|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng xoay kế hoạch 2020 vì dịch Covid-19 (Bài 2): Hành động nhanh, chia lửa sớm

16:59 | 20/02/2020
Chia sẻ
19 diễn biến phức tạp đã và đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, lợi nhuận của các ngân hàng châu Á đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, các ngân hàng Việt Nam đang phải dịch chuyển kế hoạch kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.

Bài 2: Hành động nhanh, chia lửa sớm

Không phải chờ đợi một gói kích cầu hay nới lỏng tiền tệ, các ngân hàng dù được coi là “người ảnh hưởng sau cùng”, nhưng đã nhanh chóng phân loại khách hàng chịu tác động để cùng “chia lửa”.

Giảm lãi vay, kích cầu tín dụng

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc một chi nhánh ngân hàng khu vực tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay khi có thông tin về dịch, hội sở ngân hàng đã yêu cầu chi nhánh nắm sát tình hình kinh doanh của khách hàng sau Tết, vừa báo cáo tính hình vừa đề xuất giải pháp hỗ trợ trình hội sở ra quyết định.

Cũng theo vị giám đốc này, tình hình khách hàng mà chi nhánh đang phục vụ “chưa đến mức lo ngại”, mặc dù có xáo trộn một chút sản xuất như tại một vài doanh nghiệp trong khu công nghiệp có tình trạng công nhân về ăn Tết lên chậm vì lo ngại dịch, chi phí hoạt động để mua khẩu trang, thuốc sát khuẩn… của doanh nghiệp tăng lên.

“Tuy nhiên, từ giữa tháng 2 thì cơ bản hoạt động bình thường trở lại. Vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm là liệu có ảnh hưởng tới đơn hàng thời gian tới hay không, đây vẫn là điều khó dự báo”, vị giám đốc này cho biết.

Chia sẻ về tình hình cho vay hiện nay, cán bộ tín dụng chi nhánh Tân Bình của một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM cho hay, từ đầu năm đến nay, dư nợ cho vay tại chi nhánh hầu như không tăng, ngược lại còn có xu hướng giảm do một số hợp đồng tín dụng đến kỳ tất toán. Trong khi đó, cầu vay mới không nhiều.

 Đặc biệt là với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) sản xuất ở ngành hàng dệt may, da giày xuất khẩu và thủy sản đang có khó khăn nhất định.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, tình hình hiện tại chủ yếu vẫn ở mức “đang theo dõi”. Một số ngành đã chịu tác động trực diện như khách sạn, du lịch, nhà hàng thì ít vay ngân hàng mà chủ yếu sử dụng dịch vụ thanh toán, trả lương. 

Những ngành dự báo cũng chịu tác động như dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không,… thì hiện tại vẫn chưa “đến mức quá xấu”, nhưng nếu dịch kéo dài thì việc đàm phán lại hợp đồng tín dụng với ngân hàng chắc chắn sẽ xảy ra.

Trước tình hình dịch cúm Covid-19, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV vừa ra báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch bệnh này đến kinh tế thế giới và Việt Nam. 

Theo báo cáo, dịch Covid-19 sẽ tác động đến ngành ngân hàng, thứ nhất là cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, nhất là 2 quý đầu năm 2020. Tiếp theo là tiềm ẩn nợ xấu tăng, khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn.

Theo báo cáo thì đây cũng là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước đưa chỉ đạo các tổ chức tín dụng có phương án tổ chức kinh doanh phù hợp, không ảnh hưởng đến khách hàng, xem xét giảm lãi suất, giãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đang chủ động, tích cực thực hiện và một số tổ chức tín dụng đã công bố giảm lãi suất hoặc có các gói hỗ trợ tín dụng cũng như tư vấn, thông tin đến khách hàng về dịch bệnh và phòng ngừa.

Chia lửa sớm

Thực tế hoạt động ngân hàng từ khi mở cửa kinh tế đến nay, các trận thiên tai, bão lũ, dịch bệnh lớn đều tác động trực diện tới ngân hàng. 

Gần nhất chính là dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng tới hoạt động chăn nuôi và cho vay trong lĩnh vực này, cũng như ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng xấu.

Tuy nhiên, theo các ngân hàng, dịch Covid-19 này có rủi ro cao hơn nhiều, vì với các rủi ro trước thường ở một vài ngành, vài địa phương, còn dịch Covid-19 tác động trực diện tới con người, lại xảy ra ở nhiều nước, nên nếu không sớm được kiểm soát thì mức độ rủi ro rất cao. 

Ngay thời điểm hiện tại, dù dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát tại Việt Nam, nhưng Trung Quốc và một số thị trường lân cận đã vào trạng thái phòng ngừa, điều này đã chớm tác tác động tới chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam, vì hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam rất lớn, kim ngạch hơn 500 tỷ USD tính tới năm 2019.

Do vậy, sự “chia lửa” sớm của ngành ngân hàng là không thừa, bởi nếu chờ đợi thì hậu quả như dự báo sẽ xảy ra và khó cứu vãn.

Ghi nhận trên thị trường tới thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã công bố gói hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động. Chẳng hạn, ABBank dành 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất từ 9,7%/năm. 

ACB cũng dành một gói tín dụng để kích thích doanh nghiệp bằng cách ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay mới với lãi suất thấp hơn hiện tại. VPBank công bố hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5% mỗi năm so với mức thông thường cho khoảng 1.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. 

SCB ngoài triển khai nhiều gói vay ưu đãi, còn đưa thêm giải pháp hỗ trợ nhu cầu vốn khi dòng tiền chưa về kịp, nhà băng cung cấp giải pháp cấp tín dụng không tài sản bảo đảm với nhiều hình thức linh hoạt như cho vay, thấu chi và phát hành thẻ BizCard với hạn mức cấp tín dụng không tài sản bảo đảm lên đến 500 triệu đồng một khách hàng.

Bên cạnh đó, SCB còn cung cấp sản phẩm cho vay có tài sản bảo đảm với mức cho vay ngắn hạn lên đến 90% tổng nhu cầu vốn. 

Thông qua các gói sản phẩm trên, các doanh nghiệp hội viên có thể tiếp cận nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, dự án sẽ triển khai, cũng như các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng tốt nhất nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, chất lượng phục vụ khách hàng.

Ngăn chặn nợ xấu tăng

Nợ xấu luôn là nỗi lo lớn nhất với mỗi ngân hàng và xử lý nợ xấu chính là nội dung lớn nhất trong đề án tái cơ cấu hệ thông ngân hàng thời gian vừa qua. 

Một cán bộ tín dụng ngân hàng cho biết, hoạt động cho vay của chi nhánh mà chị đang làm việc đang thực hiện theo nguyên tắc “vừa hỗ trợ, vừa hạn chế”.

Hỗ trợ vốn giá rẻ, giảm phí dịch vụ cho phân khúc khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 nhằm chia sẻ khó khăn, nhưng sẽ hạn chế ở khách hàng mới theo hướng nâng khẩu vị rủi ro khi đánh giá hồ sơ vay vốn để giảm rủi ro nợ xấu, chấp nhận chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn trong ngắn hạn.

Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán đối với hoạt động cho vay hiện nay của các ngân hàng đang ở mức thận trọng hơn, điểm khó dự báo là dịch kéo dài bao lâu và mức độ tác động sẽ lớn thế nào. 

Ngành ngân hàng phát triển hay khó khăn luôn song hành cùng với nền kinh tế vì đặc thù vai trò “huyết mạch nền kinh tế”.

Báo cáo của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cũng đưa ra một số kịch bản dự báo. Trong kịch bản cơ sở, đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trong quý I/2020, dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giao dịch ngoại thương, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số doanh nghiệp và hộ gia đình bị suy giảm. 

Qua đó, các hoạt động, giao dịch tài chính - ngân hàng giảm khoảng 1% và khiến GDP giảm 0,05 điểm phần trăm. Từ quý II/2020 đến cuối năm, các tác động từ dịch Covid-19 với lĩnh vực này sẽ tăng dần do có độ trễ, khiến GDP giảm 0,08 điểm phần trăm trong quý này và giảm 0,11 điểm phần trăm cả năm.

Trong kịch bản tích cực, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm quý I và II/2020 giảm nhẹ 1%, cả năm giảm 0,5%. Kịch bản tiêu cực, nhóm này sẽ giảm 1% và 1,5% trong 2 quý đầu tiên, và giảm 0,5% so với đầu năm.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Đinh Thế Hiển cũng cho hay, diễn biến dịch Covid-19 tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động của các ngân hàng. Dịch bệnh cũng khiến thị trường bất động sản trở nên trầm lắng hơn, khiến cầu vốn tín dụng giảm. 

Mặt khác, điều này sẽ làm chậm quá trình phát mãi tài sản bất động sản, khiến quá trình xử lý nợ xấu khó có thể đẩy nhanh, bên cạnh ngăn chặn nợ xấu mới.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ nợ xấu Trung Quốc tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các ngân hàng của Trung Quốc sẽ phải chấp nhận nợ xấu tăng lên nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch.

Vân Linh