Ngành điều Đồng Nai đối mặt nhiều thách thức
Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có trên 36 ngàn hécta điều, giảm gần 14 ngàn hécta so với năm 2010. Nông dân vẫn đang tiếp tục chặt bỏ cây điều để chuyển sang những cây trồng khác hiệu quả hơn. Đây là một nghịch lý vì cây điều là một trong số ít những mặt hàng nông sản của Việt Nam có ngành chế biến phát triển.
* Lại lo mất mùa điều
Ông Lê Văn Niêm, nông dân ở xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) lo lắng, vào vụ điều ra bông, đậu trái, thời tiết trở lạnh, sáng sớm xuất hiện sương mù ảnh hưởng lớn đến việc ra bông, đậu trái của cây điều. Nhiều cây điều xuất hiện tình trạng khô bông, khô đọt. Dù nông dân đã tập trung chăm sóc, xử lý nhưng dự đoán nhiều vườn điều bị giảm năng suất. “Nếu sương lạnh còn kéo dài, nhất là tiếp tục xuất hiện những cơn mưa trái mùa thì có thể nhiều nhà vườn sẽ thất trắng vụ thu hoạch điều năm nay”- ông Niêm nói.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai là cần thiết, giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, từ đó tăng giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Cây điều có thể trồng ở những vùng đất xấu, trước đây được xem là cây "xóa đói, giảm nghèo" của Đồng Nai. Bởi vậy, khi chọn cây trồng này là sản phẩm chủ lực, tỉnh sẽ đầu tư thực hiện nhiều giải pháp đột phá như: tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, tập trung khoa học - kỹ thuật, thu hút chế biến sâu...
Cùng nỗi lo, ông Chí Vinh Sủng, xã Phú Hòa (huyện Định Quán) cho biết, vụ điều năm nay, gia đình ông chủ động bón phân, phun thuốc phòng trừ bệnh với kỳ vọng cây cho năng suất tốt. Tuy nhiên, thời tiết thất thường khiến nấm bệnh xuất hiện trên cây trồng này làm khô ngọn, khô bông, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng này. Ông Sủng xót xa: “Tôi có hơn 2 hécta cây điều 8 năm tuổi nhưng liên tiếp vài năm mất mùa, tôi đã chặt 1 hécta điều chuyển sang trồng bưởi. Với tình hình này, diện tích còn lại cũng khó giữ được vì lợi nhuận từ cây trồng này ngày càng thấp”. Dù rất xót xa vì phải chặt vườn cây đang cho thu hoạch, tôi vẫn quyết định bỏ vốn đầu tư cho cây trồng mới có lãi hơn”.
Ở Đồng Nai, ngay cả những vùng có truyền thống hàng chục năm phát triển cây điều như: Định Quán, Xuân Lộc…nông dân cũng đua nhau chặt bỏ cây điều. Theo nhiều nông dân trồng điều, cây điều khá “nhạy cảm” với thời tiết nên vài năm trở lại đây thường xuyên bị mất mùa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thu nhập của nông dân trồng điều đứng ở mức thấp so với nhiều loại nông sản khác.
Điều vẫn là cây chủ lực có diện tích lớn nhất trong nhóm các cây chủ lực của Đồng Nai và cũng là mặt hàng nông sản đứng đầu về sản lượng và giá trị xuất khẩu của tỉnh. Đồng Nai vừa triển khai đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cây điều vẫn được chọn là một trong những sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh.
TS.Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (đơn vị tư vấn cho đề án trên) cho rằng, ngành điều của Đồng Nai đang gặp khó khăn, diện tích cũng như sản lượng liên tục giảm trong những năm qua; công nghiệp chế biến còn hạn chế. Tuy nhiên, cây điều vẫn có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh như: giá thành sản xuất thấp, chất lượng cao thuộc tốp đầu thế giới. Vì thế, tỉnh cần tăng diện tích, đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu cho ngành điều phát triển.
Cũng theo TS.Khôi: “Khó khăn của ngành chế biến điều là ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu giá cao, chất lượng kém. Đầu tư chế biến sâu và mở rộng thị trường nội địa là giải pháp cho ngành điều phát triển trong tương lai. Vì hiện Việt Nam chủ yếu vẫn chế biến thô, giá trị thấp”.