Ngành dệt may trước nỗi lo Bangladesh
Nói một cách thực tế, các DN dệt may Bangladesh hiện đang có khá nhiều lợi thế và điều này buộc các DN Việt Nam phải nhìn lại vấn đề của chính mình. Điều cần phải nói trước tiên chính là mức lương cơ bản của nhân công dệt may tại Bangladesh chỉ bằng một nửa so với Việt Nam.
Bangladesh có lợi thế về nhân công giá rẻ và ưu đãi thuế quan so với DN Việt
Chi phí nhân công tại các công ty dệt may ở Bangladesh hiện chiếm khoảng 20% giá vốn, trong khi con số này ở Việt Nam đang từ 26-30%. Chi phí nhân công ở Việt Nam có thể tiếp tục tăng cao do mức tăng của lương cơ bản hàng năm và chính sách bảo hiểm mới (tính bảo hiểm dựa trên lương công việc thay vì lương cơ bản).
Kế đến, bất kỳ người nghiên cứu thị trường nào cũng có thể nhận thấy chuỗi cung ứng nội địa ngành dệt may của Bangladesh tương đối hoàn thiện hơn so với Việt Nam do các nhà cung cấp vải nội địa của Bangladesh có khả năng đáp ứng gần 62% nhu cầu trong nước, trong khi tại Việt Nam, con số này chỉ là 23%.
Và chính các DN hoạt động ngành dệt may trong nước cũng phải thừa nhận rằng, lúc này hàng dệt may Việt Nam vẫn khó cạnh tranh với Bangladesh trên thị trường EU do nước này vẫn đang hưởng ưu đãi từ hệ thống GSP tại thị trường này (hiện EU đang áp mức thuế 8-12% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam). Mặc dù Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) nhưng phải đến năm 2018, hiệp định này mới đi vào thực thi.
Đó là chưa kể, lộ trình cắt giảm thuế kéo dài 7 năm, và hàng dệt may từ Việt Nam nhập vào EU phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi. Vấn đề “nút thắt cổ chai” ở mảng vải của dệt may Việt Nam sẽ khiến lợi ích mang lại từ Hiệp định EVFTA trở nên kém rõ ràng.
Trong khi đó, dư địa phát triển của Bangladesh tại thị trường Mỹ vẫn còn lớn, đặc biệt trong trường hợp chính sách thuế biên giới ở Mỹ được thực thi. Trong trường hợp các nhà bán lẻ tại Mỹ không muốn gây “sốc” cho khách hàng, họ có thể tính đến phương án lựa chọn nhà sản xuất có chi phí thấp hơn. Dư địa để các DN dệt may Bangladesh mở rộng thị phần tại Mỹ là lớn do kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh (năm 2016) chỉ ở mức 5,3 tỷ USD (chiếm 7%), xếp sau Trung Quốc và Việt Nam.
Trước sức ép từ Bangladesh, giới chuyên môn cho các DN Việt Nam phải có một bước chuẩn bị thật tốt nếu không muốn mất đi niềm tin của nhà đầu tư cũng như các cổ đông. Bởi như đã nói, câu chuyện Bangladesh không hề là yếu tố bất ngờ mà cách đây vài năm, các DN Việt Nam đã nhận ra, nhưng vì quá tự tin nên đã phớt lờ cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng cho rằng, Bangladesh không hẳn là điểm đến “tuyệt vời” đối với mọi đơn hàng.
Đơn cử, đa phần các đơn hàng ở Bangladesh có khối lượng lớn, yêu cầu kỹ thuật đơn giản nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ với quy mô lớn. Thông thường, hợp đồng mà các nhà sản xuất ở Bangladesh ký kết đều có thời gian giao hàng từ 90 ngày trở lên. Do đó, những DN may ở Việt Nam có tỷ lệ đơn hàng ngắn ngày cao (thông thường kèm theo đó là những yêu cầu kỹ thuật chi tiết) sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn trước sức hút đơn hàng của Bangladesh.
Bên cạnh đó, điều kiện lao động ở mức thấp có thể ngăn cản đơn hàng từ các nhãn hàng lớn, vì họ có thể đối mặt với những rắc rối đến từ tai nạn lao động hay áp lực đòi tăng lương. Ví dụ điển hình là thảm họa Rana Plaza năm 2013 (hơn 1000 người thiệt mạng, đa số là công nhân may mặc khi nhà máy 9 tầng Rana Plaza đột ngột đổ sập).
Sau sự kiện này, áp lực ngày càng đè nặng lên Chính phủ và các công ty may mặc nhằm nâng cao điều kiện làm việc tại Bangladesh, khiến Chính phủ Bangladesh sau đó đã nâng mức lương tối thiểu từ 38USD/tháng lên 68USD/tháng, đi kèm với sửa đổi lại Luật Lao động. Tuy nhiên, mức lương trên vẫn còn rất thấp nếu so sánh với các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn khác, và điều kiện làm việc hiện nay của lao động Bangladesh vẫn ở mức rủi ro cao.
Nhìn chung trong ngắn hạn, rủi ro dịch chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang Bangladesh vẫn sẽ ở mức cao. Tuy nhiên các nhà phân tích chuyên ngành cho rằng tốc độ dịch chuyển sẽ không ở mức đáng ngại do khách hàng chính của dệt may Việt Nam đang là Mỹ, trong khi khách hàng chính của Bangladesh vẫn đang là EU và các DN dệt may Việt Nam bắt đầu gia tăng tỷ lệ đơn hàng ngắn ngày.