Ngân hàng Trung Quốc sốt ruột với khối nợ xấu hơn 200 tỉ USD
Trong cuộc chiến để giữ cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ tiếp tục hoạt động, các ngân hàng Trung Quốc đang trông chờ chính phủ gia hạn thời gian ghi nhận nợ xấu đối với các khoản vay trễ hạn trả nợ.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết các nhà quản lí và một số ngân hàng đã thảo luận về việc gia hạn các khoản vay cứu trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Hạn chót ban đầu là 30/6.
Chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc là cung cấp sự linh hoạt cho doanh nghiệp trong việc thanh toán nợ gốc và lãi. Nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng vọt trong nửa cuối năm nếu không có thêm các biện pháp trợ giúp từ chính phủ, làm suy yếu khả năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Hệ thống ngân hàng trị giá 41.000 tỉ USD của Trung Quốc đang dẫn đầu các nỗ lực thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Trong quí I, số khoản vay mà ngân hàng cấp cho doanh nghiệp đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kì. Ngân hàng cũng cho hoãn và đảo các khoản nợ với qui mô lên đến 1.500 tỉ nhân dân tệ (211 tỉ USD).
Có rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục nhanh chóng. Nếu chính phủ không gia hạn thời gian ghi nhận nợ xấu, bảng cân đối kế toán của ngân hàng sẽ phải chịu thiệt hại lớn.
Không chỉ riêng các ngân hàng Trung Quốc gặp khó, nhiều quốc gia trên toàn thế giới cũng đang phải đau đầu với chi phí kinh tế của đại dịch COVID-19. Các biện pháp cho vay khẩn cấp và hoãn nợ ban đầu của nhiều chính phủ không đáp ứng được tình hình thực tế.
"Đây là vấn đề toàn cầu", nhà phân tích Harry Hu của S&P Global cho biết. Theo ông Hu, nhiều nhà chức trách quốc tế đang kêu gọi để tăng cường sự linh hoạt trong việc ghi nhận các khoản nợ xấu.
"Nếu tất cả các khoản nợ này được đánh dấu là nợ xấu, dự phòng cho vay của ngân hàng sẽ tăng vọt, khiến lợi nhuận lao dốc. Nếu không có vốn tích lũy, làm sao ngân hàng có thể hỗ trợ nền kinh tế được?", ông Hu chỉ ra.
Trường hợp của ông Zhang Ming là một ví dụ điển hình. Ông đã vay 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 141.000 USD) từ ngân hàng vào tháng 2 để thuê nhân công và duy trì việc sản xuất. Công ty của ông Zhang chuyên chế tạo và xuất khẩu khung gỗ và đồ trang trí Giáng Sinh.
Nhưng khi COVID-19 lan ra toàn cầu, hàng loạt các đơn đặt hàng từ những khách hàng quốc tế như Walmart và Costco đã bị hủy, khiến cho hoạt động kinh doanh của công ty giảm đến 70%. Ông Zhang còn khoản nợ 3 triệu nhân dân tệ khác (khoảng 422.000 USD) sẽ đáo hạn trong tháng này.
"Giá mà ngân hàng có thể cho tôi thêm ba tháng nữa, đến lúc đó thì các đơn đặt hàng có thể sẽ tăng lên. Nếu không, rất nhiều nhà sản xuất nhỏ như chúng tôi sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn trong năm nay", ông Zhang than thở.
Rất nhiều chủ doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc đang phải đối mặt với thực tế rằng dù các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, khách hàng cũng sẽ không sớm quay trở lại. Người tiêu dùng Trung Quốc không đổ xô đến các nhà hàng hay trung tâm mua sắm, do họ vẫn còn nhiều lo ngại về COVID-19, thu nhập và việc làm.
Nhiều quốc gia khác đang phải vật lộn để tìm điểm cân bằng giữa các biện pháp hạn chế lây lan COVID-19 và mở cửa lại nền kinh tế, khiến tương lai của các nhà xuất khẩu Trung Quốc càng thêm mờ mịt.
Trì hoãn
Hồi tháng 3, chính quyền Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng trì hoãn việc ghi nhận nợ xấu từ các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Một số doanh nghiệp cũng được phép hoãn trả nợ. Nhờ vậy, tỉ lệ nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo chỉ tăng 0,06 điểm phần trăm lên 2,04% vào cuối tháng 3.
S&P ước tính rằng tỉ số tài sản không sinh lời (Non-performing Asset – NPA) của ngân hàng Trung Quốc có thể tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước khi COVID-19 bùng phát, lên đến 10% trong năm nay. Điều này cũng có nghĩa dự kiến tài sản không sinh lời của ngân hàng sẽ tăng thêm 8.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1.125 tỉ USD)
S&P cảnh báo nếu các gián đoạn do COVID-19 gây ra kéo dài đến quá năm 2021, khả năng ngân hàng thu hồi được các khoản vay thanh toán chậm sẽ giảm đi. Dự phòng nợ tăng mạnh sẽ đè nặng lên lợi nhuận của ngân hàng trong suốt nhiều năm tiếp theo, buộc chính phủ Trung Quốc phải đứng ra giải cứu.
Theo Bloomberg, từ trước khi kinh tế Trung Quốc bị tàn phá bởi COVID-19, các ngân hàng đã nghi ngờ về độ tin cậy của dữ liệu nợ xấu chính thức. Vấn đề này sẽ chỉ càng trầm trọng hơn trong năm nay.
Khoảng 83% số người tham gia cuộc khảo sát thường niên của China Orient Asset Management cho biết dữ liệu nợ vay chính thức thấp hơn nhiều so với con số thực tế. Khảo sát này được tiến hành từ trước khi COVID-19 bùng phát.
Gần 1/4 người tham gia trả lời con số chính thức "thấp hơn nhiều" so với thực tế, chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn đang rình rập các ngân hàng.
Ông Jason Guo, đối tác của Deloitte & Touche cho biết sau khi xóa sổ các khoản nợ xấu với qui mô 5.800 tỉ nhân dân tệ (khoảng 816 tỉ USD) trong giai đoạn 2017-2019, các ngân hàng Trung Quốc sẽ còn phải hứng chịu nhiều tổn thất hơn trong 3 năm tới.
Tuy nhiên, các quan ngại này đang tạm thời bị bỏ qua do Trung Quốc đang tập trung để đưa nền kinh tế quay trở lại bình thường. Thiệt hại kinh tế của COVID-19 đã khiến Trung Quốc phải ghi nhận quí tăng trưởng GDP âm đầu tiên trong hàng thập kỉ, và hàng triệu người bị mất việc làm.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Thống đốc ngân hàng trung ương Dịch Cương đã tuyên bố sẽ hỗ trợ hoạt động kinh tế bằng những chính sách như gia hạn thời gian trả nợ.
Ông Guo, đối tác của Deloitte & Touche cho biết: "Sẽ có độ trễ khoảng 3 đến 6 tháng so với thực tế cho đến khi các khoản nợ xấu xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Việc tìm ra cách xử lí chúng sẽ nằm trong ưu tiên hàng đầu của mọi ngân hàng trong nửa cuối năm".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/