|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng trung ương sẵn sàng cho sự phối hợp toàn cầu để đối phó với COVID-19

11:44 | 03/03/2020
Chia sẻ
Các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đang chuẩn bị sẵn sàng cho một phản ứng tiền tệ phối hợp trên toàn cầu để đối phó với dịch bệnh COVID-19, vấn đề đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương toàn cầu sẵn sàng cho sự phối hợp toàn cầu để đối phó với COVID-19 - Ảnh 1.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (Ảnh: ECB)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là tổ chức mới nhất đưa ra gợi ý về hành động chính sách tiền tệ trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro kinh tế tiềm ẩn từ sự bùng phát của dịch virus corona (COVID-19), theo CNBC.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi một loạt ý kiến từ những người đứng đầu ngân hàng trung ương trên khắp thế giới chỉ ra khả năng cần có một phản ứng tiền tệ phối hợp trên toàn cầu để đối phó với dịch bệnh.

Kì vọng này đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán trên khắp các nền kinh tế lớn vào thứ Hai sau tuần giảm điểm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính khi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đã gia tăng do sự lây lan nhanh chóng của virus ra bên ngoài Trung Quốc.

CNBC nêu ra những bình luận mới nhất từ những người đứng đầu một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Châu Âu

Ngày 2/3, Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết ngân hàng sẽ vẫn cảnh giác và theo dõi chặt chẽ tất cả các dữ liệu. Ông cảnh báo về ảnh hưởng đối với xuất khẩu của khu vực đồng euro và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong mọi trường hợp, ECB sẵn sàng điều chỉnh tất cả các công cụ của mình nếu phù hợp, để đảm bảo rằng lạm phát đi theo hướng mục tiêu, ông nói thêm tại một bài phát biểu tại London.

Lãi suất tiền gửi chính của ECB hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử là -0,5% và ngân hàng trung ương đang thực hiện chương trình nới lỏng định lượng, mua tài sản với lãi suất hàng tháng là 20 tỉ euro (22,25 tỉ USD).

Mỹ 

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã đưa ra một tuyên bố vào thứ Sáu (28/2) nhắc lại rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh và virus corona đang mang đến rủi ro cho hoạt động kinh tế.

"Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ của mình và hành động phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế", ông Powell nói.

Thị trường hiện đang kì vọng mức giảm 50 điểm cơ bản lãi suất liên bang (0,5 điểm %) tại cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng 3 và tổng cộng 100 điểm cắt giảm vào cuối năm 2020.

Mức lãi suất 1,5% - 1,75% hiện tại đã được áp dụng kể từ cuối năm 2019 sau ba lần cắt giảm trong năm.

Nhật Bản

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda hôm thứ Hai đã ghi nhận sự bất ổn gần đây trên thị trường và cho biết "những bất ổn về triển vọng nền kinh tế đang ngày càng tăng do sự lây lan của virus corona".

"NHTW Nhật Bản sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến trong tương lai và sẽ cố gắng cung cấp thanh khoản dồi dào và đảm bảo sự ổn định trên thị trường tài chính thông qua các hoạt động thị trường và mua tài sản phù hợp", ông nói trong một tuyên bố.

Mức lãi suất mục tiêu ngắn hạn của ngân hàng trung ương hiện đang ở mức -0,1%.

Anh

Thống đốc sắp mãn nhiệm Mark Carney của NHTW Anh nói với Sky News hôm thứ Sáu rằng Vương quốc Anh nên chuẩn bị cho sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và cảnh báo rằng chuỗi cung ứng đang bị thắt chặt.

NHTW đã theo dõi điều này và cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với Bộ tài chính và cơ quan quản lí của Anh cùng với các đối tác quốc tế để thực hiện tất cả các bước cần thiết bảo vệ sự ổn định tài chính.

Lãi suất cơ bản của Anh hiện ở mức 0,75%.

Trung Quốc

Cho tới nay, Trung Quốc là ngân hàng trung ương lớn duy nhất đã cắt giảm lãi suất để đối phó trực tiếp với virus corona.

Bắc Kinh đã cắt giảm lãi suất cho vay vào ngày 20/2 để vượt qua cơn bão. Cụ thể, PBoC đã giảm lãi suất cho vay kì hạn 1 năm từ 4,15% xuống còn 4,05% và lãi suất 5 năm từ 4,8% xuống 4,75%.

Diệp Bình