Ngành học giúp các CEO gốc Ấn làm nên chuyện trên đất Mỹ: Hơn 2 triệu người cùng thi nhưng chỉ 16.000 người được chọn
Tuần qua, khi ông Parag Agrawal chính thức trở thành người kế nhiệm Jack Dorsey tại Twitter, thung lũng Silicon lại chào đón một vị lãnh đạo được sinh ra tại Ấn Độ. "Đây có phải là virus CEO của người Ấn Độ? Không có vắc xin nào ngăn chặn điều này", tỷ phú Anand Mahindra, người lãnh đạo Mahindra Group hài hước nhận xét.
Kể từ khi làn sóng sinh viên tốt nghiệp từ các Viện công nghệ Ấn Độ (IIT) - những trường cao đẳng kỹ thuật hàng đầu của đất nước được chính phủ tài trợ - bắt đầu đến Thung lũng Silicon vào những năm 1980 để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn, họ đã phá vỡ các rào cản ở Mỹ, theo South China Morning Post.
Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như Sundar Pichai, CEO Google và công ty mẹ Alphabet; CEO Microsoft Satya Narayana Nadella; CEO IBM Arvind Krishna; CEO Adobe Shantanu Narayen; và CEO NetApp George Kurian.
Sự cạnh tranh gay gắt trong các kỳ thi đại học giúp tạo ra những nhân tài
Những câu chuyện thành công này đã khiến nhiều người thay đổi cái nhìn về người Ấn Độ. Cùng với đó, rất nhiều lời giải thích và giả thuyết đã được đưa ra. Một chuyên gia người Ấn Độ cho biết: "Các sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật Ấn Độ bắt đầu đến Mỹ vào cuối những năm 1980 để lấy bằng thạc sĩ về khoa học máy tính và điện tử.
Sự gia tăng số lượng này đồng nghĩa với việc giảm số lượng người Mỹ theo học ngành kỹ thuật và khoa học máy tính. Đó là lý do tại sao phần lớn các chuyên gia công nghệ thông tin ở Mỹ là người Ấn Độ."
Trong khi tất cả CEO này đều đã đi theo quỹ đạo của riêng họ để vươn tới đỉnh cao, một số yếu khác có thể được phát hiện trong hành trình giúp họ đứng đầu những gã khổng lồ trong ngành công nghệ.
Sự tập trung vào toán học và khoa học ngay từ khi còn nhỏ có liên quan đến hành trình này. Nhiều bậc cha mẹ Ấn Độ hướng con cái theo học những môn học này một cách nghiêm túc vì chúng là con đường an toàn nhất để dẫn đến thành công. "Parag luôn thích máy tính và ô tô. Toán học là sở trường của thằng bé", mẹ của tân CEO Twitter chia sẻ.
Ở một đất nước có tới 1,3 tỷ dân, sự cạnh tranh đang trở nên gay gắt. Chỉ một số ít mới có khả năng thi đỗ ITT. Năm nay, khoảng 2,2 triệu học sinh đăng ký tham dự kỳ thi đầu vào, nhưng chỉ có 16.000 người được chọn.
Ashok Alexander, một cựu đối tác của McKinsey cho biết: "Sự nghiêm ngặt của IIT vượt xa MIT (viện công nghệ Mỹ). Việc này đóng một vai trò rất lớn trong quá trình phát triển của các CEO". Tân CEO Twitter từng là một trong những học sinh xuất sắc nhất ở bang Maharashtra và đã thi đỗ IIT Mumbai.
Một người bạn học cũ của Agrawal nói với các phóng viên rằng thành tích học tập của ông rất xuất sắc, thậm chí ngay cả khi đứng chung nhóm với những người giỏi, ông vẫn là cái tên nổi bật.
Điều kiện sống thiếu thốn tại Ấn Độ kích thích sự sáng tạo
Hàng năm, các nhà tuyển dụng trong đã dựa vào IIT của Ấn Độ để tìm kiếm những sinh viên ưu tú nhất. Năm nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp đã được giới thiệu việc làm tại Ấn Độ với mức lương khởi điểm hơn 20 triệu rupee (266.500 USD) mỗi năm.
Các trường đại học cũng là cơ sở săn tìm lý tưởng cho các công ty đa quốc gia của Mỹ và hoạt động như một "trường trung cấp" hoàn hảo cho các công ty công nghệ lớn nhất tại Thung lũng Silicon.
Ajay Lavakare, người rời IIT Delhi đến Thung lũng Silicon vào cuối những năm 1980 cho biết các kỹ năng phân tích và kỹ thuật được giảng dạy ở trường đại học cũng như nền giáo dục toàn diện là lý do tại sao rất nhiều người Ấn Độ đứng đầu các công ty trong danh sách Fortune 500.
Ở một đất nước mà 25% người dân thuộc tầng lớp ngèo, với tình trạng thiếu nước và thiếu điện, người dân Ấn Độ đã quen thích nghi với những môi tường khắc nghiệt. Một môi trường như vậy sẽ kích thích sự đổi mới.
Người Ấn Độ có một từ để chỉ khả năng giải quyết vấn đề với sự khéo léo và nguồn lực rất hạn chế, "jugaad". Theo cách nói hiện đại, nó được dịch sang tiếng Anh bằng từ "hack".
Khái niệm về "jugaad" đã được nhiều chuyên gia kinh doanh khám phá, bao gồm cuốn sách Jugaad Innovation, trong đó các tác giả Navi Radjou, Jaideep Prabhu và Simone Ahuja khám phá cách làm linh hoạt, hiệu quả hơn với nguồn lực hạn chế đã giúp các doanh nghiệp tạo ra sự tăng trưởng đột phá khi tài nguyên thế giới dần cạn kiệt.
Trong một bài báo năm 2016 trên tạp chí Đánh giá Đổi mới Xã hội của trường Stanford, học giả Jamal Boukouray đã ủng hộ việc áp dụng "jugaad" trong lãnh đạo đổi mới xã hội.
"Những gì các công ty hiện đại cần ngày nay là một CEO hoàn toàn mới, những người ăn, thở, nói và chủ yếu hành động một cách tiết kiệm trong hệ sinh thái của họ, đồng thời có thể suy nghĩ rộng rãi về tiềm năng lớn hơn của tổ chức", theo nội dung bài báo.
Lavakare cho biết khi làm việc ở Thung lũng Silicon cách đây ba thập kỷ, anh không hề có người hướng dẫn, mặc dù anh đã lấy cảm hứng từ nhiều hình mẫu, chẳng hạn như Vinod Khosla, đồng sáng lập Sun Microsystems và Sabeer Bhatia, người sáng lập Hotmail.
Theo Lavakare, trong nhiều năm, một hệ thống hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng đã xuất hiện. Thế hệ người Ấn Độ đầu tiên thành công trong ngành công nghiệp này rất muốn giúp đỡ những người đi sau để họ có thể tránh được những rủi ro. Kết quả là một hệ sinh thái gồm các doanh nhân đã cố vấn và tài trợ cho các công ty khởi nghiệp.
Dù vậy, khi thế hệ mới của Ấn Độ dần đạt được những thành công nhất định, một vấn đề mới lại xuất hiện. Từ Agrawal đến Pichai và Nadella, phần lớn CEO gốc Ấn Độ ở Mỹ đều là nam giới. CEO Vimeo Anjali Sud, CEO Flex's Revati Advaithi và CEO Arista Networks Jayashree Ullal là số ít phụ nữ Ấn Độ hoạt động trong ngành.
Dù vậy, ở đâu đó trong số các IIT Ấn Độ, chắc chắn có những chuyên gia trẻ, sáng tạo đang tìm cách phá vỡ giới hạn ở Thung lũng Silicon.