ tín dụng đang chịu ảnh hưởng của các doanh nghiệp, thì sẽ chưa thực sự đầy đủ, cũng như thực tế đã đề cập phía trên là còn tăng. Nhưng khi độ trễ cho các khoản nợ đáo hạn đẩy lùi về sau, không chỉ riêng dịch vụ/du lịch, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng sản xuất, chế biến đối bắt bài toàn thiếu hụt hàng tồn kho để sản xuất. 

Về cơ bản chính sách không chuyển nhóm nợ khó mà được mở rộng về mặt thời gian, vì thực tế các khoản vay chính phủ đâu có bảo lãnh. Chất lượng tài sản ngân hàng sẽ chịu những cú huých nhất định và yêu cầu các ngân hàng phải có sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. 

Đối mặt với tình hình không phải đối tượng vay vốn nào cũng sẽ hồi phục trở lại sau dịch, hay nói bi quan là sẽ có cơ số các “con nợ” phá sản, ở mức độ nào sẽ cần thêm các quan sát và đánh giá linh hoạt với từng danh mục cho vay của ngân hàng và gói trái phiếu doanh nghiệp. 

Với tình hình hiện tại thực sự thách thức với các ngân hàng phụ thuộc vào việc tối giản chi phí trích lập dự phòng để tạo tăng trưởng lợi nhuận cao. Kể cả với các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, thì trong bối cảnh hiện tại thực sự tạo nên bài kiểm tra chất lượng với nguồn lực trích lập dự phòng. 

Ngược lại, các ngân hàng luôn có thói quen quyết liệt, thường xuyên trích lập dự phòng mạnh mẽ thì sẽ phần nào giảm bớt những lo lắng khi ít nhiều có những khoản để dành nhất định. 

Nathan Vũ

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.