|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành gạo Campuchia gần như chắc chắn sẽ chịu thuế quan từ EU

08:07 | 10/01/2019
Chia sẻ
Ngành gạo Campuchia đang đối mặt với rủi ro khi Ủy ban châu Âu (EC) gần như chắc chắn triển khai các biện pháp tự vệ đối với xuất khẩu gạo từ Campuchia và Myanmar từ giữa tháng 1 trở đi, Khmer Times trích dẫn một nguồn tin quen thuộc vấn đề này cho biết.

Các biện pháp dự kiến sẽ lên đến đỉnh điểm trong việc áp thuế thoái lui, bắt đầu với 175 euro/tấn vào ngày 15/1, 150 euro/tấn một năm sau đó và 125 euro vào năm thứ ba.

"Tôi không muốn tiết lộ nhưng chúng tôi đã biết EC sẽ thực hiện điều khoản tự vệ có hiệu lực ngay lập tức đối với các loại mã hải quan của gạo.

Điều này ảnh hưởng đến gạo với ti lệ lớn hơn ba (không phải gạo tấm), trong khi loại gạo có tỉ lệ dưới ba được phép tiếp cận thị trường. Đây là một tin xấu đối với Campuchia vì chất lượng duy nhất chúng tôi có thể xuất khẩu là gạo tấm, và tất cả loại gạo khác đều phải chịu thuế", theo nguồn tin giấu tên.

Thuế quan sẽ chỉ áp dụng cho gạo Indica xay từ Campuchia và Myanmar với mã CN 1006 30 27, 1006 30 48, 1006 30 67 và 1006 30 98, Khmer Times cho biết.

Theo Confagricoltura, một tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp nông nghiệp Italy, một thủ tục bằng văn bản để kích hoạt thuế quan đã bắt đầu vào ngày 4/1 sau phán quyết treo một tháng trước đó khi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) không đồng ý về việc áp thuế. Do đó, EC được giao nhiệm vụ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này vào ngày 15/1.

Tháng 3/2018, EC đã mở một cuộc điều tra để xác định xem liệu nhập khẩu gạo Indica sơ chế và xát thường từ Campuchia và Myanmar có gây khó khăn nghiêm trọng cho các nhà sản xuất những sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh của EU hay không.

"Trong điều khoản bảo hộ này, Campuchia thiệt hại lớn vì EC áp thuế đối với tất cả loại gạo có tỉ lệ lớn hơn ba, nghĩa là chỉ gạo tấm mới có thể được miễn thuế. Bất cứ loại gạo nào với tỉ lệ trên ba sẽ bị đánh thuế.

Myanmar đã xuất khẩu gạo tấm chủ yếu sang EU, chiếm 70 - 80% lượng xuất khẩu của họ sang EU, trong khi Campuchia không xuất khẩu gạo tấm vì gạo của chúng tôi không cạnh tranh. Gạo tấm của chúng tôi chủ yếu được bán ở thị trường nội địa vì nó có giá cao hơn", nguồn tin cho biết.

nganh gao campuchia gan nhu chac chac se chiu thue quan tu eu
Ảnh minh họa.

Dữ liệu từ Ban thư ký dịch vụ xuất khẩu một cửa cho thấy từ trong 11 tháng đầu năm 2018, Campuchia đã xuất khẩu 497.420 tấn gạo, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu gạo năm 2017 đã tăng 17,21% lên 635.325 tấn, với tổng số trị giá 333,1 triệu USD.

Xuất khẩu gạo Campuchia năm 2017 chiếm 1,6% xuất khẩu gạo toàn cầu, theo cổng thông tin nghiên cứu World’s Top Exports. Cũng trong 2017, Campuchia là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 9 trên thế giới, trong khi Myanmar giữ vị trí thứ 10.

Thuế quan là điều không tránh khỏi

Các nhà quan sát lập luận rằng, không giống như đề xuất rút Campuchia khỏi chương trình miễn thuế mọi thứ trừ vũ khí (EBA), việc áp thuế gạo không có động cơ chính trị.

"Chúng tôi chắc chắn không thể cứu được vấn đề lúa gạo nhưng vẫn hy vọng có thể tránh được việc thu hồi EBA. Chúng dường như là những vấn đề riêng biệt. Không giống như việc thu hồi EBA, không có thời gian ân hạn cho các biện pháp bảo vệ", Khmer Times trích dẫn nguồn tin.

Hôm 9/1, Khmer Times đưa tin các nhà xuất khẩu địa phương phàn nàn dữ dội vì sự thiếu rõ ràng về chính sách gây ra sự chậm trễ trong việc vận chuyển, với nhiều người mua không muốn tiếp tục trao đổi.

Chan Sokematng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Signatures of Asia, cho biết nếu EU kích hoạt thuế quan, nhiều người mua có thể hủy đơn đặt hàng của họ, gây thiệt hại cho ngành lúa gạo.

Về vấn đề này, nguồn tin cho biết không nên áp dụng thuế nhập khẩu đối với các lô hàng đang trên đường tới EU vào ngày thực thi quy định.

Tổng giám đốc thương mại của EC cho biết một vận đơn với thời gian trước ngày thuế quan có hiệu lực có thể được sử dụng để chứng minh gạo đã trên đường vận chuyển", theo nguồn tin.

Lyly Cao