|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngành ngân hàng 2020: Lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ biến động ra sao?

16:07 | 16/01/2020
Chia sẻ
Theo SSI Research, lãi suất huy động có xu hướng giảm trong năm 2020 và chỉ có số ít ngân hàng sẽ phải nâng lãi suất dưới áp lực huy động thêm vốn dài hạn để đáp ứng Thông tư 22.

Sẽ có số ít ngân hàng tăng lãi suất để cạnh tranh huy động

Báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho ước tính rằng lãi suất huy động ngắn hạn trung bình sẽ giảm trong năm 2020. Điều này là do đợt cắt giảm lãi suất gần đây vào tháng 11, khi mức trần lãi suất đã giảm từ 1% xuống còn 0,8%/ năm đối với tiền gửi không kì hạn và kì hạn dưới 1 tháng và từ 5,5% còn 5%/năm đối với kỳ hạn 1-6 tháng.

Cùng với đó, lãi suất huy động dài hạn tại các ngân hàng vốn cấp hai lớn sẽ giảm khoảng 50 - 100 điểm. Áp lực tăng tiền gửi có thể giảm bớt do triển vọng tăng trưởng tín dụng thấp hơn vào năm 2020 và việc bổ sung tiền gửi dài hạn gần đây mà đã làm tăng lãi suất huy động vào tháng 11/2019. 

Ngoài ra, thanh khoản trên thị trường có thể dồi dào nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài (FDI, FII) và kiều hối sẽ vẫn ổn định trong bối cảnh nới lỏng chính sách tiền tệ tiếp diễn trên nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sẽ có một số ít các ngân hàng ngoại lệ tăng lãi suất để cạnh tranh về mặt huy động.

Theo nhận định của SSI Research, một số ngân hàng sẽ chịu áp lực huy động thêm vốn dài hạn để giảm tỉ lệ này dưới ngưỡng 37% vào ngày 1/10/2020 theo Thông tư 22, điều này chắc chắn sẽ làm tăng chi phí huy động.

Theo lộ trình của Thông tư này, tỉ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được giảm dần theo lộ trình từ mức 37% kể từ ngày 1/10/2020 xuống 34% kể từ ngày 1/10/2021 và xuống còn 30% kể từ ngày 1/10/2022. 

Mặc dù tỉ lệ này toàn hệ thống tại quí III/2019 trung bình là 27,3%, thấp hơn mức trần hiện tại là 40%, nhưng có một số ngân hàng niêm yết như Techcombank, HDBank, LienVietPostBank và nhiều ngân hàng nhỏ chưa niêm yết có tỉ lệ này ở mức cao. 

Ngành ngân hàng 2020: Lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ biến động ra sao? - Ảnh 1.

Nguồn: Số liệu các ngân hàng, SSI Research.

Trong khi đó, Thông tư 30 cho phép một số ngân hàng được cắt giảm 50% tỉ lệ dự trữ bắt buộc nếu được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Qui định này sẽ có hiệu lực kể từ tháng 3/2020 và sẽ có lợi cho các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank (hỗ trợ VNCB), VietinBank (hỗ trợ OceanBank và GPBank) và HDBank (đang chờ sáp nhập với PG Bank) về việc giảm chi phí huy động.

Sự phân hoá về NIM giữa các ngân hàng

Từ những dự báo về biến động lãi suất trên, các chuyên gia của SSI cũng cho rằng tỉ lệ lãi cận biên (NIM) sẽ có sự phân hoá giữa các ngân hàng. 

Cụ thể, NIM sẽ cải thiện đối với các ngân hàng có hoạt động kinh doanh tài chính tiêu dùng như VPBank, HDBank, MBBank và TPBank, do nhu cầu đã phục hồi từ năm 2019 và duy trì ổn định vào năm 2020. 

Báo cáo đưa ra ước tính thu nhập lãi ròng (NII) từ Top 11 ngân hàng hàng đầu sẽ tăng 21,4% vào năm 2019 và 16,4% vào năm 2020. Các dịch vụ bán lẻ bao gồm bancassurance và dịch vụ thanh toán sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2020. 

Trong năm 2019, thị phần của kênh bancassurance ước tính tăng lên 16,5% trong quí IV/2019. Trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 24,5% so sới cùng kì năm trước, đồng thời, kênh bancassurance đã đóng góp 15,8% tổng doanh thu phí bảo hiểm tại thị trường Việt Nam, tăng đáng kể so với khoảng 12% trong năm 2018. 

Diệp Bình