|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành cà phê và nỗi lo tụt hậu

11:19 | 20/11/2017
Chia sẻ
Chịu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời diện tích cây cà phê già cỗi ngày càng lớn đang trở thành áp lực lớn cho ngành cà phê Việt Nam. Những yếu tố này đang kéo giảm năng lực của ngành cà phê, đe dọa sức cạnh tranh của ngành đứng trong top đầu các lĩnh vực xuất khẩu của nước nhà.
nganh ca phe va noi lo tut hau
Ngành cà phê và nỗi lo tụt hậu

Đối diện nhiều thách thức

Trong 30 năm qua, ngành cà phê Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng ngoạn mục khi năm 1991, sản lượng cà phê Việt Nam mới chỉ đạt 1% thị phần thế giới, nhưng đến niên vụ 2015 - 2016, Việt Nam đã chiếm gần 20% sản lượng của thế giới.

Ngành cà phê đưa ra mục tiêu là trong vòng 15 năm nữa sẽ đạt xuất khẩu 6 tỷ USD, tuy nhiên hàng loạt những khó khăn hiện tại đang khiến mục tiêu này của ngành cà phê gặp không ít rào cản.

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, những năm gần đây, ngành cà phê chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, năm 2016, hạn hán kéo dài khiến sản lượng cà phê thu hoạch sụt giảm nặng nề. Giới chuyên gia nhận định, đây là năm ngành cà phê chịu cảnh hạn hán gay gắt nhất trong vòng 30 năm qua.

Trong khi đó, lượng cà phê già cần phải tái canh trong 5 năm tới lên đến 160.000ha, nhưng tiến độ tái canh tại các tỉnh Tây Nguyên diễn ra lại vô cùng chậm chạp. Đây là những áp lực lớn đang đè nặng mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD của Việt Nam trong tương lai.

Bên cạnh những khó khăn nói trên, việc tiếp cận vốn không thuận lợi của các nông hộ sản xuất cà phê cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp tác động đến sự phát triển của ngành này.

Theo phản ảnh của nhiều nông hộ ở Lâm Đồng, dù Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi ngành cà phê trong việc vay vốn, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn không hề đơn giản, cái khó vẫn nằm ở điều kiện vay.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam Lương Văn Tự chỉ ra, cà phê Việt đang bị giới hạn bởi diện tích đất đai, thổ nhưỡng.

Bên cạnh đó, cà phê cũng đang bị các cây khác cạnh tranh, đặc biệt là khi Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho người nông dân, nhiều người trồng cà phê phá bỏ diện tích trồng cà phê chỉ vì những món lợi trước mắt... đã kéo giảm sự phát triển của ngành này.

“So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê đã sụt giảm đến 22% về lượng” - ông Tự cho biết và mong muốn, để đảm bảo sản lượng xuất khẩu, cần giữ cho được diện tích 650.000ha trồng cà phê, từ đó tìm giải pháp nâng được giá trị xuất khẩu hướng đến mục tiêu 6 tỷ USD trong vòng 15 năm tới.

Nâng cao sức cạnh tranh

Có thể thấy, ngành cà phê đang đối diện với hàng loạt khó khăn, tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, hiện nay, dư địa giá trị gia tăng của ngành cà phê vẫn còn rất lớn.

Lâm Đồng là một trong những địa phương giàu tiềm năng cho sự phát triển cà phê khi đang sở hữu 152.000 ha đất trồng và dẫn đầu cả nước về sản lượng năng suất cà phê.

“Rất cần nguồn vốn đầu tư về giống và KHCN để phát triển cà phê bền vững” – Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định.

Hiện, với lợi thế vùng nguyên liệu phong phú và được ưu đãi về thuế, nhiều tập đoàn nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam để sản xuất cà phê hòa tan.

Thực tế cũng cho thấy, trong 10 năm tới, Trung Quốc là một trong những nước mua cà phê 3 trong 1 và 2 trong 1 rất lớn.

Đây cũng là thị trường nhập khẩu cà phê nhân đứng thứ 10 của Việt Nam. Để đạt kim ngạch xuất khẩu lên đến 6 tỷ trong vòng 15 năm tới, nguồn vốn đầu tư phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu này.

Đưa ra giải pháp cho phát triển cà phê bền vững đủ sức cạnh tranh, ông Phạm S khẳng định, thời gian tới, cần nghiên cứu các loại giống cà phê chịu hạn có năng suất cao, thay đổi biện pháp canh tác, hướng canh tác là đa dạng sinh học.

Đặc biệt, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ để đảm bảo dưỡng chất cho đất, ứng dụng giống mới để thực hiện tái canh cà phê, áp dụng tưới nước nhỏ giọt và sử dụng hồ tích nước…

Đối với vấn đề thương hiệu, cà phê Việt Nam một trong những ngành hàng xây dựng thương hiệu từ rất sớm nhất. Nhưng trên thực tế, sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam so với thế giới còn hạn chế.

“Cà phê Việt Nam đứng đầu về sản lượng nhưng vẫn bị tình trạng DN ngoại lợi dụng để thay đổi bao bì khác trong khi ruột là cà phê Việt Nam. Thực trạng này đòi hỏi cà phê Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thương hiệu trong bối cảnh hội nhập” – ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN nhận định.

Minh Phương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.