|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cái bẫy cổ tức 42 tỉ USD dành cho các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc

06:15 | 30/04/2020
Chia sẻ
Chính phủ Trung Quốc đang dựa vào cổ tức của các ngân hàng để kích thích nền kinh tế. Vì vậy, các ngân hàng lớn nhất nước này vẫn sẽ phải chi trả cổ tức cho cổ đông như kế hoạch đã định, dù điều này khiến cho nguồn vốn của họ suy yếu.
Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đối mặt với cái bẫy cổ tức 42 tỉ USD - Ảnh 1.

Logo Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC). Ảnh: Bloomberg

Mặc cho các doanh nghiệp trên khắp thế giới mạnh tay cắt giảm cổ tức, khoản thanh toán cổ tức trị giá 42 tỉ USD các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc hứa hẹn với cổ đông vẫn phải được chi trả như đã định, theo yêu cầu của Nhà nước Trung Quốc

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cùng với ba ông lớn thuộc top 4 nhà băng lớn nhất Trung Quốc sẽ trả 30% lợi nhuận trong năm 2019 cho cổ đông, tương đương với tỉ lệ cổ tức hơn 6%. Con số này gần gấp đôi tỉ lệ cổ tức của giới ngân hàng Mỹ.

Nhưng trong bối cảnh giới ngân hàng có khả năng phải đối mặt với các khoản tổn thất tín dụng lên tới hàng nghìn tỉ nhân dân tệ do tác động của COVID-19, ngày càng có nhiều tranh cãi rằng liệu các ngân hàng khổng lồ của Trung Quốc có nên tiếp tục trả cổ tức không.

Việc duy trì chi trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ khiến cho cổ đông, và đặc biệt là chính phủ Trung Quốc hài lòng, nhưng lại làm suy yếu nguồn lực của ngân hàng. 

Ông Nicholas Zhu, nhà phân tích tại Moody's Investor Service cho biết: "Duy trì tỉ lệ trả cổ tức cao là một phần nghĩa vụ cộng đồng của các ngân hàng Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh ngân sách tài khóa eo hẹp như hiện nay".

"Cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ từ từ làm xói mòn vốn của ngân hàng, do vậy, bất cứ động thái cắt giảm cổ tức nào cũng sẽ được tiến hành từng bước, thay vì thông báo đột ngột".

Tại châu Âu, các ngân hàng tại Anh và Đan Mạch đã chấm dứt việc chi trả cổ tức theo yêu cầu từ các nhà quản lí. Giới ngân hàng ở Thụy Sĩ và Australia cũng cắt giảm mạnh cổ tức để bảo tồn vốn, theo lời khuyên của cơ quan giám sát.

8 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, bao gồm JPMorgan Chase & Co, vẫn duy trì chi trả cổ tức, nhưng đã hủy bỏ các chương trình mua lại cổ phiếu nhằm hỗ trợ khách hàng trong đại dịch.

Bất kì thay đổi nào trong chính sách chi trả cổ tức của giới ngân hàng Trung Quốc cũng sẽ phải tuân theo chỉ dẫn của chính phủ nước này, và phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến giằng co giữa cơ quan quản lí và các bộ ngành, mỗi bên lại có những ưu tiên khác nhau.

Bộ Tài chính và Quĩ đầu tư quốc gia Trung Quốc kiểm soát hơn 2/3 số cổ phần của Big 4 ngân hàng Trung Quốc, cả hai đều chủ trương duy trì việc chi trả cổ tức.

Trong khi đó, cơ quan quản lí ngân hàng Trung Quốc lại thường quan tâm hơn tới việc bảo toàn vốn và sự ổn định tài chính của các tổ chức này.

Hiện tại, cơ quan quản lí Trung Quốc chưa yêu cầu các ngân hàng lớn điều chỉnh cổ tức. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Bloomberg, trong cuộc khảo sát gần đây của cơ quan quản lí nước này, một ngân hàng lớn đã liệt kê việc cắt giảm cổ tức là một trong những biện pháp giúp cải thiện sức mạnh tài chính.

Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đối mặt với cái bẫy cổ tức 42 tỉ USD - Ảnh 2.

Tập đoàn tài chính UBS (Thụy Sỹ) dự đoán ngành ngân hàng Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến lợi nhuận sụt giảm ở mức chưa từng có trước đây, lên tới 39%, kể cả khi chính phủ nước này giúp hấp thụ nợ xấu.

Nếu không có sự trợ giúp của chính phủ, lợi nhuận của ngân hàng có thể sẽ tụt dốc tới 70%. Các nhà phân tích tại S&P Global dự đoán rằng trong trường hợp đại dịch COVID-19 kéo dài, nợ xấu có thể tăng vọt đến 5.600 tỉ nhân dân tệ (791 tỉ USD).

Thời kì khó khăn

Năm ngoái, bài kiểm tra sức chịu đựng (stress test) theo kịch bản xấu nhất cho thấy 17 trên 30 ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc sẽ không thể đảm bảo vốn theo các mức qui định nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 4,15%.

Trong khi đó, tăng trưởng GDP quí I/2020 của Trung Quốc là âm 6,8%, và theo khảo sát của Bloomberg, dự kiến tăng trưởng GDP trong toàn năm 2020 chỉ là 2%.

Ông Richard Zhu, đối tác của PricewaterhouseCoopers (PwC) cho biết: "Với rủi ro tín dụng ngày càng gia tăng, các ngân hàng Trung Quốc nên lên kế hoạch để dành tiền phòng khi gặp khó khăn. Đối với một ngân hàng niêm yết công khai, việc giữ cho hoạt động ổn định cũng quan trọng bằng với việc duy trì mức chi trả cổ tức".

Cho tới hiện tại, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã thành công trong việc giữ cho vốn của họ cao hơn mức yêu cầu tối thiểu, và đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn. Lợi nhuận của ICBC tăng 3% trong quí I, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2018.

Các nhà quản lí Trung Quốc đã báo hiệu rằng họ có thể sẽ nới lỏng áp lực chi trả cổ tức cho các ngân hàng.

Mới đây, ông Zhou Liang, phó chủ tịch Ủy ban điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC), nói rằng ngân hàng nên dựa nhiều hơn vào việc tạo vốn nội bộ, bên cạnh việc phát hành trái phiếu và cổ phiếu.

Ông Chen Hao, nhà phân tích tại CIB Research cho biết phát biểu trên của CBIRC "gửi đi tín hiệu rằng các nhà quản lí sẵn sàng cho phép ngân hàng giữ lại nhiều lợi nhuận hơn. Do vậy, chúng tôi kì vọng ngân hàng Trung Quốc sẽ giảm tỉ lệ chi trả cổ tức trong tương lai gần".

Cổ phiếu các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang được giao dịch với mức chiết khấu trung bình 45% so với giá trị sổ sách dự báo. Do vậy, họ gần như không thể phát hành cổ phiếu thường, vì các cơ quan quản lí thường yêu cầu giá bán cổ phiếu tối thiểu phải bằng giá trị sổ sách. Giữ lại lợi nhuận là cách duy nhất để ngân hàng cải thiện vốn. 

Tuy nhiên, điều này không dễ để thực hiện. Ông Zhang Qingsong, chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cho biết với tư cách là một ngân hàng quốc doanh, mô hình kinh doanh cơ bản nhất của ngân hàng này là cung cấp tín dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ phải bổ sung vốn liên tục kể cả khi tiếp tục chi trả cổ tức.

Do đó, theo Jefferies Financial Group, hoàn toàn không có khả năng các ngân hàng Trung Quốc sẽ ngừng chi trả cổ tức năm 2019 vào tháng 7/2020 theo kế hoạch ban đầu. Nhưng hai nhà phân tích Shujin Chen và Alfred He của Jefferies Financial Group lưu ý rằng: "Chúng tôi đánh giá ngày càng có nhiều khả năng họ sẽ giảm tỉ lệ chi trả cổ tức năm 2020, khi xét đến viễn cảnh lợi nhuận suy giảm".

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.