Ngành bán lẻ trước nhu cầu số hóa cấp thiết
Hoạt động bán lẻ sẽ thay đổi rất nhiều trong những năm sắp tới, đi theo xu hướng số hóa của nền kinh tế. |
Thương vụ gây chấn động ngành bán lẻ Amazon-Whole Foods hồi tháng 6 vừa qua không chỉ mang lại nỗi lo âu về nguy cơ độc quyền, khi giới chuyên gia kinh tế cho rằng ngành bán lẻ truyền thống sẽ có thêm động lực để số hóa và ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong thời gian gần đây, Amazon đang thí điểm mô hình cửa hàng tiện lợi Amazon Go, nơi được tích hợp nhiều công nghệ để giúp quá trình mua sắm thêm thuận tiện và dễ dàng. Và sau thương vụ 13,7 tỉ đô la Mỹ, sự vượt trội của Whole Foods trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm hữu cơ chất lượng cao, cộng với khả năng quản lý hàng hóa, chuỗi cung ứng, lưu kho, dự báo và sự xuất hiện của trợ lý số Alexa của Amazon hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp bán lẻ.
Dư chấn kéo dài
Trong dấu hiệu cho thấy dư chấn của thương vụ nói trên mạnh ra sao, cổ phiếu của một loạt công ty có hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ nói chung và phân phối, bán lẻ thực phẩm nói riêng, như Kroger, Walmart, Target, SUPERVALU Inc, United Natural Foods Inc, Sprouts Farmers Markets Inc…, đồng loạt sụt giảm. Ngay cả những công ty không có liên quan gì nhiều đến ngành thực phẩm cũng bị tác động. Chẳng hạn như công ty Mondelez International Inc., nhà sản xuất bánh Oreo và sô-cô-la Cadbury, bị tổn thất đến 1,7 tỉ đô la giá trị trên thị trường chứng khoán. Một khi thương vụ hoàn tất vào cuối năm nay như dự kiến, Amazon sẽ nắm trong tay 456 siêu thị ở Bắc Mỹ và Anh, cải thiện khả năng phân phối hàng hóa và có khả năng cạnh tranh trực tiếp với những chuỗi siêu thị ở Mỹ như Kroger Co và Albertsons LLC...
Sự chuyển hướng của người tiêu dùng sang thực phẩm tươi sống và tự nhiên đang khiến những tên tuổi như Kraft Heinz Co., Kellogg Co., Mondelez International Inc gặp khó. Giờ đây, họ còn có thêm một cơn đau đầu khác bởi lịch sử cho thấy Amazon thường theo đuổi chiến lược giá rẻ để đè bẹp đối thủ cạnh tranh. Giữa lúc người tiêu dùng dành ngày càng nhiều thời gian và tiền bạc cho sức khỏe, Amazon đã lựa chọn đúng thời điểm để “đánh” vào thị trường thực phẩm sạch, không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu, gia vị…
“Các siêu thị giờ đây phải cạnh tranh không chỉ với nhau và với những nhà bán lẻ phi truyền thống, như Walmart Stores Inc và Target Corp, mà còn với Amazon, một nhà bán lẻ có sức mạnh tài chính (giá trị vốn hóa thị trường lên đến 472 tỉ đô la) để cạnh tranh quyết liệt về giá”, ông Mickey Chadha, Phó chủ tịch công ty dịch vụ tài chính Moody’s Investors Service (Mỹ), nhận định, cũng như dự báo rằng thương vụ sẽ đẩy nhanh hơn nữa làn sóng sáp nhập trong lĩnh vực siêu thị.
Tự động hóa để giảm chi phí
Chuyện Amazon có ý định nhảy vào lĩnh vực thực phẩm không có gì là bí mật. Công ty này gần đây tìm cách mở rộng dịch vụ giao thực phẩm cho khách hàng (gọi là Amazon Fresh) cũng như bắt đầu thỉ điểm chương trình AmazonFresh Pickup, cho phép khách hàng mua thực phẩm trên mạng và hàng hóa được giao đến xe cho họ trong vòng 15 phút. Do thương vụ tiến hành chóng vánh nên Amazon chưa có chiến lược hoàn thiện đối với Whole Foods Market. Điều ưu tiên ban đầu của Amazon có thể là giảm chi phí hoạt động của Whole Foods trong nỗ lực giảm giá bán với hy vọng thu hút thêm khách hàng. Ngoài ra, có nhiều khả năng đại gia thương mại điện tử này còn dựa vào kỹ năng thương thảo và quy mô kinh doanh to lớn của mình để thúc đẩy nhà cung cấp giảm giá.
Lịch sử cho thấy Amazon không ít lần sẵn sàng giảm giá hàng trong nỗ lực gia tăng thị phần trong thị trường mới. Khi đó, cổ phiếu của công ty thậm chí còn tăng ngay cả khi lợi nhuận chưa thấy đâu. Điều này phần nào cho thấy nhà đầu tư tỏ ra kiên nhẫn với chiến lược đường dài của Amazon. Ông James Thomson, chuyên gia tại công ty tư vấn thương hiệu Buy Box Experts (Mỹ) và từng làm việc cho Amazon, tiết lộ rằng trong lĩnh vực bán lẻ, Amazon quyết tâm đuổi kịp hoặc đánh bại đối thủ cạnh tranh, ngay cả khi giá cả giảm xuống mức tối thiểu của một thương hiệu. Công ty này cũng thường tìm cách thương thảo với các đối tác để giảm giá thành sản phẩm sau mỗi năm.
Khi thuộc về Amazon, Whole Foods cũng có thể là nơi chứng kiến sự ứng dụng của nhiều công nghệ hiện đại như là một phần của nỗ lực cắt giảm chi phí. Các chuyên gia cho rằng những sự thay đổi tức thì diễn ra bên trong kho hàng, nơi sản phẩm từ nhà cung cấp đang chờ vận chuyển ra kệ trưng bày ngoài cửa hàng. Đây là nơi Amazon có thể phát huy sở trường lâu nay vào nỗ lực cắt giảm chi phí. Bản thân công ty này đang sở hữu mạng lưới kho hàng khắp nước, nơi có hàng ngàn robot hoạt động. Với họ, sự tự động hóa được xem là lợi thế quan trọng trong chiến lược chung về thực phẩm.
Sau khi tự động hóa kho hàng, Amazon có thể đưa robot đến siêu thị Whole Foods, nhưng có nhiều khả năng nhiệm vụ của nó chỉ là kiểm tra hàng hóa tồn kho và báo cho nhân viên khi sắp hết hàng. Dù vậy, theo một số chuyên gia, vẫn còn quá sớm để robot thay thế được nhân viên thu ngân tại những siêu thị Whole Foods như tại cửa hàng Amazon Go.
Amazon hiện đang thí điểm mô hình cửa hàng tiện lợi Amazon Go, nơi được tích hợp nhiều công nghệ để giúp khách hàng mua sắm thuận tiện và dễ dàng hơn. Bên trong cửa hàng ở thành phố Seattle (Mỹ) này, người mua sắm có thể chọn món hàng và rời đi mà không cần phải thanh toán tại quầy. Những gì họ cần là cài đặt ứng dụng Amazon Go và quét mã QR khi đặt chân vào đó. Hệ thống bên trong cửa hàng sẽ xác định danh tính khách hàng và biết được họ mua những gì. Cửa hàng sẽ tự động trừ tiền vào thẻ tín dụng trên tài khoản Amazon của người mua và gửi hóa đơn về điện thoại của họ.
Vượt qua lối suy nghĩ “truyền thống”
Ranh giới giữa thương mại điện tử và bán lẻ đang dần biến mất, và thương mại điện tử cùng kinh doanh trực tuyến sẽ trở thành một phần thiết yếu của thế giới bán lẻ. Và hoạt động bán lẻ sẽ thay đổi rất nhiều trong vòng 10 năm sắp tới, đây là điều tất yếu trong thị trường có quy mô ước tính lên đến 8-10 ngàn tỉ đô la này.
Mô hình bán lẻ trực tuyến đang phát triển ngày một mạnh mẽ nhằm giúp giảm bớt chi phí thuê cửa hàng của thị trường bán lẻ truyền thống. Xu hướng này diễn ra cùng một lúc khi nền kinh doanh truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, và càng thúc đẩy sự thay đổi diễn ra rõ nét hơn. Điều này không đơn giản chỉ là việc thương mại điện tử sẽ thay thế các cửa hàng truyền thống, mà còn liên quan tới một quá trình phức tạp với nhiều xu hướng tương tác khác nhau. Để thay đổi các doanh nghiệp cần vận dụng linh hoạt đòn bẩy tài chính và tiết kiệm chi phí trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng chậm chạp, hiểu biết về sự thay đổi trong lối ứng xử của khách hàng, kết hợp với công nghệ mới và sự đổi mới mang tính xã hội.
Trước hết, các nhà bán lẻ cần nhận thức được rằng nhu cầu buôn bán qua mạng đang tăng cao khi các thế hệ am hiểu về công nghệ đang có xu hướng già hóa là cơ hội. Theo tờ The Economist, 25% số khách hàng ở Mỹ trong độ tuổi 24-35 có 25% số lượt mua bán trong năm là qua mạng Internet. Các con số thống kê này được đóng góp bởi các thế hệ Y (những người sinh ra trong thập niên 80, đầu thập niên 90) và Z (những người sinh sau năm 1990) đang dần tăng và sẽ sớm chiếm phần lớn lượng khách hàng. Điều này làm tăng doanh số bán hàng trực tuyến và con số sẽ tiếp tục tăng trong 10 năm tới. Cùng lúc đó, thế hệ “baby boomer” (những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số) với mức lương hưu khá cũng đang đến tuổi về hưu. Họ không có ý định tiết kiệm cho con cháu như các thế hệ trước mà dùng số tiền này để nâng cấp cuộc sống của bản thân.
Trước đây không lâu, rất dễ để các nhà kinh doanh tách biệt hoạt động trực tuyến lên mạng của người tiêu dùng với các hoạt động thực tế bên ngoài, căn cứ vào thời lượng sử dụng máy tính của mỗi người trong ngày. Giờ thì việc này là không thể vì có quá nhiều người sử dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh. Họ chỉ cần lên mạng và đặt hàng mà không phải hối hả lái xe tới cửa hàng để mua món đồ nào đó. Xu hướng này còn tồn tại trong cả ngành kinh doanh thực phẩm, khi đồ ăn và rau quả tươi có thể được đưa tới tận cửa nhà bạn.
Thương mại di động (Mobile Retailing) hay là m-commerce, đang tăng trưởng nhanh hơn bất cứ loại hình bán lẻ nào khác. Ở Mỹ, thương mại di động chiếm 9,8% doanh thu của thương mại điện tử trong một ngày, theo số liệu của năm 2013, và IBM Core Metrics cho biết con số này gấp ba lần năm 2012. Một xu hướng mới là người ta ngày càng thích mua hàng qua các ứng dụng điện thoại. Theo Cnet, người tiêu dùng tại Mỹ đã thanh toán tổng cộng 1,2 tỉ đô la từ thiết bị di động của họ để mua những món hàng giảm giá chỉ trong ngày lễ Black Friday 25-11-2016 vừa qua. Họ cũng thích các dịch vụ di động liên quan tới những địa điểm mua sắm ưa thích, trong đó có thẻ tích lũy trên điện thoại và ứng dụng quét mã vạch để so sánh giá cả.
Bên cạnh đó, thương mại xã hội (Social Commerce) ra đời khi các mạng xã hội và các nhóm hoạt động được kết hợp với thương mại điện tử và (hoặc) bán lẻ trực tiếp. Mấu chốt của thương mại xã hội là tạo sự vui thích cho khách hàng để họ tuyên truyền cho những người khác thông qua mạng xã hội. Kế tiếp, bán lẻ đa kênh (Omni Channel) cũng là một xu hướng phát triển mạnh mẽ.
Trên thực tế, cũng có điểm yếu trong mô hình bán lẻ trực tuyến hoàn toàn (chỉ bán trên mạng, không có cửa hàng). Dễ thấy nhất là sự thiếu hụt các cửa hàng thực có ở cộng đồng, nơi mọi người dành phần lớn thời gian làm các việc thường ngày. Sự gia tăng số điện thoại thông minh cũng là lợi thế cho các cửa hàng truyền thống, vì khách hàng thích các dịch vụ di động có liên quan đến các cửa hàng gần nơi họ sống hơn. Tuy nhiên, những cửa hàng này cũng không nhất thiết phải là kiểu truyền thống.
Điều này có thể giống với cuộc thử nghiệm của Tesco với gian hàng ảo ở các trạm tàu điện Hàn Quốc, nhắm vào những người đang đợi tàu. Họ gắn những hình ảnh các mặt hàng lên tường như một cửa hàng thật. Có mã QR cho mọi mặt hàng, người mua có thể quét và bỏ vào giỏ hàng “ảo” của mình trong chốc lát. Cuộc thử nghiệm này đã giúp tăng doanh thu gấp 130 lần trong ba tháng, biến Tesco thành hãng bán lẻ thành công nhất ở Hàn Quốc.
Và trên thực tế, có một số nhà bán lẻ nhỏ sẽ vẫn phải phụ thuộc vào cửa hàng “bằng xương bằng thịt” của mình trong 10 năm tới. Vậy nên người tiêu dùng có thể hy vọng những nhà bán lẻ giá phải chăng như Tiger hay Jysk ở Mỹ sẽ tiếp tục bày bán những mặt hàng giá rẻ. Còn ở những mặt hàng xa xỉ hơn, các công ty cũng đưa hàng của mình lên mạng trực tuyến, điều mà trước đây không hề có. Một ví dụ là De Beers, giờ họ đang bán những chiếc nhẫn kim cương giá 10.000 đô la qua mạng, việc mà chỉ vài năm trước khó ai mà nghĩ tới.
Bán lẻ Việt Nam: Thế Giới Di Động doanh thu cao nhất, FPT Shop hiệu quả nhất Số liệu toàn ngành bán lẻ Việt Nam cho thấy Thế Giới Di Động đạt doanh thu cao hơn cả Big C hay Coop Mart ... |
Vì sao các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ đóng cửa hàng loạt? Người ta thường hay đổ lỗi cho Amazon và sự gia tăng mua sắm trực tuyến là lý do các cửa hàng bán lẻ đóng ... |
Ngành bán lẻ truyền thống sẽ ra sao trong kỷ nguyên số? Nhiều nhận định cho rằng, khi thương mại điện tử phát triển tới một thời điểm nào đó sẽ làm các kênh bán lẻ truyền ... |